Trách nhiệm cung cấp thông tin trong hợp đồng bảo hiểm giai đoạn tiền hợp đồng
Review Article
Duty to Provide Information in Insurance Contracts in the Pre-Contractual Period
Trách nhiệm cung cấp thông tin trong hợp đồng bảo hiểm giai đoạn tiền hợp đồng
B.T.N. Nam / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 36, No. 3 (2020) 74-84
Giảng viên Khoa Luật, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học
Quốc gia Tp Hồ Chí Minh
Email: nambtn@uel.edu.vn
Tóm tắt:
Trách
nhiệm cung cấp thông tintrong giao kết hợp đồng bảo hiểm là một trong những yếu
tố nền tảng để hình thành việc giao kết hợp đồng bảo hiểm. Trước khi tham gia bảo
hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) chủ yếu dựa vào những thông tin được cung cấp
bởi bên dự định mua bảo hiểm, để đánh giá những rủi ro trên những thông tin được
cung cấp, DNBH đi đến việc có thực hiện việc giao kết HĐBH hay không. Đồng thời,
trách nhiệm cung cấp thông tin giai đoạn tiền hợp đồng không chỉ đặt ra đối với
bên dự định mua bảo hiểm mà còn đối với DNBH trong việc giải thích các nội dung
điều khoản của hợp đồng bảo hiểm đối với bên dự định mua bảo hiểm. Trong bài viết
tác giả phân tích tính bất cân xứng thông tin trong quan hệ bảo hiểm và mối
quan hệ với nguyên tắc trung thực, thiện chí, các quy định pháp luật liên quan
đến trách nhiệm cung cấp thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở giai
đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm và chỉ ra các bất cập của việc áp dụng quy định này
trong thực tiễn tranh chấp bảo hiểm ở Việt Nam.
Từ
khóa: bảo hiểm, trách nhiệm, thiện
chí, thông tin…
Bach Thi Nha Nam*
University of Economics and Law, Ho Chi Minh City National University,
Quarter 3, Linh Xuan Ward, Thu Duc District, Ho Chi Minh City
Received 24 June 2020 Revised 06 September 2020; Accepted 26 September 2020 Abstract: The obligation to provide information in insurance contracts in the pre-contractual period is one of the fundamental factors to form an insurance contract. Before participating in insurance contract, the insurers mainly rely on the information provided by the prospective policyholder, to assess risks on the information provided, then decide whether or not to engage in an insurance contract. Concurrently, the responsibility to provide information on the pre-contractual period is not only set for the prospective policyholders, but also for the insurers in explaining the terms and the standard clauses of the insurance contract. In the article, the author analyzes the asymmetric information in insurance business and its interaction with the goodfaith principle, and presents the drawbacks of the current legal framework relating to duty to provide information in the insurance disputes in Vietnam.
Keywords: Insurance, obligation, good faith, information.
1.
Tính
bất cân xứng về thông tin và mối quan hệ với nguyên tắc trung thực, thiện chí
Hợp
đồng nói chung, và hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) nói riêng là sự thống nhất ý chí.
Trong giai đoạn tiền hợp đồng trước khi tiến hành giao kết, thông tin có một
vai trò rất quan trọng giúp cho các bên hiểu rõ hơn về những gì mỗi bên mong muốn
khi giao kết hợp đồng. Trong quá trình đàm phán HĐBH, cụ thể doanh nghiệp bảo
hiểm (DNBH) cần bên mua bảo hiểm (BMBH) cung cấp các thông tin về đối tượng được
bảo hiểm, để từ đó đánh giá, phân tích và đi đến kết luận có chấp nhận bảo hiểm
hay không. Ngược lại, BMBH cần những thông tin về HĐBH để hiểu rõ hơn về các điều
khoản trong HĐBH, quyền và nghĩa vụ của mình, cách xử lý khi có sự kiện bảo hiểm
xảy ra hoặc những thông tin nào mà DNBH cần BMBH cung cấp.
Hợp
đồng bảo hiểm là quan hệ chia sẻ rủi ro. Do đó, những hiểu biết về rủi ro là
căn cứ chủ yếu để các bên cân nhắc, tính toán lợi ích, thỏa thuận và thể hiện ý
chí của mình về việc có tham gia hay không tham gia hợp đồng, hoặc nếu tham gia
thì ở mức độ, điều kiện như thế nào: mức phí bảo hiểm ra sao và các điều kiện bảo
hiểm cụ thể là gì. Tính chất không rõ ràng của rủi ro tiềm ẩn một nguy cơ mà
làm các bên dễ có cách hiểu khác nhau.
Khi
hoạt động bảo hiểm trở nên ngày càng phổ biến, trong việc giao kết hợp đồng bảo
hiểm, người ta đã ngày càng nhận ra rằng, quan hệ bảo hiểm mang một đặc thù là
DNBH và BMBH không nắm giữ thông tin như nhau đối với những thông tin liên quan
đến đối tượng được bảo hiểm, cần được đánh giá, dự đoán rủi ro. Việc thông tin
bất cân xứng này, dẫn đến hệ quả bên mạnh thế, bên yếu thế trong hợp đồng bảo
hiểm. Rủi ro là điểm nút của quan hệ bảo hiểm, vì vậy, những hiểu biết khác
nhau về rủi ro tiếp đến tự nó sẽ ngăn cản thống nhất ý chí của các bên. Trong
khi đó, nguyên tắc tự do ý chí - nguyên tắc pháp lý cơ bản nhất chi phối mọi loại
hình quan hệ hợp đồng bao gồm cả quan hệ bảo hiểm – lại đòi hỏi hợp đồng phải
là sự thống nhất ý chí thật của các bên tham gia. Như vậy, giữa tồn tại đặc thù
của quan hệ bảo hiểm và nguyên tắc tự do ý chí phát sinh mâu thuẫn trái ngược
nhau. Nhận thức về mâu thuẫn này, luật pháp các nước, nhằm đảm bảo sự tồn tại
và vận hành thông suốt của nguyên tắc tự do ý chí, đã đưa ra giải pháp là phải
lập lại trật tự nắm giữ lượng thông tin nhằm giúp cho sự bất cân xứng thông tin
trở nên cân bằng hơn.[1]
Đây cũng chính là cơ sở cho việc áp đặt, hình thành một nghĩa vụ mà theo đó
BMBH, trong mọi khả năng có thể của mình, phải cung cấp cho BMBH một cách đầy đủ
và trung thực nhất những thông tin liên quan phục vụ việc dự đoán, đánh giá rủi
