BÌNH LUẬN VỀ NGHĨA VỤ CUNG CẤP THÔNG TIN CỦA BÊN MUA BẢO HIỂM TRONG QUÁ TRÌNH ĐÀM PHÁN HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

BÌNH LUẬN VỀ NGHĨA VỤ CUNG CẤP THÔNG TIN CỦA BÊN MUA BẢO HIỂM TRONG QUÁ TRÌNH ĐÀM PHÁN HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM


Bạch Thị Nhã Nam*, Trương Công Quốc Bảo**, Trần Thị Minh Phương**


Tóm tắt: Một trong những khía cạnh cơ bản nhất trong hợp đồng bảo hiểm là nghĩa vụ cung cấp thông tin, đây là yếu tố nền tảng để hình thành việc giao kết hợp đồng bảo hiểm (HĐBH). Bài viết nghiên cứu những nội dung bất cập của quy định pháp luật từ Luật Kinh doanh bảo hiểm ban hành năm 2000 (sửa đổi 2010, 2019), Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2022, và đánh giá thực tiễn phán quyết liên quan đến nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm. Từ đó, bài viết đưa ra các khuyến nghị hoàn thiện quy định pháp luật, và các lưu ý trong thực tiễn áp dụng quy định pháp luật.

Từ khóa: bảo hiểm, nghĩa vụ, cung cấp thông tin…


1. Đánh giá các hạn chế của quy định pháp luật bảo hiểm Việt Nam về nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm

Cơ sở lý luận của việc thiết lập nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm (BMBH) cho doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) xuất phát từ sự bất cân xứng thông tin của cả hai bên liên quan đến rủi ro được bảo hiểm. BMBH được cho là bên nắm rõ thông tin về rủi ro dự kiến bảo hiểm hơn DNBH.  Chẳng hạn như một người mua bảo hiểm nhân thọ, họ sẽ là người nắm rõ tình hình sức khỏe của mình, các yếu tố môi trường, công việc ảnh hưởng đến sức khỏe của mình hơn so với DNBH. Chính vì thế trong nhiều trường hợp, có khả năng BMBH có động cơ để che giấu đi các thông tin liên quan đến sức khỏe, hồ sơ bệnh án khiến DNBH đánh giá sai rủi ro của đối tượng được bảo hiểm, đề xuất mức phí bảo hiểm chưa tương xứng, hoặc nếu biết đúng sự thật có thể từ chối giao kết hợp đồng bảo hiểm hay thay đổi nội dung điều khoản phạm vi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm... Do đó, nghĩa vụ cung cấp thông tin của BMBH được quy định nhằm tránh việc thiết lập hợp đồng bảo hiểm do nhầm lẫn, hiểu sai thông tin và tránh gian lận bảo hiểm. 

Trên thực tiễn, ở giai đoạn đàm phán hợp đồng, BMBH thường được yêu cầu hoàn thành Đơn yêu cầu bảo hiểm, theo đó BMBH (bao gồm cả người được bảo hiểm) phải trả lời chính xác, đầy đủ, trung thực các câu hỏi thông tin liên quan đến đối tượng được bảo hiểm trong Đơn yêu cầu bảo hiểm. BMBH phải hành động một cách thiện chí khi được yêu cầu cung cấp mọi thông tin quan trọng đã biết liên quan đến rủi ro được bảo hiểm. Từ đó DNBH dựa vào những thông tin được cung cấp bởi BMBH để đánh giá mức độ và tần suất rủi ro của đối tượng được bảo hiểm và đưa ra quyết định có chấp nhận giao kết hợp đồng bảo hiểm hay không. 

Luật Kinh doanh bảo hiểm (Luật KDBH hiện hành) ra đời năm 2000 cùng với những văn bản sửa đổi, bổ sung vào 2010, và 2019 đã thiết lập nên các quy định chi tiết về nghĩa vụ cung cấp thông tin tại các Điều 17, 18, 19. Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) 2022 (Luật KDBH sửa đổi) có điều chỉnh nhưng không đáng kể trong việc quy định nghĩa vụ này của bên mua bảo hiểm, cụ thể tại Khoản 2.a Điều 21: “Bên mua bảo hiểm có các nghĩa vụ sau đây: a) Kê khai đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;”. Tại Khoản 2, Điều 22, Luật KDBH sửa đổi quy định rõ chế tài DNBH có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý (nếu có) khi BMBH có sự vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn đàm phán cho DNBH. Đồng thời, Luật KDBH sửa đổi đã khắc phục hạn chế của Luật KDBH hiện hành khi làm rõ không áp dụng vô hiệu hợp đồng đối với sự vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tại Khoản 1.h, Điều 25.

Mặc dầu Luật KDBH sửa đổi có đôi chỗ cải cách pháp lý đối với nghĩa vụ cung cấp thông tin của BMBH ở giai đoạn tiền hợp đồng sau hai mươi năm kể từ Luật KDBH đầu tiên ban hành các quy định điều chỉnh vấn đề này, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần được bàn luận để đảm bảo tính công bằng đối với các bên trong quan hệ bảo hiểm, và hướng đến thực tiễn giải quyết tranh chấp nhất quán, minh bạch.

