NHẬN DIỆN CÁC ĐIỀU KHOẢN BẤT LỢI ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐI VAY TRONG THỎA THUẬN VAY TIÊU DÙNG VỚI CÔNG TY TÀI CHÍNH

 

NHẬN DIỆN CÁC ĐIỀU KHOẢN BẤT LỢI ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐI VAY TRONG THỎA THUẬN VAY TIÊU DÙNG VỚI CÔNG TY TÀI CHÍNH

 

Bạch Thị Nhã Nam

Giảng viên Khoa Luật, Trường đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG Tp.Hồ Chí Minh, NCS ĐH Griffith, Úc

Email: nambtn@uel.edu.vn

Tóm tắt: Cho vay tiêu dùng đang phát triển nhanh ở Việt Nam nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý đối với các bên trong quan hệ cho vay tiêu dùng, nhất là trước sự ra đời và phát triển của các công ty tài chính hiện nay. Với mục đích vay được khoản tiền và được giải ngân nhanh chóng, người đi vay thường thực hiện theo các yêu cầu của bên cho vay và chấp nhận các điều kiện thỏa thuận, mà đôi khi bỏ qua việc đọc nội dung các điều khoản trong hợp đồng vay tín dụng tiêu dùng. Trong bài viết này, tác giả sẽ rà soát các hợp đồng vay tín dụng tiêu dùng trên thực tiễn và nhận diện một số điều khoản gây ra các rủi ro pháp lý hoặc bất lợi nhất định đối với người tiêu dùng, và tác giả đưa ra các lưu ý đối với bên đi vay tín dụng và đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật.

Từ khóa: cho vay, tiêu dùng, rủi ro…

Abstract: Consumer lending is growing rapidly in Vietnam, but there are also potential legal risks for the parties in the consumer lending relationship, especially before the advent and development of the financial companies. For the purpose of obtaining a loan and being disbursed quickly, borrowers often follow the lender's requirements and accept the standard terms, sometimes skipping reading the terms of consumer credit contract. In this article, the author will review consumer credit loan contracts in practice and identify a number of provisions posing certain legal risks or disadvantages to consumers. Given on that, the author gives issue notes to credit borrowers and propose solutions to improve the law.

Keywords: lending, consumption, risk…

 

1.     Vài nét về thực tiễn cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tại Việt Nam

Cho vay tiêu dùng đang phát triển khá nhanh ở Việt Nam mặc dù đây là một hình thức còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Thuật ngữ cho vay theo Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) thì được hiểu quan hệ cấp tín dụng giữa một bên là các tổ chức tín dụng (bên cho vay) và một bên là cá nhân, tổ chức (bên đi vay) nhằm thỏa mãn nhu cầu về vốn cho các chủ thể này trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.[1]

Cho vay tiêu dùng thuộc một trong các loại quan hệ cho vay, trong đó bên cho vay là tổ chức cấp tín dụng gồm các công ty tài chính ngân hàng thương mại, bên đi vay là các khách hàng cá nhân vay một khoản tiền không nhằm mục đích kinh doanh, sản xuất mà để mua sắm hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho nhu cầu chi tiêu của cá nhân, hộ gia đình trong một hạn mức tín dụng thời hạn nhất định. dụ về một số sản phẩm của cho vay tiêu dùng có thể kể tới như: vay mua xe máy, xe ô tô, vay mua thiết bị điện tử, vay để du học nước ngoài…

Trong trường hợp bên cho vay là các công ty tài chính (CTTC)[2] thì hoạt động này được hiểu việc CTTC cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại CTTC đó không vượt quá một trăm triệu đồng.[3]  

Hiện nay, hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC rất sôi động vì nhu cầu mua nhà, mua xe của các khách hàng có thu nhập trung bình rất cao. Do đó, ngày càng nhiều CTTC thành lập và tham gia thị trường tín dụng tiêu dùng, và tạo nên mức tăng trưởng lợi nhuận nhanh chóng trong lĩnh vực này.  Thị phần của nhóm công ty tài chính tiêu dùng trong tổng tín dụng tiêu dùng đã tăng đáng kể, từ mức 1% năm 2011, lên mức 16,3% năm 2020, tính đến cuối năm 2020, đã có 16 công ty tài chính đăng ký hoạt động, với tổng vốn điều lệ khoảng 22 nghìn tỷ đồng.[4] Tăng trưởng bình quân của cho vay tiêu dùng giai đoạn 2010-2020 đạt 33,7%, trong khi tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế đạt 17,3%.[5]

Việc vay tín chấp ở CTTC dễ hơn so với vay ngân hàng thương mại vì không cần phải có tài sản đảm bảo. So với các hồ sơ vay tại ngân hàng, các CTTC không yêu cầu chặt chẽ về việc chứng minh tài chính, xác minh nhu cầu tiêu dùng hoặc các thủ tục liên quan khác, thời gian giải ngân cũng nhanh hơn và trong nhiều trường hợp khi mua sắm tài sản thì giải ngân ngay sau khi ký hợp đồng.