ro trong giai đoạn tiền hợp đồng. Nghĩa vụ này được gọi là nghĩa vụ thiện chí,
trung thực trong việc giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Khoảng
thời gian trước khi hợp đồng được xác lập được xem giai đoạn “tiền hợp đồng” và
mục đích của giai đoạn tiền hợp đồng nhằm giúp các bên trao đổi các thông tin cơ bản và cần thiết về
nội dung, đối tượng, mục đích của việc giao kết hợp đồng, xem xét khả năng giao
kết hợp đồng, thương lượng những điều khoản nhất định và tạo những điều kiện cần
thiết cho việc giao kết.[2]
Nguyên tắc thiện chí, trung thực đã được pháp luật các nước đề cập đến trong
giai đoạn tiền hợp đồng trong mối quan hệ thương lượng hợp đồng giữa các bên,
liên quan đến việc trao đổi và cung cấp thông tin cơ bản cho nhau. Ngoài ra, nguyên
tắc trung thực, thiện chí còn được áp dụng trải dài không chỉ trong suốt quá
trình từ đàm phán, giao kết, mà còn trong quá trình thực hiện hay thay đổi, chấm
dứt hợp đồng.[3]
Ở
Việt Nam, nguyên tắc trung thực, thiện chí không được ghi nhận trong Pháp lệnh
hợp đồng kinh tế năm 1989 và Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991. Đến BLDS 1995,
nguyên tắc “thiện chí, trung thực” đã chính thức được ghi nhận tại Điều 9 theo
đó “trong hệ dân sự, các bên phải thiện chí, trung thực, không chỉ quan tâm, chăm
lo đến quyền lợi ích hợp pháp của mình mà còn phải tôn trọng, quan tâm đến lợi
ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác,
giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, không bên nào
được lừa dối bên nào; nếu một bên cho rằng bên kia không trung thực, thì phải
có chứng cứ”. BLDS 2005 cụ thể hóa bằng việc đưa ra nguyên tắc này trong trường
hợp khi cá nhân, pháp nhân tham gia giao dịch dân sự.[4]
Theo BLDS 2005, quy định về nguyên tắc thiện chí, trung thực như sau: “Trong quan hệ dân sự, các bên phải thiện
chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, trách nhiệm dân sự, không
bên nào được lừa dối bên nào.”[5]
Ở BLDS 2005, phạm vi điều chỉnh của nguyên tắc này được thể hiện cụ thể hơn, đó
là việc các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền,
nghĩa vụ dân sự, qua đó có thể thấy rằng với quy định này, nguyên tắc thiện
chí, trung thực không chỉ áp dụng trong việc thực hiện mà còn trong cả việc xác
lập quyền, nghĩa vụ dân sự. Trên cơ sở kế thừa nguyên tắc này trong BLDS 2005,
trong BLDS 2015 cũng quy định các cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện,
chấm dứt quyền, nghĩa vụ của mình một cách thiện chí, trung thực.[6]
Xét
về nội hàm từ ngữ trong Tiếng Việt, thiện chí là ý định, suy nghĩ tốt và luôn thực
lòng mong muốn đi đến kết quả tốt khi giải quyết việc gì.[7]
BLDS 1995 còn chỉ rõ “thiện chí không chỉ quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp
của mình mà còn phải tôn trọng, quan tâm đến lợi ích hợp pháp của người khác” tại
Điều 9. Còn trung thực là ngay thẳng thật thà, không làm cho sự việc sai khác
đi so với bản chất. Nội dung cơ bản của nguyên tắc này trong giai đoạn tiền hợp
đồng yêu cầu các bên phải tự nguyện cung cấp cho nhau những thông tin đầy đủ,
trung thực liên quan đến việc giao kết, đàm phán hợp đồng.[8]
Trên
thực tế, việc một bên nắm rõ thông tin về đối tượng được bảo hiểm hơn bên còn lại
là vấn đề phổ biến. BMBH, người nắm rõ nhất về tình hình của đối tượng được bảo
hiểm và tiếp cận thông tin về rủi ro sẽ nhiều hơn so với bên DNBH. DNBH là bên
biết rất ít thông tin về đối tượng được bảo hiểm thậm chí là không có thông tin
nào về đối tượng được bảo hiểm hoặc rủi ro có thể xảy ra đối với đối tượng được
bảo hiểm. Tuy nhiên, để DNBH quyết định được mức bảo hiểm phí là bao nhiêu, hoặc
quyết định có bảo hiểm hay không, thì DNBH lại cần có đầy đủ thông tin để đánh
giá, dự đoán đúng về rủi ro. Tùy theo mức độ của rủi ro mà DNBH sẽ đưa ra mức
phí bảo hiểm cao hay thấp hoặc thậm chí không nhận bảo hiểm. Cho nên sự nắm giữ
thông tin một phía của BMBH đẩy DNBH vào một trong hai tình huống: nếu muốn đưa
ra một quyết định bảo hiểm hợp lý và đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, hoặc thứ nhất, DNBH phải tự mình điều tra
thông tin và gánh chịu những phí tổn cho công việc điều tra cũng như chấp nhận
việc điều tra có thể không hoàn toàn chính xác và đầy đủ, hoặc thứ hai, DNBH phải chịu sự lệ thuộc vào
chia sẻ thông tin từ phía BMBH, đồng thời cũng sẽ chịu luôn nguy cơ người mua bảo
hiểm không cung cấp đủ các thông tin, từ đó người bảo hiểm sẽ đánh giá thấp rủi
ro và đưa ra mức bảo hiểm phí thấp tương ứng hoặc thậm chí nhận bảo hiểm vượt
quá khả năng của mình.[9]
Cả hai tình huống trên đều gây bất lợi cho phía DNBH. Do đó, nếu không có một sự
ràng buộc cụ thể về nghĩa vụ cung cấp thông tin, thì vấn đề mỗi bên tự nguyện
cung cấp đầy đủ thông tin cho bên còn lại sẽ khó mà thực hiện tốt. Rõ ràng,
trong lĩnh vực bảo hiểm, BMBH có xu hướng che giấu những thông tin có thể ảnh
hưởng đến việc xác định phí bảo hiểm, hay việc trả tiền bảo hiểm của DNBH, nên
trong một số trường hợp nếu như không áp đặt một nghĩa vụ thì sẽ ảnh hưởng đến
sự công bằng trong HĐBH.
Mặc
dù việc thông tin bất cân xứng trong quan hệ bảo hiểm thường nghiêng về BMBH,
nhưng trên thực tiễn có những thông tin mà DNBH không cung cấp, không giải
thích những nội dung, điều khoản trong HĐBH cho BMBH. Do vậy, nếu như nghĩa vụ
trung thực, thiện chí được áp đặt lên mỗi BMBH thì ngược lại, DNBH cũng có
nghĩa vụ tương ứng trong giai đoạn tiền hợp đồng.