Giới hạn nội dung thông tin được yêu cầu cung cấp

Điểm b, khoản 2 Điều 18 Luật KDBH hiên hành quy định BMBH phải “kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm”. Thêm vào đó, khoản 1 Điều 19 Luật KDBH hiện hành cũng quy định rằng: “bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm”. Việc hai điều luật cùng điều chỉnh nghĩa vụ cung cấp thông tin của BMBH, tuy nhiên có cách diễn đạt không đồng nhất, cụ thể: “theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm” và “liên quan đến đối tượng bảo hiểm”, vậy có những trường hợp thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm nhưng không được DNBH yêu cầu hoặc những thông tin DNBH yêu cầu nhưng không liên quan đến đối tượng bảo hiểm, BMBH có phải có nghĩa vụ trả lời các câu hỏi trên hoặc cung cấp thông tin cho DNBH không?

Luật KDBH sửa đổi chưa khắc phục được vấn đề này khi vẫn tạo ra sự sai khác giữa Khoản 2.a Điều 21 “mọi thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu” và Khoản 1, Điều 22 “có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm”. Chính sự không rõ ràng này của luật đã gây nên nhiều vướng mắc trên thực tế.   

Thông tin thay đổi đáng kể sau khi hoàn tất mẫu đơn yêu cầu bảo hiểm trong giai đoạn tiền hợp đồng

Sau khi hoàn tất việc cung cấp thông tin, BMBH sẽ phải chờ một khoảng thời gian rất dài để DNBH thẩm định hồ sơ bảo hiểm. Mặc dù tại thời điểm trả lời câu hỏi hoặc kê khai thông tin vào đơn yêu cầu bảo hiểm, BMBH đã hoàn toàn thiện chí trả lời đầy đủ và đúng sự thật nhưng sau đó lại xuất hiện gia tăng rủi ro đối với đối tượng dự kiến mua bảo hiểm, mà những sự xuất hiện rủi ro mới này có thể khiến các thông tin đã cung cấp cho DNBH không còn đúng sự thật nữa. Vậy những thông tin bị thay đổi trong khoảng thời gian chờ thì liệu BMBH có nghĩa vụ thông báo hay cập nhật cho DNBH không?  Đây là một vấn đề mà Luật KDBH hiện hành hay sửa đổi vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Các yếu tố cấu thành sự vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin của BMBH, và các giới hạn của việc thực hiện nghĩa vụ 

Pháp luật bảo hiểm Việt Nam hiện hành chỉ mới dừng lại ở việc quy định chỉ cần có hành vi cung cấp sai hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin từ phía BMBH là sẽ cấu thành sự vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin của BMBH. Tuy nhiên việc quy định như vậy tạo nên một gánh nặng thực hiện nghĩa vụ đối với BMBH. Bởi vì khi khẳng định BMBH vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin ở giai đoạn đàm phán HĐBH, họ có thể sẽ không được chi trả các quyền lợi bảo hiểm theo HĐBH. 

Trong nhiều trường hợp, việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin đến từ lỗi vô ý của BMBH vì họ thiếu những kiến thức chuyên môn để hiểu rõ các yêu cầu thông tin trong Đơn yêu cầu bảo hiểm của DNBH. Mặt khác, khi chưa có sự kiện bảo hiểm xảy ra, các bên có thể thỏa thuận lại điều khoản trong hợp đồng hay không? 

Ngoài ra, có những trường hợp BMBH đã sơ suất không cung cấp một vài thông tin như không điền thông tin trong đơn yêu cầu bảo hiểm, nhưng DNBH biết việc không cung cấp đó mà vẫn giao kết HĐBH mà không có bất cứ yêu cầu cung cấp thông tin nào khác với phía BMBH. Vậy thì liệu BMBH có vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin không khi mà DNBH đã từ bỏ việc xem xét thông tin? 

Luật KDBH hiện hành hay sửa đổi vẫn còn đang bỏ ngỏ đối với những vấn đề trên. Tuy nhiên, pháp luật bảo hiểm Anh và Trung Quốc đã quy định rõ ràng đối với những trường hợp loại trừ nghĩa vụ cung cấp thông tin. Cụ thể, trong Luật Bảo hiểm năm 2015 của Anh (Insurance Act 2015 – IA 2015), Điều 3(5) quy định các thông tin mà BMBH không cần phải tiết lộ bao gồm: Thông tin làm giảm rủi ro; DNBH biết hoặc buộc phải biết thông tin đó;hoặc DNBH từ bỏ việc yêu cầu thông tin. 

Luật KDBH sửa đổi 2022 vẫn chưa quy định trường hợp DNBH phát hiện BMBH đã có hành vi không cung cấp hoặc cung cấp sai thông tin trong quá trình thực hiện HĐBH, tuy nhiên giữ im lặng và vẫn tiếp tục thực hiện HĐBH trong một khoảng thời gian dài trước khi có bất kỳ sự kiện bảo hiểm nào xảy ra. Điều này cho thấy việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin của BMBH ở giai đoạn đàm phán HĐBH đã không còn ảnh hưởng đến việc xác lập ý chí của các bên trong giao kết HĐBH và DNBH đồng ý ngầm định tiếp tục thực hiện HĐBH. Trong Luật Bảo hiểm Trung Quốc năm 1995 sửa đổi năm 2015 (Insurance Law of the People's Republic of China 1995 - ILPRC 1995) tại Điều 16, đoạn 3 có quy định: “Quyền huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm của DNBH theo quy định tại khoản trên sẽ bị huỷ bỏ sau 30 ngày kể từ ngày DNBH biết được nguyên nhân của việc huỷ bỏ. Hai năm sau khi hợp đồng bảo hiểm được giao kết, DNBH không được hủy bỏ hợp đồng; và khi xảy ra sự cố được bảo hiểm, DNBH phải bồi thường hoặc chi trả quyền lợi bảo hiểm.” 