Vậy nên dù tốc độ phát triển khá nhanh, nhưng hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý đối với cả CTTC và khách hàng cá nhân. Về phía CTTC, để đáp ưng nhu cầu của các cá nhân, các hồ sơ tín dụng tiêu dùng thường ít bao gồm các giấy tờ, ít thủ tục chứng minh, không có tài sản đảm bảo, dựa hoàn toàn vào uy tín về năng lực trả nợ của cá nhân. Điều này dẫn tới việc thẩm định năng lực tài chính và khả năng trả nợ của người vay thường không được chính xác, gây ra nhiều rủi ro cho CTTC cấp tín dụng trong việc không thu hồi được nợ vay và lãi vay.

Ngược lại, về phía người đi vay, dù giá trị khoản vay nhỏ, đôi khi người đi vay phải trả lãi rất cao, bị quấy nhiễu và đe dọa để trả nợ vay, bị lạm dụng các thông tin cá nhân, hoặc không được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hợp đồng, các điều kiện giao dịch, và bị buộc phải tham gia bảo hiểm cho khoản vay.

Vì là bên yếu thế trong quan hệ cho vay, nên người vay tiêu dùng đôi khi không lường được các rủi ro từ các điều khoản được soạn sẵn trong hợp đồng theo mẫu[6] hay điều kiện giao dịch chung[7] của CTTC, đặc biệt các điều khoản về lãi suất, điều khoản tham gia bảo hiểm khoản vay, phí phạt khi thanh toán trễ hạn…

Với mục đích vay được khoản tiền và được giải ngân nhanh chóng nhất có thể, người đi vay thường thực hiện theo các yêu cầu của CTTC, chấp nhận các điều kiện thỏa thuận, mà đôi khi người đi vay không đọc kỹ nội dung trong hợp đồng vay tín dụng tiêu dùng.

Trong phần tiếp theo của bài viết, tác giả sẽ rà soát các hợp đồng vay tín dụng tiêu dùng trên thực tiễn và nhận diện một số điều khoản gây ra các rủi ro pháp lý hoặc bất lợi nhất định đối với người tiêu dùng, và tác giả lưu ý đối với bên đi vay tín dụng và đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật.

2. Đánh giá rủi ro đối với điều khoản lãi suất trong hợp đồng cho vay tiêu dùng và khuyến nghị

Lãi suất cho vay tiêu dùng

Theo quy định hiện hành, căn cứ theo khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP[8] các tổ chức tín dụng được tự do thỏa thuận lãi vay với bên đi vay trong hợp đồng tín dụng phải tuân thủ quy định của Luật các TCTC các văn bản hướng dẫn luật này, đồng thời không áp dụng quy định giới hạn lãi suất vay tại Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 để xác định lãi, lãi suất. Do đó, hệ lụy của quy định này là xảy ra tình trạng các CTTC áp mức lãi suất vay tiêu dùng rất cao, thực tế một số CTTC áp dụng mức lãi suất cho vay tiêu dùng với một số khoản vay lên tới 60%-70%năm, tức là gần xấp xỉ tới việc tính lãi bằng nợ gốc.

 

CTTC

Home

Credit

Fe Credit

HD Saison

Mirae

Asset

Shinhan

Lãi  vay

(%/năm)

16.22-69.96

0-68,94

12,84-13,08

19.26-76.04

8.49-11.99

(Ô tô)

Bảng 1.Lãi suất cho vay tiêu dùng tại một số công ty tài chính [9]

Lãi suất cho vay tiêu dùng ở các CTTC thường cao hơn nhiều so với các ngân hàng, trong khi mức lãi suất vay tiêu dùng tại các Ngân hàng dao động trong khoảng 10-15%/năm.[10]  Trên thực tế, mức lãi suất cho vay tiêu dùng của Việt Nam so với thế giới đang nằm ở mức trung bình (20-50%).[11] Hiện lãi suất cho vay tiêu dùng của Việt Nam dao động ở một dải rất rộng tùy vào đối tượng khách hàng, tùy từng sản phẩm vay,  theo kết quả khảo sát của Ngân hàng nhà nước tại một số địa phương thì lãi vay phổ biến mà các CTTC áp dụng từ 40 - 50%/năm, một số trường hợp lãi suất cho vay lên đến 85%/năm tùy theo sản phẩm.[12]

 

Việc một số CTTC áp dụng mức lãi suất cho vay tiêu dùng cao đã tạo ra những rủi ro đáng lo ngại cho bên đi vay về khả năng trả nợ và lãi đối với khoản vay, nếu như họ không thể đo lường chính xác khả năng tài chính của bản thân trước khi thực hiện vay tín dụng tiêu dùng. Do đó, cần có sự can thiệp nhất định từ cơ quan nhà nước để cân đối phù hợp giữa rủi ro cho vay đối với các CTTC và lãi suất cho vay cao đối với bên đi vay.