Nghĩa
vụ trung thực, thiện chí trong bảo hiểm lần đầu tiên được đề cập trong một án lệ
về bảo hiểm ở Anh trong vụ Carter v Boehm[10]
vào năm 1766. Trong vụ án này thẩm phán Lord Manfield đã đưa ra phán quyết rằng:
“Bảo hiểm là một hợp đồng dựa trên sự suy
đoán, thiện chí. Cấm các bên che giấu những gì mà biết, nhằm làm cho bên còn lại
hiểu sai về thực tế.” Hiện nay, nội dung cơ bản của nguyên tắc trung thực
thiện chí ở các nước đều yêu cầu các bên khi giao kết hợp đồng bảo hiểm phải
cung cấp cho nhau một cách tự nguyện, đầy đủ và trung thực đối với những thông
tin giúp đánh giá, dự đoán rủi ro. Đạo luật bảo hiểm hàng hải của Anh 1906 quy
định về nguyên tắc trung thực, thiện chí như sau: “Người mua bảo hiểm phải tiết lộ cho người bảo hiểm mọi thông tin quan
trọng được biết đến bởi người mua bảo hiểm, và người mua bảo hiểm được coi là biết
đến mọi thông tin nếu trong quá trình hoạt động kinh doanh bình thường của
mình, anh ta phải biết về thông tin đó, mọi thông tin được coi là quan trọng nếu
nó ảnh hưởng tới đánh giá của một người bảo hiểm khôn ngoan trong việc định mức
bảo hiểm phí, hoặc quyết định liệu có chấp nhận rủi ro hay không”.[11]
Đối
với nghĩa vụ trung thực, thiện chí của DNBH trong việc cung cấp thông tin cho
BMBH, Luật bảo hiểm của Pháp quy định nội dung cụ thể: “người bảo hiểm phải tiết lộ chính xác, thời điểm hợp đồng được hình
thành, tất cả các trường hợp trong kiến thức của mình có thể ảnh hưởng tới nhận
thức của người mua bảo hiểm về rủi ro”.[12]
2.
Trách
nhiệm cung cấp thông tin trong pháp luật bảo hiểm Việt Nam
Trách
nhiệm cung cấp thông tin trong kinh doanh bảo hiểm được du nhập vào Việt Nam và
được ghi nhận lần đầu tiên trong hệ thống pháp luật bảo hiểm của Việt Nam vào
năm 1990 tại Điều 204, 207 của Bộ luật Hàng hải 1990. Tuy nhiên, nghĩa vụ này
chỉ được áp dụng riêng cho quan hệ bảo hiểm hàng hải. Do các hoạt động hàng hải
mang tính quốc tế cao, cho nên, từ việc đã nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước
trên thế giới, các nhà soạn thảo Bộ luật Hàng hải đã đưa những nội dung của Bộ
luật hòa nhập và thống nhất với các nước trên thế giới.[13]
Cụ thể theo Điều 204 của Bộ luật Hàng hải quy định: “Người được bảo hiểm có nghĩa vụ cung cấp cho người bảo hiểm biết tất cả
các thông tin mà mình biết hoặc cần thiết phải biết liên quan đến việc ký kết hợp
đồng bảo hiểm, có thể ảnh hưởng đến việc xác định khả năng xảy ra hiểm họa hoặc
quyết định của người bảo hiểm về việc nhận bảo hiểm và các điều kiện bảo hiểm,
trừ loại thông tin mà mọi người đều biết hoặc người bảo hiểm đã biết hoặc cần
phải biết”.
Đến
BLDS 1995, hoạt động bảo hiểm nói chung được đề cập trong BLDS và quy định về
trách nhiệm cung cấp thông tin được quy định một cách chung nhất tại Điều 577,
áp dụng cho mọi loại hình bảo hiểm, bao gồm cả bảo hiểm hàng hải. Tuy nhiên,
BLDS lại được xây dựng theo hướng hoàn toàn khác biệt với quy định tại BLHH. Điểm
khác biệt lớn nhất là ở tính tự nguyện và tính đầy đủ của trách nhiệm. Nếu như
trách nhiệm theo BLHH xác định người mua bảo hiểm phải tự nguyện cung cấp mọi
thông tin liên quan mà mình biết cho DNBH thì theo BLDS 1995, BMBH chỉ cần thụ
động cung cấp các thông tin mà DNBH yêu cầu: “theo yêu cầu của bên bảo hiểm, BMBH phải cung cấp cho DNBH đầy đủ các
thông tin có liên quan đến đối tượng bảo hiểm, trừ các thông tin mà bên bảo hiểm
đã biết hoặc phải biết”.
Vào
những năm 1999, hoạt động của thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có phần sôi động
hơn so với nhiều năm trước, đặc biệt là đã có sự tham gia của các DNBH nhân thọ
lớn trên thế giới như AIA, Prudential, Manulife…. Sự tham gia thị trường bảo hiểm
Việt Nam của các DNBH giàu kinh nghiệm mang vào Việt Nam những hợp đồng mẫu,
trong đó làm rõ trình tự, thủ tục để các bên xem xét ký kết HĐBH. Vấn đề trách
nhiệm cung cấp thông tin trở thành một nghĩa vụ ràng buộc của bên dự định tham
gia bảo hiểm, và cần thiết được pháp luật quan tâm đúng mức. Chính vì vậy, Luật
KDBH 2000[14]
ra đời cùng với những quy định mới và chi tiết hơn về trách nhiệm cung cấp
thông tin tại các Điều 17, 18, 19. Cụ thể, tại điểm b, khoản 2, Điều 18 Luật
KDBH có nội dung gần tương tự với khoản 1, Điều 577 BLDS 1995, quy định về việc
cung cấp theo yêu cầu của DNBH. Trong khi đó, tại khoản 1, Điều 19 Luật KDBH
quy định về một phạm vi trách nhiệm gần như không có giới hạn của người mua bảo
hiểm “BMBH có trách nhiệm cung cấp đầy đủ
thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho DNBH”. BLDS 2005 ra đời thay
thế cho BLDS 1995, trong đó tại khoản 1, Điều 573 BLDS 2005, trách nhiệm cung cấp
thông tin cũng được đề cập đến, cụ thể: “Khi
giao kết hợp đồng bảo hiểm, theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm, bên mua bảo hiểm
phải cung cấp cho bên bảo hiểm đầy đủ thông tin có liên quan đến đối tượng bảo
hiểm, trừ thông tin mà bên bảo hiểm đã biết hoặc phải biết”. Quy định này
liên quan đến nghĩa vụ tiền hợp đồng, tuy nhiên quy định này mới chỉ áp đặt
nghĩa vụ thông tin cho BMBH trong khi chưa quy định về nghĩa vụ tương ứng của
DNBH, đồng thời việc quy định loại trừ “thông
tin mà bên bảo hiểm đã biết hoặc phải biết” có phần gây lúng túng cho DNBH.