Do đó, pháp luật Việt Nam cần ghi nhận các trường hợp giới hạn thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc hạn chế áp dụng việc hủy bỏ HĐBH nhằm xác định việc thực hiện nghĩa vụ một cách phù hợp đối với BMBH.

Đa dạng chế tài đối với sự vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin của BMBH

Luật KDBH sửa đổi đã lựa chọn chế tài chấm dứt hợp đồng, và khắc phục sự chồng chéo của Luật KDBH hiện hành liên quan trong việc áp dụng “đình chỉ hợp đồng” tại Điều 19 và “hợp đồng vô hiệu” tại Điều 21 khi có sự vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin của BMBH.   

Trên thực tiễn giao kết HĐBH, các DNBH cũng quy định đa dạng việc áp dụng chế tài đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin của BMBH. Có hai cách xác lập điều khoản mẫu trong HĐBH, nhóm thứ nhất, DNBH sẽ tùy nghi xem xét có hủy bỏ HĐBH hay không dựa trên mức độ lỗi của việc cung cấp thông tin sai sự thật của BMBH như các công ty bảo hiểm nhân thọ: Dai-ichi , AIA , Sun-life , Prudential , Manulife  (thể hiện trong Bộ Quy tắc và các điều khoản bảo hiểm), còn nhóm thứ hai, DNBH sẽ không trả lại phí bảo hiểm mà BMBH đã đóng khi có sự vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin xảy ra (Công ty Bảo hiểm nhân thọ Hanwha)  . Do đó, Luật KDBH Việt Nam có cần quy định không cho phép DNBH tự xây dựng chế tài khác biệt với giải pháp đã được nhà làm luật quy định trong văn bản luật KDBH hay không, khi trong thực tiễn DNBH có quyền cung cấp HĐBH nhân thọ theo mẫu cho BMBH, BMBH chỉ được lựa chọn giao kết hoặc không giao kết chứ không thể điều chỉnh nội dung của HĐBH theo mẫu.


2. Bình luận thực tiễn phán quyết liên quan đến nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm 

Tính chất quan trọng của thông tin được cung cấp sai sự thật đối với nội dung cơ bản của HĐBH 

Trường hợp BMBH cung cấp thông tin sai sự thật liên quan đến đối tượng bảo hiểm thì BMBH đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin. Vậy trường hợp BMBH cung cấp thông tin sai sự thật nhưng không liên quan đến đối tượng bảo hiểm thì có vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin hay không? Thực tiễn xét xử cho thấy với cùng một câu hỏi từ DNBH được trả lời sai sự thật nhưng tòa án lại có những phán quyết khác nhau. Cụ thể, BMBH đã kê khai sai thông tin khi được hỏi “có đang tham gia bảo hiểm tại DNBH nào khác hay không?” Bản án số 338/2021/DS-PT  cho rằng BMBH đã tiết lộ thông tin không đúng sự thật nên kết luận BMBH vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin theo điểm b khoản 2 Điều 18 Luật KDBH. Tuy nhiên ngược lại với phán quyết trên, phán quyết trong bản án số 137/2021/DS-PT  cho rằng BMBH đã tiết lộ thông tin sai sự thật nhưng thông tin về việc tham gia bảo hiểm tại DNBH khác không liên quan đến đối tượng bảo hiểm, không làm ảnh hưởng đến quyết định giao kết hợp đồng của DNBH, vì vậy, BMBH không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin. 

Việc sai khác trong các phán quyết tạo nên thực tiễn không rõ ràng khi xác định có hay không sự vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin của BMBH, nên chăng cơ quan tư pháp nên có định hướng giải quyết thống nhất đối với vấn đề pháp lý trên. Nhóm tác giả nhận thấy quan điểm của Toà án trong bản án số 137/2021/DS-PT hợp lý hơn vì đã xem xét tính chất quan trọng của thông tin bị cung cấp sai đối với nội dung cơ bản của hợp đồng. Bởi lẽ, trong bảo hiểm nhân thọ, nội dung cơ bản của HĐBH bao gồm những điều khoản, thông tin liên quan đến tính mạng và sức khoẻ của người được bảo hiểm. Do đó, những thông tin có thể ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của BMBH mới là cơ sở để DNBH xem xét, đánh giá rủi ro và quyết định giao kết hợp đồng. Mặc dù, BMBH tiết lộ sai thông tin đã tham gia nhiều HĐBH khác nhau, nhưng không làm thay đổi nội dung cơ bản của HĐBH nên cũng không làm thay đổi ý chí giao kết hợp đồng từ phía DNBH. Tham khảo phán quyết của các nước khác, thẩm phán cũng xem xét tầm quan trọng của thông tin sai sự thật đối với đối tượng bảo hiểm trong HĐBH. Đơn cử như trường hợp BMBH không tiết lộ quá khứ của mình đã từng tham gia khủng bố hay từng bị kết án tù khi tham gia HĐBH nhân thọ thì tòa án kết luận BMBH vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin bởi vì những thông tin trong quá khứ này có tác động trực tiếp đến đối tượng bảo hiểm là tính mạng, sức khoẻ của BMBH.   Ví dụ, khả năng xảy ra rủi ro đối với tính mạng của một người đã từng có tiền án hình sự về tội “Cố ý gây thương tích" sẽ cao hơn người chưa từng có tiền án hình sự. 