 

Căn cứ theo khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP 87 về việc quy định các bên trong hợp đồng tín dụng được thỏa thuận tự do lãi vay phải tuân thủ quy định của Luật các TCTD các văn bản hướng dẫn luật này, đồng thời không áp dụng quy định giới hạn lãi suất vay tại BLDS 2015 để xác định lãi, lãi suất.  Xét về mặt pháp lý, việc áp mức lãi cao vẫn phù hợp với khung pháp luật hiện tại, vì chưa vượt quá 5 lần so với mức lãi suất cao nhất – 20%/năm trong Bộ luật Dân sự 2015,[13] và do đó và cũng không vi phạm quy định về tội cho vay nặng lãi theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành tại Điều 201.[14]

 

Tuy nhiên, các nhà làm luật nên cân nhắc việc can thiệp phù hợp để cân bằng lợi ích của các bên trong quan hệ cho vay. Đối với CTTC, đó là rủi ro cho vay, không thu hồi được nợ và lãi, đối với bên đi vay là lãi suất cao ảnh hưởng đến khả năng tài chính trong việc trả nợ và lãi vay, lãi vay cao có thể tác động đến đời sống và kế hoạch tài chính của của bên đi vay. Xem ra khung pháp lý hiện tại vẫn chưa đủ sức mạnh để kịp thời kiểm soát việc các CTTC áp lãi suất cao đối với người vay tiêu dùng, và liệu người đi vay có đủ khả năng tính toán để có thể đo lường khả năng chi trả khoản vay không?  Làm thế nào để giảm thiểu sự bất lợi cho bên đi vay, vì họ là những người cần vốn, nên khó có thể có khả năng đàm phán thay đổi lãi suất đối với các CTTC. Đặc biệt CTTC có khả năng áp đặt lãi suất khi họ cung cấp cho bên đi vay các hợp đồng vay tín dụng tiêu dùng là các hợp đồng theo mẫu, được soạn sẵn, khách hàng cá nhân chỉ việc ký đồng ý vào hợp đồng mới có thể tiếp cận các khoản vay tài chính tiêu dùng của CTTC.

 

Giải pháp áp trần lãi suất

Kinh nghiệm tại một số quốc gia tại Châu Âu, họ quy định trần lãi suất đối với hợp đồng tín dụng tiêu dùng ví dụ như: Bỉ, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, … được tính căn cứ theo lãi suất thị trường trung bình hoặc lãi suất cơ bản.[15] Ba lý do chính được các quốc gia này đưa ra để hạn chế bên cho vay xây dựng lãi suất cao trong một báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới World Bank là: (1) chấm dứt sự lạm dụng áp đặt lãi suất của bên cho vay, (2) kiểm soát tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu phát sinh do lãi cao nên bên đi vay không thể hoàn trả, (3) giảm thiểu hành vi chấp nhận rủi ro đối với bên cho vay.[16]

 

Tại Nhật Bản, Luật hạn chế lãi suất năm 1954 được đặt ra lãi suất cho vay dựa trên quy mô khoản vay, với tỷ lệ tối đa 20 phần trăm. Luật Lãi suất tiền gửi, sửa đổi lần cuối năm 2000 đã

giới hạn lãi suất đối với các khoản vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm ở mức 29,2 %/ năm với điều kiện là bất kỳ tỷ lệ nào vượt quá 20%/năm, bên cho vay cần đạt được sự đồng ý bằng văn bản của người đi vay. Hầu hết các CTTC của Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực này đưa ra lãi suất ở khoảng giữa từ 20% - 29,2%/ năm.[17]

 

Do đó, pháp luật Việt Nam nên áp đặt quy định giới hạn mức trần lãi suất đối với các khoản vay tiêu dùng trong các hợp đồng cho vay tiêu dùng nhằm khắc phục tình huống bất lợi của bên đi vay khi dường như họ không có khả năng đàm phán lãi suất. Việc quy định lãi suất trần đối với các CTTC ở đây là cần thiết trong bối cảnh thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đang phát triển mạnh, có dấu hiệu lạm dụng sự tự do trong việc đưa ra lãi suất cho vay, Việt Nam nên tham khảo cách quy định của các thị trường tín dụng ở các quốc gia phát triển đối với vấn đề này.

 

Giải pháp ràng buộc nghĩa vụ pháp lý “hành vi cho vay có trách nhiệm”

Đạo luật Bảo vệ người vay tiêu dùng năm 2009 của Úc (The National Consumer Credit Protection Act 2009)[18] yêu cầu cá nhân được cấp phép hoạt động hỗ trợ, tư vấn cho vay tiêu dùng (có thể hiểu là người môi giới tín dụng) phải thực hiện các hành vi cho vay có trách nhiệm (responsible lending conducts) khi tiếp xúc, hỗ trợ người đi vay tín dụng tiêu dùng. Quy định này nhằm bảo vệ người tiêu dùng, tránh cho người đi vay tín dụng tiêu dùng giao kết các hợp đồng tín dụng không phù hợp với tình hình và khả năng tài chính của họ.