Tiếp đến, BLDS 2015 đã bỏ đi các quy định chuyên biệt về HĐBH, gồm cả trách nhiệm
cung cấp thông tin, vì Luật kinh doanh bảo hiểm (KDBH) 2000, sau đó được sửa đổi
bổ sung 2010, và 2019 đã được xem là luật chuyên ngành, điều chỉnh riêng biệt
quan hệ pháp luật bảo hiểm, trong đó nghĩa vụ cung cấp thông tin của các bên đã
được quy định cụ thể tại các Điều 17, 18, 19 nói trên.
Đối
với lĩnh vực bảo hiểm hàng hải, Bộ luật Hàng hải 2005 và sau đấy là Bộ luật
Hàng hải 2015 hiện có hiệu lực, tiếp tục giữ quan điểm về nghĩa vụ của BMBH phải
cung cấp thông tin biết hoặc phải biết
của BMBH cho DNBH. Cụ thể tại khoản 1, Điều 308. Nghĩa vụ của
người được bảo hiểm: “Người được bảo
hiểm có nghĩa vụ cung cấp cho người bảo hiểm biết tất cả thông tin mà mình biết
hoặc phải biết liên quan đến việc giao kết hợp đồng bảo hiểm có thể ảnh hưởng đến
việc xác định khả năng xảy ra rủi ro hoặc quyết định của người bảo hiểm về việc
nhận bảo hiểm và các điều kiện bảo hiểm, trừ thông tin mà mọi người biết hoặc
người bảo hiểm đã biết hoặc phải biết.”[15]
Nhận
định có sự khác nhau trong quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của BMBH
cho DNBH trong hai văn bản pháp luật về KDBH và bảo hiểm hàng hải, tác giả lý
giải cho việc luật định khác nhau này dựa trên cơ sở phân loại bảo hiểm và mức
độ áp đặt nghĩa vụ tương ứng với từng loại hình. Theo đó, các nước có xu hướng
phân thành hai loại hình sản phẩm bảo hiểm: loại hình sản phẩm bảo hiểm mang tính
kinh doanh (tức người mua bảo hiểm cho các đối tượng bảo hiểm phục vụ cho hoạt
động sản xuất kinh doanh như bảo hiểm hàng hải, hay bảo hiểm trách nhiệm nghề
nghiệp), và loại thứ hai là các sản phẩm bảo hiểm cho mục đích tiêu dùng cá
nhân (như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm vật chất cho các tài sản cá nhân…). Đối với
loại hình bảo hiểm kinh doanh, không ai khác ngoài BMBH nắm rõ được các thông
tin và rủi ro về đối tượng được bảo hiểm trong quá trình hoạt động thông thường,
nên gánh nặng về việc cung cấp thông tin đặt lên phía BMBH, chứ không phải
DNBH. Trong khi đó đối với các sản phẩm bảo hiểm mang tính tiêu dùng, BMBH
không được xem là bên hoàn toàn nắm giữ các thông tin về đối tượng được bảo hiểm,
và những rủi ro có thể xảy ra đối với đối tượng được bảo hiểm, khi làm phép so
sánh với DNBH, một đơn vị hoạt động chuyên nghiệp, có khối lượng dữ liệu lớn
liên quan đến sản phẩm bảo hiểm dự kiến tiến hành, có kinh nghiệm trong việc
đánh giá rủi ro đối với loại sản phẩm bảo hiểm này sẽ có thể tính toán và đo lường
mức độ, tần suất rủi ro và đánh giá các loại thông tin nào cần thiết phải được
cung cấp bởi BMBH. Tất nhiên, vấn đề này cần được các nhà làm luật lưu tâm và
đưa ra các quy định minh bạch hơn về phạm vi áp dụng đối với nghĩa vụ cung cấp
thông tin trong các sản phẩm bảo hiểm khác nhau trong tương lai ở Việt Nam.
3.
Bình
luận trách nhiệm cung cấp thông tin trong thực tiễn tranh chấp bảo hiểm ở Việt
Nam
Đối
tượng và phạm vi thông tin phải cung cấp
Theo quy định tại
điểm b, khoản 2, Điều 18 Luật KDBH hiện hành, quy định về thông tin mà BMBH có
nghĩa vụ cung cấp cho DNBH, theo đó, BMBH
có nghĩa vụ kê khai đầu đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo
hiểm theo yêu cầu của DNBH. Sở dĩ, pháp luật quy định BMBH phải cung cấp
thông tin theo yêu cầu của DNBH như trên là xuất phát từ đặc thù của hoạt động
kinh doanh bảo hiểm là hoạt động yêu cầu chủ thể kinh doanh phải có sự am hiểu
nhất định về lĩnh vực bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm.[16]
Nếu BMBH không có những hiểu biết nhất định về đối tượng yêu cầu bảo hiểm thì
DNBH không thể nhận biết được các rủi ro có thể xảy ra với đối tượng được bảo
hiểm và nhận sự hoán chuyển rủi ro từ BMBH, để đảm bảo bồi thường tổn thất khi
những rủi ro xảy ra. Trên thực tế, việc cung cấp thông tin của BMBH thường
thông qua giấy/đơn yêu cầu bảo hiểm. Ví dụ thông tin quan trọng và đáng chú ý
trong đơn yêu cầu bảo hiểm nhân thọ là tình trạng sức khỏe của người được bảo
hiểm, bởi vì đây là những thông tin mà dựa vào đó DNBH đánh giá để đưa ra kết
luận có chấp nhận bảo hiểm hay không và cơ sở tính phí bảo hiểm. Các tranh chấp
trên thực tế đa phần xuất phát từ thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe của
người được bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ.
Cũng liên quan đến
việc cung cấp thông tin của BMBH, cụ thể tại khoản 1, Điều 19 Luật KDBH quy định
khi giao kết hợp đồng bảo hiểm thì BMBH có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông
tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho DNBH. Liệu phạm vi yêu cầu thông tin của
hai quy định có khác biệt nhau khi điểm b, khoản 2, Điều 18 Luật KDBH quy định
BMBH phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của DNBH, trong khi đó khoản 1, Điều 19 Luật KDBH quy định cung cấp đầy
đủ các thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm. Như vậy, trong trường hợp
này BMBH chỉ cung cấp trong phạm vi của đơn yêu cầu bảo hiểm đã đảm bảo đầy đủ
những thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm mà chưa được quy định trong
đơn yêu cầu bảo hiểm không? Có những trường hợp BMBH có những thông tin quan trọng
mà DNBH chưa yêu cầu cung cấp, hậu quả của việc này tạo sự bất lợi cho DNBH
đánh giá rủi ro và khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Ví dụ cho trường hợp này, vào
thời điểm giao kết HĐBH, người được bảo hiểm hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường
nhưng do có thói quen uống rượu. Việc thường xuyên uống rượu là một căn cứ quan
trọng đối với DNBH trong việc đánh giá rủi ro và căn cứ để xác định lại phí bảo
hiểm. Ngược lại, BMBH mặc dù không cung cấp thông tin này nhưng cũng không vi
phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin bởi vì DNBH không yêu cầu.