Tóm lại việc xem xét sự liên quan của thông tin bị cung cấp sai sự thật với đối tượng được bảo hiểm là để nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của thông tin sai sự thật đến quyết định giao kết HĐBH của DNBH. Trường hợp BMBH cung cấp thông tin sai sự thật nhưng thông tin đó không liên quan đến đối tượng bảo hiểm, thì hoàn toàn không thể làm thay đổi quyết định chấp nhận giao kết HĐBH của DNBH. Do đó, dù thông tin được cung cấp là sai sự thật, nhưng không thể kết luận BMBH đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn đàm phán HĐBH. 

Ảnh hưởng của thông tin được cung cấp sai sự thật đến quyết định giao kết HĐBH của DNBH

Tiếp đến, khi xem xét các yếu tố cấu thành sự vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin, tòa án cần phải đánh giá ảnh hưởng của thông tin bị cung cấp sai đến việc chấp nhận giao kết HĐBH của DNBH như thế nào? Liệu khi DNBH biết được sự thật thì DNBH sẽ không chấp nhận giao kết hợp đồng hoặc chấp nhận với điều kiện thay đổi điều khoản trong HĐBH hoặc tăng phí bảo hiểm. Khi muốn áp dụng chế tài nhằm triệt tiêu tính hiệu lực của HĐBH ngay từ đầu (như hủy bỏ HĐBH hay yêu cầu Tòa án tuyên vô hiệu HĐBH), DNBH phải có nghĩa vụ chứng minh sự ảnh hưởng của thông tin đến quyết định giao kết HĐBH. Điểm sáng của Bản án số 313/2016/DS-PT  (bản án được lựa chọn làm án lệ số 22/2018/AL) chính là Toà án đã đánh giá mức độ ảnh hưởng của thông tin bị cung cấp sai dựa trên thực tiễn hành vi của chính DNBH. Trong cùng một trường hợp tương tự, một người mua bảo hiểm khác cũng có bệnh mỡ máu cao nhưng phía DNBH không có sự thay đổi phí bảo hiểm hay từ chối giao kết HĐBH. Do vậy, hành vi cung cấp thông tin sai sự thật của phía BMBH (không cung cấp thông tin về bệnh mỡ máu) sẽ không ảnh hưởng đáng kể gì đến việc DNBH chấp nhận giao kết HĐBH. Nói cách khác, không có sự tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa hành vi cung cấp thông tin sai sự thật với việc xác lập ý chí giao kết HĐBH. Mức độ ảnh hưởng cũng được nhắc đến trong án lệ của một số quốc gia trên thế giới. Theo quan điểm của Tòa án Anh, khi kết luận thông tin có ảnh hưởng đến quyết định không chấp nhận giao kết HĐBH của DNBH, thì cần phải đánh giá hành vi cung cấp thông tin sai sự thật đó là “nguyên nhân quyết định” (efficient cause) dẫn đến việc DNBH từ chối giao kết HĐBH hoặc giao kết HĐBH với các nội dung khác biệt.  Việc tồn tại thông tin bị cung cấp sai phải được chứng minh có ảnh hưởng quan trọng đến quyết định của DNBH trong việc giao kết HĐBH.

Sự kém rõ ràng của nội dung câu hỏi của DNBH

Trong pháp luật Việt Nam, nghĩa vụ cung cấp thông tin của BMBH được thực hiện theo hình thức “inquiry disclosure" – tức “hỏi gì trả lời đó”. BMBH có nghĩa vụ kê khai thông tin vào đơn yêu cầu bảo hiểm đã được DNBH soạn thảo sẵn. Dựa vào từng loại hình bảo hiểm. DNBH sẽ đặt ra những câu hỏi đặc thù cần BMBH cung cấp. Với tư cách là bên soạn thảo câu hỏi, DNBH sẽ chịu bất lợi khi có tranh chấp về nội dung câu hỏi không rõ ràng dẫn đến việc kê khai sai thông tin của BMBH.

Trong án lệ số 22/2018/AL, BMBH không có kiến thức về y khoa thì họ không thể biết được bệnh đau dạ dày có thuộc phạm vi bệnh “rối loạn tại dạ dày” mà DNBH đã đặt câu hỏi, và DNBH cũng không cung cấp bất kỳ bằng chứng khoa học nào để thuyết phục tòa án rằng “rối loạn tại dạ dày” bao gồm cả bệnh đau dạ dày. Theo đó, khi có sự không rõ ràng trong đơn yêu cầu bảo hiểm thì việc giải thích điều khoản sẽ được giải thích theo hướng có lợi cho phía BMBH.  Quy định này không chỉ được ghi nhận trong pháp luật bảo hiểm mà còn được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, bên đưa ra hợp đồng theo mẫu sẽ phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản nếu điều khoản đó không rõ ràng. 