 

Theo đó, người môi giới tín dụng tham gia hoạt động hỗ trợ cho vay tiêu dùng phải được cấp phép hoạt động, họ phải cung cấp thông tin đầy đủ trước khi hỗ trợ cho vay đối với người tiêu dùng, và họ phải có trách nhiệm đánh giá sơ bộ liệu hợp đồng tín dụng định giao kết (bao gồm yếu tố lãi suất) có phù hợp với người đi vay tín dụng. Để làm được điều này, người môi giới tín dụng phải có kiến thức chuyên môn, có giấy phép hoạt động môi giới tín dụng, để thực hiện xác minh yêu cầu, mục tiêu và tình hình tài chính của người đi vay tiêu dùng (được hiểu là người tiêu dùng), đánh giá xem người tiêu dùng có phù hợp với khoản vay tín dụng, hoặc nếu hạn mức tín dụng tăng lên trong thời gian vay. Người môi giới tín dụng phải cung cấp cho người tiêu dùng một bản sao đánh giá sơ bộ nếu được yêu cầu. Hợp đồng tín dụng không phù hợp với người tiêu dùng nếu tại thời điểm đánh giá sơ bộ, có khả năng:

           (a) Người tiêu dùng sẽ không thể tuân thủ các nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng hoặc chỉ có thể tuân thủ nghĩa vụ trong các tình huống rất khó khăn (ví dụ: không thể trả nợ hay chỉ có thể trả được bằng cách bán đi các tài sản quan trọng thiết yếu như nhà ở của người tiêu dùng...) hoặc là

           (b) Hợp đồng sẽ không đáp ứng các yêu cầu hoặc mục tiêu của người tiêu dùng nếu người tiêu dùng vẫn tiếp tục hợp đồng trong khoảng thời gian đánh giá sơ bộ

 

Trong trường hợp khoản vay tín dụng là số tiền vay nhỏ (thường không vượt quá 2.000 đô la Úc hoặc thỏa mãn các yếu tố khác như thời gian khoản vay – tối thiểu là 16 ngày, tối đa không quá 365 ngày, không phải là khoản vay liên tục…), việc đánh giá sơ bộ cần phải xem xét một trong hai điều kiện sau: (1) tại thời điểm được tư vấn hỗ trợ tín dụng: (i) người tiêu dùng có phải là bên đi vay một khoản vay tín dụng nhỏ khác; và (ii) người tiêu dùng không có khả năng thanh toán đối với khoản vay tín dụng trong hợp đồng tín dụng khác đó; (2) trong khoảng thời gian 90 ngày trước thời điểm được tư vấn hỗ trợ tín dụng, người tiêu dùng đã là bên đi vay của 2 hoặc nhiều hợp đồng tín dụng với số tiền vay nhỏ khác. Sau đó, người môi giới cần đánh giá liệu người tiêu dùng chỉ có thể tuân thủ các nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng có liên quan với những khó khăn đáng kể như bán nhà ở, trừ khi người tiêu dùng chứng minh điều ngược lại.

 

Như vậy trước khi gợi ý, giúp đỡ hay ký hợp đồng, người môi giới tín dụng phải: i) cung cấp thông tin đầy đủ về giấy phép, phí tư vấn, phương thức giải quyết tranh chấp ii) Thu thập thông tin hợp lý về những yêu cầu, mục tiêu, tình hình tài chính của người vay ii) Tiến hành các bước hợp lý nhằm thẩm tra/đánh giá sơ bộ về sự phù hợp giữa người tiêu dùng và hợp đồng tín dụng định giao kết; iv) Cung cấp cho người đi vay bản sao kết quả đánh giá nếu họ yêu cầu.

Với các đánh giá sơ bộ rằng hợp đồng tín dụng, khoản vay tín dụng không phù hợp với người đi vay, người môi giới tín dụng không thể tư vấn người đi vay tiếp tục duy trì các hợp đồng tín dụng không phù hợp, người môi giới không được gợi ý vay, hỗ trợ làm hồ sơ vay hay ký hợp đồng tín dụng và cho thuê tài chính nếu không phù hợp với người đi vay. Các hành vi cho vay tín dụng vô trách nhiệm sẽ chịu các chế tài dân sự, và thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc thiết lập các quy định cho vay tín dụng có trách nhiệm đã ràng buộc các nghĩa vụ pháp lý nhất định với bên môi giới tín dụng để họ không tùy tiện tư vấn khoản vay tiêu dùng, hạn chế các tình huống giao kết hợp đồng tín dụng vượt quá khả năng trả nợ của người tiêu dùng.