Một vấn đề nữa
cũng liên quan đến nghĩa vụ cung cấp thông tin của BMBH tại điểm b, khoản 2, Điều
18 đó chính là cụm từ “mọi chi tiết có
liên quan đến HĐBH”. Với cách quy định như vậy, có thể thấy được đối tượng
và phạm vi thông tin được quy định chưa thực sự thống nhất và rõ ràng (mọi chi
tiết nhưng theo yêu cầu của DNBH).[17]
Thực tiễn xét xử,
Tòa án đã có quan điểm cho vấn đề này thông qua bản án Số 313/2016/DS-PT ngày
16/03/2016 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm.[18]
Trong vụ việc này, phía công ty bảo hiểm cho rằng tại câu hỏi số 54 Đơn yêu cầu bảo hiểm ngày 25/3/2009: “Loét
đường tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy, viêm kiết tràng, khó
tiêu thường xuyên, khó nuốt, hoặc rối loạn tại dạ dày, ruột gan hoặc
túi mật?” bà H (người được bảo hiểm) đánh dấu vào ô không (nghĩa là
bà H khai không bị rối loạn dạ dày) trong khi bà H bị đau dạ dày là khai báo
không trung thực, cụm từ rối loạn tại dạ dày bao gồm tất cả các bệnh liên quan
đến dạ dày trong đó có bệnh đau dạ dày.
Quan điểm của Tòa án cho rằng có sự khác nhau giữa “rối loạn dạ dày”
trong câu hỏi và căn bệnh “đau dạ dày” trên thực tế của bà H. Tòa án xét xử
theo hướng đối tượng của nghĩa vụ cung cấp cấp thông tin phải nằm trong câu hỏi
của DNBH. Tòa án còn viện dẫn thêm quy định tại khoản 2, Điều 407 trong BLDS
2005 về trường hợp “hợp đồng dân sự theo
mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất
lợi khi giải thích điều khoản đó.” cùng
với Điều 21 Luật KDBH quy định giải
thích theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm trong trường hợp HĐBH có điều
khoản không rõ ràng. Như vậy, những nội dung mà không được đề cập trong Đơn yêu
cầu bảo hiểm thì sẽ không thuộc đối tượng của nghĩa vụ cung cấp thông tin của
BMBH hay nói cách khác, BMBH chỉ phải cung cấp các thông tin mà DNBH yêu cầu.
Tính không trung thực của thông tin
Tính trung thực của
thông tin trong HĐBH là yếu tố quan trọng khi giao kết HĐBH. Trên thực tiễn,
các tranh chấp về HĐBH đa phần xuất phát từ việc DNBH cho rằng BMBH đã cố ý
cung cấp thông tin không đúng sự thật, từ đó từ chối chi trả quyền lợi cho
BMBH. Khi xảy ra tranh chấp BMBH cũng đưa ra lập luận cho rằng bản thân mình
không biết những thông tin đó hoặc nếu cố tình che giấu thông tin thì cũng lập
luận theo hướng lừa dối để yêu cầu Tòa án tuyên HĐBH vô hiệu. Cụ thể, theo một
Tòa án, “xét trước khi ký hợp đồng bảo hiểm
nhân thọ với Công ty Manulife, ông Ngọc đã từng khám bệnh theo bảo hiểm y tế tại
Bệnh viện Nguyễn Trãi và được bác sĩ của Công ty manulife khám bệnh cũng như kiểm
tra sức khỏe tại Trung tâm Hòa hảo nhưng đều không biết ông Ngọc bị bệnh lao
não. Xét các triệu chứng bệnh của ông Ngọc khi khám bệnh tại Bệnh viên Nguyễn
Trãi như: chóng mặt, nhức đầu là bệnh thường xuyên của con người, việc ông Ngọc
không khai khi kiểm tra sức khỏe không phải là ông Ngọc biết bệnh lao não nhưng
giấu không khai. Xét trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giữa Công ty Manulife và
ông Ngọc không quy định nếu người ký hợp đồng khai sai những điểm trong phiếu
kiểm tra sức khỏe thì không được thanh toán quyền lợi bảo hiểm. Do đó, Công ty
Manulife đã ký hợp đồng bảo hiểm với ông Ngọc thì Công ty Manulife phải trả cho
bà Liên (người đại diện của ông Ngọc) quyền lợi bảo hiểm của ông Ngọc”.[19]
Như vậy, theo nhận định của Tòa án trong bản án này có thể hiểu, bệnh lao não của
ông Ngọc là có thật và việc này không được ông Ngọc khai báo khi xác lập HĐBH
nhân thọ là không vi phạm bởi vì trường hợp này ông Ngọc không hề biết trong
người ông đang có căn bệnh lao não theo nhận định Tòa án.
Qua bản án này có
thể thấy rằng, để xác định tính không trung thực của thông tin cho phép DNBH từ
chối thanh toán tiền bảo hiểm, đó phải là thông tin mà BMBH biết nhưng không kê
khai.[20]
Trong trường hợp này, ông Ngọc không biết về thông tin bệnh lao não, vậy DNBH
không thể từ chối thanh toán tiền bảo hiểm cho ông Ngọc. Do đó, việc biết và
không công khai là hai thành tố quan trọng trong việc xác định tính không trung
thực của thông tin.[21]
Đối chiếu với quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm thì hiển tại, Luật
KDBH mới chỉ quy định các bên có nghĩa vụ cung cấp thông tin một cách trung thực
nhưng chưa quy định cụ thể các trường hợp có thể loại trừ.
Chế
tài không đồng nhất đối với việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin
Đối
với hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin, Luật KDBH hiện hành quy định
các biện pháp xử lý khác nhau như hợp đồng có thể bị đình chỉ, bị hủy bỏ hoặc bị
vô hiệu. Theo khoản 2, Điều 19 Luật KDBH quy định: “Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo
hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi
bên mua bảo hiểm có một trong những hành vi sau đây: a) Cố ý cung cấp thông tin
sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được
bồi thường; b) Không thực hiện các nghĩa vụ trong việc cung cấp thông tin cho
doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 của Luật này”.
Mặc khác, tại điểm
d, khoản 1, Điều 22 của Luật này quy định về trường hợp HĐBH vô hiệu khi BMBH
hoặc DNBH có hành vi lừa dối khi giao kết HĐBH. Khi đó, DNBH sẽ hoàn trả lại
phí bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm đã đóng trước đó, và không phát sinh trách nhiệm
chi trả số tiền bảo hiểm hay số tiền bồi thường cho BMBH.
Vậy, liệu hành vi
cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm có phải là
một hành vi lừa dối?