Các trường hợp không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin do lỗi vô ý của BMBH

Luật KDBH hiên hành chỉ mới đề ra nghĩa vụ cung cấp thông tin của BMBH mà chưa xem xét đến yếu tố lỗi của hành vi, nhiều trường hợp BMBH bất cẩn không cung cấp đúng thông tin, hoặc BMBH không nhận biết được bản thân mình đang có bệnh…Trên thực tiễn, một phán quyết của toà án Việt Nam nêu rằng: “BMBH không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin bởi vì BMBH không hề biết bản thân mình đang mắc căn bệnh lao não”.  Qua đó có thể thấy rằng để DNBH từ chối thanh toán do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin thì những thông tin đó phải là thông tin mà BMBH biết nhưng không kê khai. Việc biết và không kê khai là hai thành tố quan trọng trong việc xác định sự vô ý hoặc cố ý trong việc không cung cấp thông tin đúng sự thật. Nói cách khác, trường hợp BMBH tiết lộ thông tin dựa trên niềm tin nhận thức của bản thân rằng mình đã cung cấp thông tin đầy đủ, thông tin mình cung cấp là thông tin đúng sự thật thì BMBH sẽ không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin.  Vụ tranh chấp giữa Joel v. Law Union and Crown Insurance  tại Canada cũng có kết luận tương tự như toà án Việt Nam là BMBH không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin vì BMBH không biết bản thân mình mắc chứng bệnh suy giảm thần kinh. BMBH chỉ biết được mình đã từng mắc bệnh về cúm, BMBH không phải chuyên viên y tế và cũng không được tham vấn bởi các bác sĩ khác có chuyên ngành nên sẽ không biết được là bệnh cúm sẽ để lại hậu quả chứng bệnh suy giảm thần kinh. Vì vậy, BMBH không được xem là cố ý không cung cấp thông tin dẫn đến vi phạm nghĩa vụ thông tin. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, BMBH đã hiểu rõ và được tham vấn bởi chuyên gia y tế nhưng lại không tiết lộ thông tin về tình hình bệnh của mình cũng như các bệnh có liên quan thì vẫn được coi là cố ý không cung cấp thông tin quan trọng. Có thể hiểu rằng hành vi cố ý thì mục đích là khiến DNBH tin vào đó nên đã tham gia vào quan hệ hợp đồng, ngược lại, hành vi vô ý thì không có mục đích kể trên, không có ý định lừa dối DNBH giao kết HĐBH. 

Mối liên hệ giữa nguyên nhân dẫn đến sự kiện rủi ro và thông tin được cung cấp sai sự thật

Trong trường hợp nguyên nhân dẫn đến sự kiện rủi ro không liên quan đến thông tin mà BMBH cung cấp sai sự thật, vậy BMBH có vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin hay không? 

Tại các quốc gia như Anh,  Canada , hay Pháp ,  các quốc gia này cho rằng việc xem xét vi phạm nghĩa vụ thông tin ở giai đoạn đàm phám HĐBH không cần liên quan đến sự kiện bảo hiểm ở giai đoạn thực hiện HĐBH. Lập luận chủ yếu cho rằng để đánh giá việc BMBH có vi phạm nghĩa vụ hay không phải dựa trên hành vi cung cấp thông tin sai có ảnh hưởng đến quyết định giao kết hợp đồng của DNBH hay không ở giai đoạn đàm phán HĐBH, nếu việc cung cấp thông tin sai sự thật là nguyên nhân hữu hiệu, tác động đến quyết định giao kết HĐBH của DNBH khiến ý chí chung không được thiết lập thì BMBH đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin. Dù sự kiện rủi ro có mối liên hệ hay không với thông tin bị cung cấp sai thì hành vi cung cấp thông tin sai sự thật vẫn tồn tại. 

Tại Việt Nam, văn bản luật hoàn toàn bỏ ngõ vấn đề này, xem xét trong thực tiễn xét xử tại Việt Nam, quan điểm của thẩm phán Việt Nam là BMBH không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin nếu không có mối liên hệ giữa thông tin cung cấp sai sự thật và sự kiện bảo hiểm (đã xảy ra). Trong Bản án số 240/2021/DS-PT, tòa án cấp phúc thẩm đồng ý với tòa án cấp sơ thẩm và đều cho rằng phía BMBH không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin mặc dù BMBH đã từng đi thăm khám và phát hiện những triệu chứng bệnh liên quan đến ngực và tim nhưng không khai báo, tuy nhiên nguyên nhân dẫn đến cái chết của BMBH là tai nạn giao thông chứ không phải do các bệnh liên quan đến thông tin bị cung cấp sai.   

Thiết nghĩ, khi đánh giá về sự vi phạm nghĩa vụ thông tin ở giai đoạn tiền hợp đồng mối liên hệ giữa thông tin khai báo sai và nguyên nhân dẫn đến sự kiện bảo hiểm không phải là yếu tố quan trọng để xem xét việc cấu thành sự vi phạm nghĩa vụ thông tin giai đoạn đàm phán của BMBH. Do đó,  Dự thảo Luật KDBH (sửa đổi) nên làm rõ mối liên hệ này trong việc xem xét cấu thành sự vi phạm nghĩa vụ thông tin của BMBH, và có quy định chế tài phù hợp dự liệu cho cả tình huống đã có sự kiện bảo hiểm xảy ra và khi chưa có sự kiện bảo hiểm xảy ra.