Thiết nghĩ, Việt Nam nên bổ sung thêm các quy định tương tự nhằm nâng cao trách nhiệm pháp lý của bên thứ ba khi tham gia vào quá trình tư vấn tín dụng tiêu dùng. Bên thứ ba cung cấp dịch vụ này có thể là các cá nhân được cấp phép thực hiện dịch vụ môi giới tín dụng trong tương lai tại Việt Nam, họ đồng thời cũng có thể là các nhà cung cấp dịch vụ hàng hóa trực tiếp cho người tiêu dùng, hoặc là nhân viên của các công ty tài chính, các tổ chức tín dụng…Các quy định này giúp cho thị trường tín dụng tiêu dùng lành mạnh hóa hơn, chuyên nghiệp hơn, hạn chế các tình huống người đi vay tín dụng không hiểu biết về tài chính, không thể tự đánh giá khả năng trả nợ cho các khoản vay tín dụng tiêu dùng…

 

3. Đánh giá rủi ro từ điều khoản phạt vi phạm khi chậm trả và khuyến nghị

Rà soát qua một số thỏa thuận và điều khoản điều kiện vay tín dụng tiêu dùng, có những điều khoản quy định về việc cho phép phạt vi phạm khi chậm trả.

Ví dụ: “Mức phạt đầu tiên nếu Quý khách không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ bất kỳ nghĩa vụ nào của Hợp đồng kể từ ngày thứ tư (04) sau ngày đến hạn thực hiện nghĩa vụ đó, thì mức phạt là (X) đồng. Mức phạt phát sinh thêm lần 2 sau mức phạt đầu tiên nếu Quý khách
không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ bất kỳ nghĩa vụ nào của Hợp đồng kể từ ngày thứ ba mươi (30) sau ngày đến hạn thực hiện nghĩa vụ đó, thì mức phạt là (Y) đồng. Mức phạt phát sinh thêm lần 3 sau mức phạt đầu tiên & lần 2 nếu Quý khách không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ bất kỳ nghĩa vụ nào của Hợp đồng kể từ ngày thứ sáu mươi (60) sau ngày đến hạn thực hiện nghĩa vụ đó, thì mức phạt là (Z) đồng.”
[19]

Với cách quy định như ví dụ, thì việc bên đi vay chậm trả nợ và lãi vay thì sẽ bị phạt. Phạt vi phạm hợp đồng là một trong những hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng, theo đó bên vi phạm hợp đồng phải trả cho bên bị vi phạm hợp đồng một khoản tiền nhất định do pháp luật quy định hoặc do các bên thỏa thuận trên cơ sở pháp luật, nhằm kịp thời điều chỉnh và bảo vệ quyền lợi của các bên trong các quan hệ hợp đồng hợp tác thương mại. Luật TM năm 2005 quy định về phạt vi phạm như sau: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận”.[20] BLDS năm 2015 quy định “Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm”. Các quy định này cho thấy, điều kiện áp dụng phạt vi phạm là: hợp đồng phải có hiệu lực, có hành vi vi phạm hợp đồng, có thỏa thuận áp dụng phạt vi phạm.

Như vậy, phạt vi phạm là một nội dung của hợp đồng nên các thỏa thuận nhất thiết phải được ghi cụ thể trong hợp đồng để làm cơ sở giải quyết cho các bên sau này; và do các bên thỏa thuận trong nội dung trong hợp đồng. Hiện nay, theo quy định của BLDS 2015 về mức phạt vi phạm được áp dụng cho các quan hệ dân sự thì mức phạt vi phạm do các bên tự thỏa thuận,[21] theo đó mức phạt vi phạm có thể rất cao hoặc thấp, tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng.[22] Tuy nhiên, nếu quan hệ hợp đồng chịu sự điều chỉnh của Luật Thương Mại 2005, tức các quan hệ thương mại đó là “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”,[23] thì điều khoản về phạt vi phạm thì sẽ áp dụng mức phạt vi phạm tối đa là 8%.[24]

Tóm lại, với cách quy định số tiền phạt cụ thể cho các lần phạt vi phạm (X đồng, Y đồng, Z đồng) và nhiều lần phạt, thì có thể dẫn đến khả năng số tiền phạt vi phạm vượt quá mức quy định 8% phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Đây là một điều khoản có khả năng tạo ra những nghĩa vụ pháp lý đóng phạt vượt quá giới hạn quy định pháp luật mà bên đi vay có thể không nhận biết được khi giao kết, thực hiện hợp đồng, hoặc ngay cả khi vi phạm nghĩa vụ, và thực hiện đóng phạt.

3. Đánh giá rủi ro đối với việc bên đi vay chi trả các khoản phí khác liên quan đến khoản vay tín dụng tiêu dung và khuyến nghị

Nhà kinh tế học Geraint G. Howells, I. Ramsay cho rằng nhà nước can thiệp vào lãi suất vay của các TCTD có thể không đạt được mục đích bảo vệ bên yếu thế khi các tổ chức này có thể gia tăng các mức phí khác liên quan tới giao dịch vay hoặc đặt ra những biện pháp thắt chặt tín dụng, hạn chế sự tiếp cận khoản vay của bên vay.[25] Trên thực tiễn, một số CTTC đã đặt thêm các khoản phí khác đối với bên đi vay trong các hợp đồng cho vay tiêu dùng. Một trong những khoản phí khác có thể phát sinh trong hợp đồng cho vay tiêu dùng là phí trả nợ trước hạn. Phí trả nợ trước hạn được xác định bằng một tỷ lệ phần trăm của số nợ gốc còn lại tại thời điểm trả nợ trước hạn, nếu khách hàng trả nợ trước kỳ hạn phải trả cho các TCTD  một khoản lãi trả nợ trước hạn cho TCTD.  