Trong BLDS 2015
cũng định nghĩa về hành vi lừa dối trong giao dịch dân sự, theo đó: “Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố
ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ
thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập
giao dịch đó.[22]” Qua quy định
trên có thể hiểu một hành vi được xem là lừa dối khi: Thứ nhất, đưa ra thông tin sai lệch về chủ thể, đối tượng hoặc nội
dung của giao dịch dân sự đó; Thứ hai, bản
thân người đưa ra thông tin biết rõ rằng thông tin đó là sai lệch sự thật với
chủ ý làm cho người nghe tin vào thông tin đó; Thứ ba, người nhận thông tin đã tin tưởng vào thông tin đó nên giao
kết hợp đồng.
Như vậy, có thể thấy
hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để
được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường thường theo như quy định tại điểm
a, khoản 2, Điều 19 của Luật KDBH là một dạng hành vi lừa dối. Tuy nhiên, Luật
KDBH cung cấp hai chế tài với hai hậu quả pháp lý hoàn toàn khác nhau đối với cùng
một hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật. Đối với chế tài DNBH có quyền
đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng và thu phí đến thời điểm đình chỉ thực
hiện hợp đồng, quy định này có nghĩa là cho đến thời điểm đình chỉ thực hiện,
HĐBH vẫn có giá trị pháp lý và chỉ bị triệt tiêu trong tương lai.[23]
Mặc khác, đối với hành vi lừa dối, hậu quả pháp lý là HĐBH bị tuyên vô hiệu mà
mỗi bên sẽ hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận.[24]
Trên thực tế, có một số DNBH xây dựng điều khoản mẫu HĐBH theo quy định tại khoản
2, Điều 19 Luật KDBH, điển hình là như trường hợp của Công ty Prudential Việt
Nam[25]
theo hướng hoàn phí bảo hiểm khi BMBH vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin, hoặc
DNBH lựa chọn việc vô hiệu HĐBH ngay từ đầu hay hủy bỏ HĐBH khi có sự vi phạm
nghĩa vụ cung cấp thông tin.[26]
Tuy nhiên, tất cả những cách xây dựng quy định trên đều được Bộ Tài chính chấp
thuận phê chuẩn trong các quy tắc sản phẩm bảo hiểm của DNBH và cho phép DNBH
tiến hành kinh doanh.[27]
Cũng chính vì quy định của Luật KDBH chưa
rõ ràng về vấn đề này, và việc áp dụng pháp luật trên thực tiễn quá đa dạng,
nên việc xét xử Tòa án đóng vai trò quan trọng để cung cấp giải pháp hợp lý
công bằng cho các bên trong quan hệ bảo hiểm. Giải pháp được đa số Tòa án lựa
chọn thông qua thực tiễn giải quyết tranh chấp là tuyên hợp đồng vô hiệu nên
DNBH phải hoàn lại phí bảo hiểm mà BMBH đã nộp, và DNBH không phát sinh trách
nhiệm bồi thường hay chi trả số tiền bảo hiểm. Cụ thể, theo một bản án vào năm
2007 của Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh,[28]
“tại thời điểm ông Hùng lập thủ tục yêu cầu bảo hiểm, ông Hùng đã có bệnh
tăng huyết áp nhưng ông Hùng không khai đầy đủ vào hồ sơ mua bảo hiểm tình trạng
tăng huyết áp của mình đúng như thỏa thuận tại Điều 3.1 của HĐBH mà hai bên đã
ký. Theo quy định tại khoản 1, Điều 573 BLDS 2005 thì khi
giao kết HĐBH, theo yêu cầu của bên bảo hiểm, BMBH phải cung cấp cho bên bảo hiểm
đầy đủ thông tin có liên quan đến đối tượng được bảo hiểm, trừ thông tin mà bên
bảo hiểm đã biết hoặc phải biết” nên HĐBH số 05000009806008UL-A ngày 29/06/2006
được xác lập giữa ông Hùng với Công ty ACE là vô hiệu từ thời điểm ký kết…Do
HĐBH vô hiệu nên không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của
các bên kể từ thời điểm xác lập, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn
trả cho nhau những gì đã nhận…”.
Qua thực tiễn
tranh chấp bảo hiểm, có thể nhận thấy một điểm chung rằng việc cung cấp thông
tin sai đa phần đều xuất phát từ thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Nếu
nguyên nhân dẫn đến tranh chấp tồn tại trong giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm lại
được xử lý bằng giải pháp“đình chỉ”, tức là vẫn giữ lại quá khứ của hợp đồng và
chỉ làm mất giá trị trong tương lai của hợp đồng có tạo ra sự hợp lý không?
Trong khi đó, nếu theo hướng vô hiệu HĐBH thì các bên trong quan hệ HĐBH sẽ
quay trở lại thời điểm trước khi giao kết HĐBH.[29]
Từ những phân
tích trên, một vấn đề được đặt ra là với cùng một hành vi là cố ý cung cấp
thông tin sai sự thật của bên mua bảo hiểm thì khi nào thì nên áp dụng quy định
tại khoản 2, Điều 19 của Luật KDBH, khi nào áp dụng quy định tại điểm d, khoản
1, Điều 22 để giải quyết? Có nên thống nhất hướng giải quyết bằng việc tuyên
HĐBH theo hướng vô hiệu để thống nhất trong xét xử? Đây là những câu hỏi mà các
nhà làm luật và cơ quan tư pháp cần giải đáp, để góp phần hạn chế được tình trạng
tranh chấp bảo hiểm, mặc khác, khi phát sinh tranh chấp, các bên dựa vào đó có
thể xác định chế tài một cách dễ dàng hơn.
DNBH hủy bỏ HĐBH nếu
BMBH thông báo sai tuổi của người được bảo hiểm
Ngoài hai hậu quả
pháp lý là đình chỉ hoặc tuyên vố vô hiệu như trình bày ở trên, HĐBH có thể bị
DNBH hủy bỏ nếu BMBH thông báo sai tuổi của người được bảo hiểm. Độ tuổi là một
trong những yếu tố gắn liền với tình trạng sức khỏe của mỗi người, dựa vào đó
DNBH có thể đánh giá mức độ rủi ro, cơ sở để tính phí bảo hiểm. Người đó độ tuổi
lớn phí bảo hiểm sẽ khác so với bảo hiểm cho một người có độ tuổi nhỏ hơn. Theo
quy định tại khoản 2, Điều 34 của Luật KDBH [30]
quy định về thông báo sai tuổi của người được bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ,
“doanh nghiệp bảo hiểm có quyền huỷ bỏ hợp
đồng bảo hiểm và hoàn trả số phí bảo hiểm đã đóng cho bên mua bảo hiểm sau khi
đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan, trường hợp hợp đồng bảo hiểm đã có hiệu
lực từ hai năm trở lên thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm
giá trị hoàn lại”. Qua quy
định này có thể hiểu HĐBH vẫn có hiệu lực pháp lý cho đến khi HĐBH bị hủy bỏ bởi
DNBH.