3. Khuyến nghị hoàn thiện pháp luật liên quan đến nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm

3.1. Xác định đối tượng và phạm vi của nghĩa vụ cung cấp thông tin 

Luật cần khắc phục các sai khác trong việc sử dụng ngôn từ tại Điều 18 và Điều 19 để đồng nhất phạm vi và đối tượng thông tin mà BMBH phải có nghĩa vụ cung cấp. Đồng thời, đối với việc khắc phục việc thiếu vắng quy định điều chỉnh việc xuất hiện những tình huống mới khiến thông tin đã cung cấp cho DNBH không còn chính xác nữa, luật cần điều chỉnh them rằng BMBH vẫn phải có nghĩa vụ cập nhật thông tin đến DNBH.

Đối với pháp luật bảo hiểm của Pháp, BMBH phải thực hiện nghĩa vụ cung cấp của mình dựa trên câu hỏi mà DNBH đưa ra, cụ thể tại khoản 2 Điều L113 -2 Luật Bảo hiểm Pháp năm 2004 (French Insurance Code 2004): “BMBH có nghĩa vụ trả lời một cách trung thực các câu hỏi mà DNBH đưa ra… tại thời điểm giao kết hợp đồng liên quan đến việc DNBH đánh giá rủi ro được bảo hiểm”…Trong suốt thời hạn của hợp đồng, tất cả các tình huống mới có thể làm trầm trọng thêm rủi ro hoặc tạo ra rủi ro mới, do đó làm cho câu trả lời của các công ty bảo hiểm trong "mẫu đánh giá rủi ro" không chính xác hoặc không đầy đủ, người được bảo hiểm phải khai báo những trường hợp đó và gửi cho DNBH một thư bảo đảm không muộn hơn 15 ngày sau khi anh ta biết về sự tồn tại của những trường hợp đó. Trong trường hợp vi phạm nghãi vụ khai báo thông tin, cần phải phân biệt giữa vi phạm gian lận và vi phạm cẩu thả. Đặc biệt, không cần bảo vệ trường hợp vi phạm gian lận trong việc cung cấp thông tin sai sự thật. 

Đối với pháp luật bảo hiểm Trung Quốc, Điều 16 ILPRC 1995 quy định: “Trường hợp DNBH hỏi về đối tượng được bảo hiểm hoặc về người được bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm thì BMBH phải kê khai đúng sự thật”.  Điều khoản này được hiểu rằng, phạm vi thông tin mà BMBH cung cấp phụ thuộc vào câu hỏi của DNBH. Điều khoản này đã được giải thích rõ ràng hơn tại Điều 6 của Hướng dẫn 2 của Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc năm 2015 (Interpretation II of the Supreme People's Court on Several Issues concerning the Application of the Insurance Law of the People's Republic of China 2015- SPC II) như sau: “Nghĩa vụ thông tin của người nộp đơn bảo hiểm được giới hạn trong phạm vi và nội dung của các yêu cầu từ công ty bảo hiểm. Trường hợp các bên tranh chấp về phạm vi và nội dung thông tin DNBH yêu cầu, DNBH phải có trách nhiệm chứng minh”. Theo đó, trường hợp BMBH trả lời trung thực các câu hỏi trong đơn yêu cầu bảo hiểm thì đã được xem là hoàn tất nghĩa vụ thông tin. Trong thực tiễn xét xử, các thẩm phán ở Trung Quốc yêu cầu các DNBH phải giải thích các điều khoản cụ thể đã được đưa vào hoặc ít nhất phải chứng minh được các điều khoản đó đã thu hút được sự chú ý của BMBH.  Điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng các DNBH yêu cầu rất nhiều thông tin từ phía BMBH, trong đó thậm chí có thể có những thông tin không liên quan đến đối tượng được bảo hiểm.

Từ kinh nghiệm lập pháp của Trung Quốc, Pháp, để nhằm khắc phục cách diễn đạt không thống nhất trong quy định hiên hành, nhóm tác giả đề xuất sửa đổi quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin tại Khoản 2.a, Điều 21 Luật KDBH sửa đổi như sau: 

“Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực liên quan đến đối tượng được bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm trước khi giao kết hợp đồng để giúp doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá rủi ro dự kiến bảo hiểm. Trước khi ký kết hợp đồng bảo hiểm hoặc trong suốt thời hạn của hợp đồng bảo hiểm, nếu phát sinh những tình huống mới có thể làm gia tăng rủi ro hoặc tạo ra rủi ro mới, khiến những thông tin bên mua bảo hiểm đã cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm không còn chính xác hoặc không còn đầy đủ, bên mua bảo hiểm phải có nghĩa vụ thông báo đến doanh nghiệp bảo hiểm không muộn hơn 15 ngày sau khi đã biết những thông tin mới đó.”

3.2 Áp dụng nguyên tắc cân xứng để xây dựng hệ thống chế tài linh hoạt đối với sự vi phạm nghĩa vụ thông tin của BMBH

Hiện nay Luật KDBH tại Việt Nam quy định khi BMBH vi phạm nghĩa vụ thông tin thì DNBH có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng tại Điều 19, hoặc DNBH yêu cầu Tòa án tuyên vô hiệu HĐBH do lừa dối, hoặc hủy bỏ HĐBH dù có nhiều tình huống HĐBH có thể được điều chỉnh, và tiếp tục thực hiện. Do đó, nhóm tác giả muốn đề xuất xây dựng cơ chế chế tài linh hoạt không nhằm triệt tiêu hoàn toàn hiệu lực của HĐBH, thay vào đó cách tiếp cận trên nguyên tắc tương xứng (proportionality approach) giữa việc áp dụng chế tài ứng với mức độ lỗi (lỗi vô ý, lỗi cố ý) của BMBH trong việc cung cấp thông tin sai sự thật. 