 

Đây là một ví dụ về phí trả nợ trước hạn được quy định trong các hợp đồng cho vay tiêu dùng:Bên vay thanh toán đầy đủ khoản trả hàng tháng của kỳ có yêu cầu trả nợ trước hạn và các khoản thanh toán khác phát sinh tính đến ngày trả nợ trước hạn, cộng (+) với số tiền gốc còn lại tính từ kỳ trả nợ tiếp theo kỳ có yêu cầu trả nợ trước hạn và cộng (+) phí trả nợ trước hạn. Nếu Bên vay không đồng ý với số tiền phí trả nợ trước hạn, Bên vay phải trả toàn bộ lãi vay cho toàn bộ thời gian vay còn lại theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành.”[26]

 

Tại khoản 2 Điều 470 BLDS 2015 và Điều 18 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, pháp luật cho phép các bên được tính phí khi bên vay trả nợ trước hạn trong hợp đồng vay, lãi suất phí trả nợ trước hạn sẽ do hai bên tự thỏa thuận. Thực chất, đây được coi là khoản tiền phạt khi bên vay thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình (trả trước hạn), làm tổn thất lợi nhuận mà đáng lẽ TCTD nhận được nếu bên vay trả đúng hạn. Tham khảo một số khoản phí trả trước hạn - tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng số nợ chưa trả của một số CTTC như sau:

 

 

CTTC

Home

Credit

Fe Credit

HD Saison

Mirae

Asset

Shinhan

Phí trả trước

hạn

Thỏa thuận theo HĐTD

5% khoản vay còn lại

6% khoản vay còn lại

5%-8% số

tiền trả nợ trước hạn

1%-3% tiền nợ gốc trả

trước hạn

Bảng 2. Mức phí trả trước hạn tại một số CTTC[27]

Ngoài khoản phí trả trước, bên vay còn phải chịu thêm nhiều khoản phí khác, dụ phí công chứng, phí giao tài liệu, phí cung cấp bản sao hợp đồng, phí phát hành thư xác nhận khoản vay… Nếu cộng gộp cả với phí trả trước thì tổng số phí mà người vay thể chịu khá lớn.

 

Việc quy định cho phép các bên tự do thỏa thuận về mức lãi suất trả trước này không phù hợp, thực tế phía TCTD thể áp mức phí cao. Liên hệ cách tiếp cận của pháp luật Nhật Bản tới quy định về phí trong hợp đồng vay, thì tại Điều 3, Đạo luật hạn chế lãi suất (Interest Rate Restriction Act No. 100 of 1954) quy định rằng: Bất kể món tiền nào khác ngoài nợ gốc, dù là phần thưởng, phí giảm giá, phí hoa hồng, phí kiểm tra, hoặc dưới các tên khác, chủ nợ nhận được liên quan đến món nợ cho vay, đều được tính là lãi suất; miễn là việc này sẽ không áp dụng đối với các chi phí như chi phí giao kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng.”[28]

 

Theo các quy định này, các khoản phí sẽ nằm trong phần lãi suất mà bên vay phải trả, theo đó pháp luật hiện hành của Nhật Bản đang đứng về phía người đi vay nhằm ngăn chặn tình trạng các CTTC tính nhiều loại phí với số tiền lớn cho khách hàng của họ.

Hiện nay các CTTC tại Việt Nam được cho phép tự do làm chủ các khoản phí liên quan tới hợp đồng vay, và họ thực hiện theo hướng tách rời các loại phí và lãi suất. Đây là rủi ro bất lợi cho người đi vay tiêu dùng, khi ngoài việc trả nợ và lãi của khoản vay, người đi vay tiêu dùng còn phải trả thêm các loại phí khác liên quan đến khoản vay bên cạnh các chi phí giao kết hợp đồng. Nếu Việt Nam tiếp cận vấn đề về các loại phí vay tương tự như của Nhật Bản, bằng cách coi các khoản phí khác liên quan đến khoản vay (phí trả nợ trước hạn, phí kiểm tra…) là một phần của lãi suất mà bên vay phải trả sau đó đưa ra lãi suất trần chung (áp dụng cả phí và lãi) thì sẽ hạn chế được tình trạng các CTTC đưa ra các mức phí cao, đồng thời đưa ra các hạn mức nhất định đối với các bên trong hợp đồng cho vay tiêu dùng để giúp người đi vay xác định được rõ số tiền tối đa mà mình phải bỏ ra trong giao dịch vay này.