Tuy nhiên, BLDS
2015 tại Điều 427 quy định về hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng, thì khi
hợp đồng bị hủy bỏ đồng nghĩa với việc hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm
giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận. Trái ngược với
quy định trong BLDS 2015, trong Luật KDBH quy định HĐBH bị hủy bỏ nhưng DNBH vẫn
phải hoàn trả lại giá trị hoàn lại của HĐBH cho BMBH. Do vậy, quy định trong Luật
KDBH có sự mâu thuẫn, chưa có sự thống nhất với việc xử lý hợp đồng bị hủy bỏ
theo quy định của BLDS 2015. Để tạo sự thống nhất với quy định trong BLDS 2015,
thiết nghĩ Luật KDBH nên có phương hướng giải quyết để phù hợp với trong BLDS
2015.
Cũng tại quy định
này, “giá trị hoàn lại” được đề cập nhưng chưa có quy định giải thích và hướng
dẫn thực hiện. Trên thực tiễn, giá trị hoàn lại thường chỉ quy định trong Bộ
quy tắc và Điều khoản của DNBH, điều này gây ra không ít bối rối cho BMBH. Cụ
thể: “trường hợp của chị H (Nha Trang) hoàn toàn bất ngờ khi nhận được một số
tiền hoàn lại là 1,3 triệu đồng khi chị đề nghị chấm dứt hợp đồng trong khi tổng
số phí chị đóng trong 21 tháng qua là 3,5 triệu đồng”.[31]
Giá trị hoàn lại trong trường hợp này nhỏ rất nhiều so với số tiền phí bảo hiểm
mà chị đã đóng. Như vậy, để thống nhất cũng như có cơ sở để BMBH có thể dựa vào
đó có thể xác định được giá trị hoàn lại, mặc khác vừa để đảm bảo quyền lợi của
BMBH, tránh trường hợp DNBH quy định bất lợi cho BMBH.
Tóm lại, qua thực
tiễn hoạt động bảo hiểm ở Việt Nam, các vụ tranh chấp liên quan đến việc cung cấp
thông tin của các bên trong quan hệ bảo hiểm ngày càng gia tăng đáng kể. Việc
tìm hiểu bản chất bất cân xứng thông tin trong quan hệ tiền hợp đồng bảo hiểm
và các quy định pháp luật về trách nhiệm cung cấp thông tin, đồng thời chỉ ra
các khiếm khuyết của luật viết và nhu cầu hoàn thiện các quy định này là những việc
cần thiết và quan trọng. Những nội dung nghiên cứu trong bài viết mong muốn góp
phần cung cấp cơ sở lý luận, định hướng hoàn thiện quy định pháp luật có liên
quan, và cung cấp giải pháp pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp phát
sinh trong thực tiễn hoạt động bảo hiểm liên quan đến trách nhiệm cung cấp
thông tin.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Văn
bản luật
1. Bộ
luật dân sự 2015.
2. Bộ
luật Hàng hải 2015.
3. VBHN Luật
Kinh doanh bảo hiểm 2000, sửa đổi bổ sung 2010, và
2019.
4. Luật
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.
5.
Nghị định 73/2016/NĐ-CP
quy định chi tiết một số điều Luật KDBH 2000 sửa đổi bổ sung 2010, được sửa đổi
bổ sung một số điều bởi Nghị định 80/2019/NĐ-CP
6. Văn
bản hợp nhất 27/VBHN-BTC năm 2019 hợp nhất Thông tư hướng dẫn Nghị định
73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật KDBH và Luật KDBH sửa đổi.
7. Đạo
Luật bảo hiểm hàng hải 1906 Anh (Marine insurance Act 1906)
8. Luật
bảo hiểm 1967 Pháp.
9. Luật
bảo hiểm 2009 Trung Quốc.
Bài
viết tham khảo Tiếng Việt
10.
Đỗ Văn Đại, 2018, “Một số
vấn đề pháp lý phát sinh trong thực tiễn về bảo hiểm nhân thọ”, Tạp chí Khoa
học pháp lý số 07(119)/2018.
11.
Lê Trường Sơn, 2016, Giai
đoạn tiền hợp đồng trong pháp luật Việt Nam, NXB Hồng Đức - Hội Luật gia Việt
Nam.
12.
Trần Vũ Hải, Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ- Những vấn đề lý
luận và thực tiễn, Nxb.Tư pháp, 2006, Hà Nội, tr.85.
Bài
viết tham khảo Tiếng Anh
13.
Aarti Arunachalam, 2002,
“An analysis of the duty to negotiate in
good faith: Precontractual liability and Preliminary agreement”, LL.M
thesis, University of Georgia School of law.
14.
Bertrand De Coninck,
2002, Chương sách “Le droit commun
de la rupture des négociations précontractuelles ”, (tr.17-tr.37), Le
processus de formation du contrat, Contributions comparatives et
interdisciplinaires à l'harmonisation du droit européen, NXB Bruylant (Bruxelles)
15.
Gjin Gjoni, Zhaklina
Peto, “An Overview of Good Faith as a
Principle of Contractual Interpretation with Special References to the Albanian
Law”, European Scientific Journal,
September 2017 edition Vol.13, No.25.
16.
Rodrigo Novoa, 2005, “Culpa in contrahendo: a comparative law
study: Chilean law and the United Nations Convention on contracts for the
international sales of goods (CISG)”, Arizona Journal of international and
Comparative law, Vol.22 .No.3. 91
17. Roger Brownsword , Norma J. Hird , Geraint Howells,
1999, Good faith in Contract: concept and context, NXB Dartmouth Pub Co.
[1] Xem thêm Roger
Brownsword , Norma J. Hird , Geraint
Howells, 1999, Good faith in Contract: concept and context, NXB
Dartmouth Pub Co.
[2]
Rodrigo Novoa, 2005, “Culpa in
contrahendo: a comparative law study: Chilean law and the United Nations
Convention on contracts for the international sales of goods (CISG)”,
Arizona Journal of international and Comparative law, Vol.22 .No.3. 91; và Anil
Ozturk ,
2017, “The Conceptual Analysis of 'Culpa
in Contrahendo': A Critical Study in EU Private International Law”, LL.M
Thesis, School of Law, The University of Dublin, Trinity College, truy cập
ngày 23/04/2020, tham khảo toàn văn bài viết tại: https://www.academia.edu/35560401/The_Conceptual_Analysis_of_Culpa_in_Contrahendo_A_Critical_Study_in_EU_Private_International_Law.
[3] Xem thêm Rolger Halson,
2013, Contract law, 2th ed, Paula Giliker University of Bristol, tr.109: “Đôi khi yêu cầu của thiện chí, trung thực được
đề cập đến trong mối quan hệ với thương lượng hợp đồng và đôi khi trong mối
quan hệ với thực hiện hay thay đổi hợp đồng đã tồn tại đồng thời đôi lúc còn được
đề cập đến ở tất cả các giai đoạn của một hợp đồng”.