Cụ thể, pháp luật bảo hiểm Pháp xác định hệ quả pháp lý khác biệt đối với  hai hành vi vi phạm của BMBH tùy theo mức độ lỗi.  

Thứ nhất, nếu BMBH cung cấp thông tin sai sự thật với lỗi cố ý thì hợp đồng bảo hiểm sẽ bị vô hiệu.

Thứ hai, nếu BMBH cung cấp thông tin sai sự thật với lỗi vô ý thì HĐBH sẽ không bị vô hiệu, DNBH có thể đánh giá lại phí bảo hiểm hoặc điều chỉnh nội dung HĐBH.

(i) Trường hợp sự kiện bảo hiểm chưa xảy ra, DNBH có quyền tiếp tục thực hiện hợp đồng bằng cách có thể đàm phán lại với BMBH để xác định lại phí bảo hiểm và phải có sự chấp nhận của BMBH nếu phí bảo hiểm tăng lên. Nếu DNBH quyết định chấm dứt hợp đồng thì trước khi thực hiện chấm dứt phải thông báo trước cho BMBH trong vòng 10 ngày sau khi phát hiện hành vi vi phạm. Hậu quả pháp lý của việc này là DNBH sẽ phải hoàn trả lại phí bảo hiểm cho khoảng thời gian sau không được bảo hiểm.

(ii) Trường hợp sự kiện bảo hiểm đã xảy ra, DNBH vẫn phải thực hiện bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm nhưng được giảm tương ứng với tỷ lệ phí bảo hiểm so với số phí bảo hiểm đã được xác định lại.

Quy định pháp luật của Pháp mở ra cơ hội đàm phán lại hợp đồng, sửa đổi hợp đồng khi các bên muốn tiếp tục thực hiện HĐBH khi có sự vi phạm vô ý trong việc cung cấp thông tin sai sự thật của BMBH. Đồng thời, BMBH không bị tước bỏ hoàn toàn quyền lợi chính đáng của mình, khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra thì vẫn được bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm. 

Đạo luật bảo hiểm tiêu dùng của Anh năm 2012 cũng áp dụng nguyên tắc cân xứng. Theo đó, BMBH vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin thì phải chịu những hậu quả pháp lý khác nhau tùy thuộc vào mức độ lỗi của hành vi. 

Thứ nhất, trường hợp BMBH cố ý trong việc không thực hiện nghĩa vụ thông tin, mà nếu DNBH biết thông tin đó sẽ không giao kết hợp đồng, thì DNBH có thể huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm, thông báo cho BMBH biết, và DNBH không phải hoàn trả lại phí bảo hiểm.

Thứ hai, trường hợp BMBH vô ý hoặc thiếu thận trọng trong việc thực hiện nghĩa thông tin, thì có ba trường hợp xảy ra:

(i) Nếu DNBH không chấp nhận giao kết hợp đồng với bất kỳ điều khoản nào thì DNBH có thể huỷ bỏ hợp đồng nhưng phải hoàn trả lại phí bảo hiểm.

(ii) Nếu DNBH chấp nhận giao kết hợp đồng nhưng với điều khoản khác (không liên quan đến phí bảo hiểm) thì hợp đồng được thực hiện như thể đã bao gồm các điều khoản đó ngay từ đầu.

(iii) Nếu DNBH chấp nhận giao kết hợp đồng nhưng sẽ tính phí bảo hiểm cao hơn thì nghĩa vụ bồi thường hoặc chi trả số tiền bảo hiểm của DNBH có thể được giảm tương ứng với sự gia tăng phí bảo hiểm

Thông qua phân tích quy định của hai quốc gia trên có thể thấy được lợi ích mà nguyên tắc cân xứng mang lại nhằm bảo vệ lợi ích tốt nhất cho BMBH. Các quy định trên chú trọng vào mức độ lỗi: cố ý hay vô ý của hành vi vi phạm. Hành vi cung cấp hoặc cung cấp sai thông tin vô ý hay bất cẩn được giải thích là các tình huống BMBH: (i) không quan tâm thông tin đó có sai sự thật hay gây hiểu nhầm hay không, (ii) không quan tâm thông tin có ảnh hưởng như thế nào đến DNBH, (iii) không có mục đích lừa dối khiến DNBH giao kết hợp đồng. 

Thêm vào đó, thực tiễn chỉ ra rằng có nhiều trường hợp DNBH đã biết hành vi vi phạm xảy ra nhưng vẫn chấp nhận cho HĐBH được thực hiện trong một khoảng thời gian dài để có thể tiếp tục lấy phí bảo hiểm. Cho đến khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, DNBH mới từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm với lý do BMBH vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin. Chính vì vậy, cần phải đặt ra một điều khoản giới hạn thời gian áp dụng chế tài huỷ bỏ hợp đồng. 

Điển hình như trong pháp luật Trung Quốc quy định quyền huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày DNBH biết được việc cung cấp thông tin sai sư thật. Hơn nữa khi hợp đồng bảo hiểm đã có hiệu lực trong vòng hai năm thì quyền huỷ bỏ hợp đồng không được áp dụng. Trường hợp sự kiện bảo hiểm xảy ra sau thời điểm hai năm này thì DNBH vẫn phải chi trả quyền lợi bảo hiểm. 