 

4. Đánh giá rủi ro đối với việc tham gia bảo hiểm khoản vay tiêu dùng và khuyến nghị

Nghiên cứu các giao dịch vay tiêu dùng hiện nay, hầu hết người đi vay phải trả thêm một khoản bảo hiểm đối với khoản vay, và hợp đồng bảo hiểm khoản vay được xem như là một phần trong hợp đồng cho vay tiêu dùng. Xem xét chọn mẫu Bản Điều khoản Điều kiện Cho vay[29] của Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPB FC) được xem là một phần không tách rời Hợp đồng tín dụng được ký giữa VPB FC và Bên đi vay, dễ dàng nhận thấy các điều khoản liên quan đến bảo hiểm khoản vay tiêu dùng:

Bảo hiểm dư nợ tín dụng cá nhân (“Bảo hiểm”) có nghĩa là loại hình bảo hiểm cho khoản vay của Khách hàng tại VPB FC, do Công ty Bảo hiểm cung cấp.

Phí Bảo Hiểm: là số tiền phí Khách hàng phải thanh toán cho Công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm dư nợ tín dụng cá nhân theo quy định của Công ty bảo hiểm. VPB FC sẽ cho Khách hàng vay tiền để thanh toán Phí Bảo Hiểm và Phí Bảo Hiểm được VPB FC đại diện Khách hàng thanh toán cho Công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm dư nợ tín dụng.” Trên thực tiễn, khi người đi vay muốn vay X đồng, thì thực tế người đi vay được giải ngân là (X đồng - phí bảo hiểm).

Phạm vi của bảo hiểm Trong thời hạn bảo hiểm, Công ty bảo hiểm sẽ chi trả khoản dư nợ gốc còn lại tại ngày phát sinh Sự kiện bảo hiểm và khoản lãi phát sinh từ ngày trả lãi gần nhất theo lịch biểu trả nợ đến ngày phát sinh Sự kiện bảo hiểm ngoại trừ: a. Các khoản trả nợ vay hàng tháng và lãi cộng dồn phải trả theo lịch biểu trả nợ trước ngày phát sinh Sự kiện bảo hiểm mà Người được bảo hiểm không trả; b. Bất kỳ các khoản phạt phát sinh, theo quy định của HĐ này do việc không trả nợ của Người được bảo hiểm cho Người thụ hưởng cho các sự kiện bảo hiểm sau đây xảy ra nếu không thuộc điểm loại trừ: - Người Được Bảo Hiểm tử vong; - Người Được Bảo Hiểm bị Thương tật toàn bộ vĩnh viễn; - Người Được Bảo Hiểm bị Mất tích.

Các bên tham gia vào quan hệ bảo hiểm dư nợ tín dụng cá nhân gồm Công ty bảo hiểm, Bên mua bảo hiểm (đồng thời là người được bảo hiểm): là khách hàng vay tiêu dùng, và Đại lý bảo hiểm (đồng thời là người thụ hưởng): VPB FC.

Ngoài tư cách là người thụ hưởng lợi ích bảo hiểm, CTTC còn là đại lý bảo hiểm, CTTC sẽ nhận thêm một khoản hoa hồng đại lý bảo hiểm từ Công ty bảo hiểm đối với hợp đồng bảo hiểm dư nợ tín dụng cá nhân. Về bản chất khoản hoa hồng đại lý bảo hiểm được trích từ khoản phí bảo hiểm mà người vay tiêu dùng phải trả cho hợp đồng bảo hiểm dư nợ tín dụng cá nhân đính kèm theo hợp đồng vay tiêu dùng. Như vậy, CTTC nhận thêm được lợi ích khi người đi vay mua bảo hiểm tín dụng khoản vay.

Khi người vay muốn vay X đồng, thì thực tế được giải ngân là (X đồng - phí bảo hiểm), nhiều trường hợp bên đi vay không muốn tham gia bảo hiểm cho khoản vay tiêu dùng, nhưng cũng đành phải mua bảo hiểm tín dụng khoản vay để được vay tín dụng. Khoản phí bảo hiểm thường được các CTTC tự động cho vào danh mục bảng phí, thậm chí tự động tính phí này khi bên vay tham gia khoản vay. Hậu quả là nhiều khách hàng đi vay than phiền khi bị làm khó như kéo dài quá trình giải ngân khoản vay cho khách hàng, hoặc cho vay với lãi suất cao hơn mặc dù phía bên cho vay cho rằng mình chỉ giới thiệu các sản phẩm bảo hiểm tới khách hàng chứ không hề ép họ.[30]

Tại Úc,  trong một phán quyết của Tòa án Liên bang Úc vào ngày 19/02/2015, bên cho vay tự ý bán bảo hiểm cho bên vay, Tòa án đã tuyên mức phạt cao nhất 1,1 triệu đô la Úc do vi phạm điều 12CB Đạo luật Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Úc năm 2001 (Australian Securities And Investments Commission Act 2001)[31] đối với hành vi bán bảo hiểm cho khách hàng một cách vô lương tâm (unconscionable conduct) của hai CTTC - The Cash Store Pty Ltd (TCS) và Assistive Finance Australia Pty Ltd (AFA) trong vụ án.[32]

Theo định nghĩa của luật, một hành vi có thể bị xem là vô lương tâm nếu nó thực sự hà khắc, nhẫn tâm hay mang tính áp bức, để được coi là vô lương tâm, hành vi phải có cái gì đó hơn chỉ đơn giản là bất công hay vô lý; nó phải thách đố lương tâm (good conscience) vốn được coi chuẩn mực ứng xử chung của xã hội.