[4] Bản
thuyết minh dự thảo BLDS 2015
[5] Điều
6, BLDS 2005
[6] Khoản
3, Điều 3 BLDS 2015
[7] Tra từ tại http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Thi%E1%BB%87n_ch%C3%AD, truy cập ngày 24/04/2020.
[8] Lê Trường Sơn, 2016, Sđd,
tr.48.
[9] Đỗ Văn Đại, 2018, “Một số vấn đề pháp lý phát sinh trong thực tiễn
về bảo hiểm nhân thọ”, Tạp chí Khoa học pháp lý số 07(119)/2018, tr.55.
[10] Xem thêm về vụ Carter v
Boehm (1766) 3 Burr 1905, http://pryan2.kingsfaculty.ca/pryan/assets/File/Watterson_2008_on_Carter_v_Boehm_1766.pdf, truy cập ngày 26/06/2020.
[11] Phần 18 Đạo Luật bảo hiểm
hàng hải Anh 1906 (Marine insurance Act 1906).
[12] Điều
172.19.3 Luật bảo hiểm Pháp 1967 (Code des Assurance), toàn văn tại http://codes.droit.org/CodV3/assurances.pdf, truy
cập ngày 26/06/2020.
[13] Phạm
Sĩ Hải Quỳnh, “Cơ sở hình
thành nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giao kết hợp đồng bảo hiểm”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 3/2004, toàn văn bài viết có thể truy cập
tại https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2008/01/30/423546/, truy cập ngày 26/06/2020.
[14] Luật Kinh doanh bảo hiểm số
24/2000/QH10 ngày 09 tháng 12 năm 2000 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01
tháng 4 năm 2001, được sửa đổi, bổ sung bởi: 1.
Luật số 61/2010/QH12 ngày 24 tháng 11 năm 2010 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm
2011; và Luật số 42/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực
kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2019. Văn bản hợp nhất Luật Kinh doanh bảo hiểm số 06/VBHN-VPQH là văn bản hiện hành cập
nhật các sửa đổi bổ sung trên, gọi tắt là Luật KDBH trong bài viết.
[15] Tương tự với quy định tại Khoản 1,
Điều 229. Nghĩa vụ của người được bảo hiểm trong Bộ luật Hàng hải
2005 : “Người được bảo hiểm có nghĩa
vụ cung cấp cho người bảo hiểm biết tất cả các thông tin mà mình biết hoặc phải
biết liên quan đến việc giao kết hợp đồng bảo hiểm có thể ảnh hưởng đến việc
xác định khả năng xảy ra rủi ro hoặc quyết định của người bảo hiểm về việc nhận
bảo hiểm và các điều kiện bảo hiểm, trừ thông tin mà mọi người biết hoặc người
bảo hiểm đã biết hoặc phải biết.”
[16] Nguyễn Thu Thủy, 2016, Pháp luật bảo hiểm tài sản tại Việt Nam,
NXB.Thanh niên, trang 134.
[17] Đỗ Văn Đại, 2018, “Một số vấn đề pháp lý phát sinh trong thực
tiễn về bảo hiểm nhân thọ”, Tạp chí Khoa học pháp lý số 07(119)/2018,
tr.55.
[18] Bản án này cũng đã được
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng đã quyết định lấy bản án này
làm Án lệ để làm căn cứ, hướng giải quyết cho việc xét xử những vụ tranh chấp
có tính chất tương tự: Án lệ số 22/2018/AL về không vi phạm nghĩa vụ cung cấp
thông tin tình trạng bệnh lý trong HĐBH nhân thọ, được Hội đồng Thẩm phán Tòa
án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo
Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân
tối cao.
[19] Bản án số 1966/DSST
ngày 10/09/2004 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
[20] Đỗ Văn Đại, Tlđd.
[21] Đỗ Văn Đại, Tlđd.
[22] Điều 127 BLDS 2015.
[23] Đỗ Văn Đại,Tlđd.
[24] Việc giải quyết HĐBH vô
hiệu được căn cứ theo quy định trong Điều 131, BLDS 2015, cụ thể giao dịch dân
sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của
các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập; các bên khôi phục lại tình trạng
ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
[25] Điều 11.2 (a)(ii) Nghĩa
vụ của Bên mua bảo hiểm và Người được bảo hiểm
a.Kê khai chính xác thông tin cần
thiết
ii. Nếu bên mua bảo hiểm/Người được
bảo hiểm cố ý kế khai không đầy đủ, chính xác và trung thực các thông tin cần
thiết theo yêu của Prudential, theo đó, nếu với thông tin chính xác, Prudential
sẽ không chấp nhận bảo hiểm, Prudential không có trách nhiệm chi trả các quyền
lợi bảo hiểm và có quyền đơn phương đình chỉ Hợp đồng bảo hiểm này ngay sau khi
phát hiện ra hành vi vi phạm của bên mua bảo hiểm và chỉ trả cho bên mua bảo hiểm
Giá trị quỹ của hợp đồng tại Ngày định giá kế tiếp ngay sau khi Hợp đồng bảo hiểm
bị đình chỉ sau khi trừ đi chi phí khám sức khỏe, cá Quyền lợi đã chi trả hoặc
chấp thuận chi trả hoặc đã chi trả các Khoản nợ, nếu có, tính đến ngày đình chỉ
Hợp đồng bảo hiểm.
[26] “Nếu bất cứ thông tin nào bên mua bảo hiểm
hoặc người được bảo hiểm cung cấp cố ý che giấu hoặc khai báo sai sự thật làm ảnh
hưởng nghiêm trọng đến quyết định đánh giá chấp nhận bảo hiểm thì công ty có thể
hủy bỏ hợp đồng và hợp đồng không có hiệu lực ngay từ đầu”. Xem thêm Án lệ số
22/2018/AL về không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tình trạng bệnh lý
trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
[27] Bách Nguyễn, Tranh
cãi về cung cấp thông tin sai sự thật trong kinh doanh bảo hiểm,
www.baphapluat.vn.
[28] Bản án số
598/2007/DS-PT ngày 07/06/2007 của Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh.
[29] Đỗ Văn Đại, Tlđd.
[30] Điều 34.
Thông báo tuổi trong bảo hiểm nhân thọ “2. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo sai tuổi của người được
bảo hiểm, nhưng tuổi đúng của người được bảo hiểm không thuộc nhóm tuổi có thể
được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm và
hoàn trả số phí bảo hiểm đã đóng cho bên mua bảo hiểm sau khi đã trừ các chi
phí hợp lý có liên quan. Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm đã có hiệu lực từ
hai năm trở lên thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị
hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm.”
[31] Trần Vũ Hải, Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ- Những vấn đề lý
luận và thực tiễn, Nxb.Tư pháp, 2006, Hà Nội, tr.85.
Nhận xét
Đăng nhận xét