Từ đấy, nhóm tác giả đề xuất quy định như sau tại Điều 22, Luật KDBH sửa đổi liên quan đến chế tài đối với sự vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin, cụ thể:

1) DNBH có quyền huỷ bỏ HĐBH nếu BMBH vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực, đầy đủ một cách cố ý ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc DNBH chấp nhận giao kết HĐBH. DNBH không có nghĩa vụ bồi thường hay trả tiền bảo hiểm, và có quyền giữ phí bảo hiểm. 

2) Quyền huỷ bỏ HĐBH sẽ có hiệu lực trong vòng 30 ngày kể từ khi DNBH biết được BMBH kê khai thông tin không đúng sự thật. Hai năm sau khi HĐBH được giao kết, DNBH không được hủy bỏ hợp đồng và khi sự kiện bảo hiểm xảy ra thì DNBH vẫn phải bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm. 

3) DNBH không có quyền hủy bỏ HĐBH nếu BMBH vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực, đầy đủ một cách vô ý. 

(i) Trường hợp sự kiện bảo hiểm chưa xảy ra, DNBH có quyền tiếp tục thực hiện hợp đồng bằng cách đàm phán lại với BMBH để xác định lại phí bảo hiểm và phải có sự chấp nhận của BMBH nếu phí bảo hiểm tăng lên. Nếu DNBH quyết định chấm dứt hợp đồng thì trước khi thực hiện chấm dứt phải thông báo trước cho BMBH trong vòng 10 ngày sau khi phát hiện hành vi vi phạm. DNBH sẽ phải hoàn trả lại phí bảo hiểm cho khoảng thời gian sau không được bảo hiểm.

(ii) Trường hợp sự kiện bảo hiểm đã xảy ra, DNBH vẫn phải thực hiện bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm nhưng được giảm tương ứng với tỷ lệ của phí bảo hiểm ban đầu và phí bảo hiểm được xác định lại.


Việc xây dựng hệ thống chế tài linh hoạt như trên dựa trên nền tảng của nguyên tắc tương xứng. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho các bên trong việc giao kết và thực hiện HĐBH. 

Thứ nhất, trên cơ sở hiệu quả của giao dịch và thị trường bảo hiểm, không có bên nào tham gia vào giao dịch mà mong muốn giao dịch bị hủy bỏ hoặc bị vô hiệu nếu như không có căn cứ hợp lý về sự không tồn tại ý chí chung của các bên ở giai đoạn đàm phán hợp đồng. Trong những trường hợp thông tin BMBH cung cấp sai không quan trọng, không ảnh hưởng đến quyết định giao kết hợp đồng của DNBH và cũng không làm phí bảo hiểm tăng lên hay khiến DNBH muốn điều chỉnh bất cứ nội dung nào của HĐBH, khi đó hiệu lực của HĐBH không nên bị triệt tiêu.

Thứ hai, trong bối cảnh người tiêu dùng bảo hiểm Việt Nam vẫn còn nhiều hoài nghi về các lợi ích khi tham gia HĐBH, hệ thống pháp luật bảo hiểm cần góp phần gia tăng niềm tin cho BMBH trong việc tham gia giao dịch bảo hiểm, từ đó thúc đẩy sự phát triển thị trường. Chính vì vậy, cần phải xây dựng hệ thống pháp luật bổ trợ cho thị trường phát triển, củng cố niềm tin của người tiêu dùng bằng cách bảo vệ tốt hơn đối với BMBH. DNBH không thể tùy ý hủy bỏ HĐBH nếu chỉ dựa vào việc BMBH cung cấp thông tin sai sự thật, mà không xem xét rằng đó chỉ là hành vi vô ý, sơ suất, hoặc không cân nhắc dựa trên mức độ rõ ràng của câu hỏi từ phía DNBH hay việc từ bỏ yêu cầu thông tin từ phía DNBH… 









TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015.

2. Luật Kinh doanh bảo hiểm Việt Nam 2000, sửa đổi bổ sung 2010, 2019.

3. Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2022.

4. Dự thảo Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần 5, công bố tháng 02/2022.

5. Đạo luật bảo hiểm người tiêu dùng của Anh (CIDRA 2012) và Đạo luật bảo hiểm kinh doanh của Anh (Insurance Act 2015).

6. Luật Bảo hiểm Pháp năm 2004 (French Insurance Code 2004).

7. Luật Bảo hiểm Trung Quốc năm 1995 sửa đổi năm 2015 (Insurance Law of the People's Republic of China 1995 - ILPRC 1995)

8. Bạch Thị Nhã Nam (2020), “Cơ sở lý luận hình thành nghĩa vụ cung cấp thông tin giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm”, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ – Kinh tế-Luật và Quản lý số 4(4).

9. Bạch Thị Nhã Nam (2020), “Duty to Provide Information in Insurance Contracts in the Pre-Contractual Period”, VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 36, No. 3 (2020).

10. Ngô Thu Trang (2018), “Một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiệnpháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm”, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp [https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2407].

11. Wang Feng (2017), “The insured’s duty of disclosure under Chinese Insurance Law”, Centre for Maritime Law, NUS Centre for Maritime Law Working Paper 17/05.




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

KHÁI NIỆM DỮ LIỆU CÁ NHÂN VÀ GÓC NHÌN TỪ GDPR

Quyền được lãng quên từ thực tiễn phán quyết trong phạm vi Liên minh Châu Âu

Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Nghị định mới, tấm khiên mới