Trong vụ án này, khi cho khách hàng vay, TCS đồng thời bán kèm hợp đồng bảo hiểm khoản vay được giới thiệu là một phương án bảo đảm trả nợ. Nhờ thế TCS kiếm được 1,3 triệu đô la Úc phí tiếp thị, phân phối và hoa hồng trong tổng doanh thu bảo hiểm là 2,28 triệu đô la Úc. Tòa cho rằng việc bán bảo hiểm như thế là hành vi vô lương tâm, vì khách hàng chỉ vay với thời hạn rất ngắn và gói bảo hiểm hoàn toàn vô ích cho những người thất nghiệp. Tòa cũng lưu ý rằng công ty đã khuyến khích nhân viên bán bảo hiểm mà không giải thích rõ ràng chi tiết về hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng, các khách hàng được thông báo rằng một phương án bảo đảm trả nợ đã được sắp xếp cho họ, và việc bán bảo hiểm như thông báo rằng đây là một phương án bảo đảm trả nợ và khách hàng chấp thuận bất kể khách hàng không thực sự cần hoặc chỉ vay trong một khoảng thời gian rất ngắn. Ngoài ra, tòa án cũng kết luận rằng CTTC đã không thể đưa ra đánh giá sơ bộ gồm các yêu cầu hợp lý về tình hình tài chính của khách hàng bao gồm các khoản chi phí cố định và biến đổi và các khoản nợ khác, ở mức thu nhập tối thiểu và các khoản thanh toán tiền thuê hoặc thế chấp.

Hiện nay tại Việt Nam, cụ thể, theo Điều 3 Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN về hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, các tổ chức tín dụng chỉ dưới vai trò cung cấp thông tin về các khoản phí bảo hiểm và giới thiệu tới người vay, việc mua bảo hiểm khoản vay phụ thuộc vào lựa chọn của bên vay một cách tự nguyện. Khuôn khổ pháp luật của nước ta vẫn chưa đề cập tới chế tài áp dụng khi bên cho vay là tổ chức tín dụng tự ý bán bảo hiểm cho người vay mà không theo nhu cầu của khách hàng.

 

Do đó, trong thời gian tới  cần kịp thời các nhà làm luật cần hoàn thiện các chế tài xử phạt hành vi tự ý bán bảo hiểm của các tổ chức tín dụng. Theo đó, Việt Nam có thể tham khảo quan điểm của Úc và quy định rõ nghĩa vụ của các TCTC phải cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm bảo hiểm khoản vay, không được áp đặt việc mua bảo hiểm khoản vay đối với bên đi vay và các chế tài xử phạt hành vi vi phạm. Thông qua việc bổ sung các chế tài xử phạt, điều này sẽ giúp cho thị trường bán bảo hiểm khoản vay trở nên lành mạnh hơn, có đủ sự răn đe để bảo vệ quyền hợp pháp của người đi vay tín dụng.

 

Tóm lại, hợp đồng cho vay tiêu dùng là hợp đồng theo mẫu, do đó  trước khi áp dụng các hợp đồng vay vốn cá nhân, các CTTC phải đăng ký và được cơ quan bảo vệ người tiêu dùng ở trung ương hoặc địa phương chấp nhận mới được áp dụng ký kết với người tiêu dùng. Mặc dù quy định đăng ký mẫu hợp đồng có thể giúp các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng kiểm soát tốt hơn các mẫu hp đồng vay vốn cá nhân của các CTTC, các TCTD nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều các điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng hoặc các điều khoản có khả năng vi phạm quy định pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, các quy định pháp luật khác.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, khi có nhu cầu vay tiền, người tiêu dùng cần lưu ý trước khi ký hợp đồng cần tham khảo các hình thức tín dụng tại các ngân hàng, tại các CTTC, và lựa chọn các TCTD có uy tín. Người tiêu dùng phải đọc thật kỹ hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn làm rõ nội dung hợp đồng, các điều khoản hay điều kiện giao dịch chung của khoản vay, đặc biệt lưu ý các điều khoản vể lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt. Người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng khi cung cấp các thông tin cá nhân của mình cho nhân viên của các CTTC hay bên môi giới cung cấp dịch vụ hỗ trợ khoản vay tiêu dùng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, có những vấn đề chưa được làm rõ hoặc giải quyết, người tiêu dùng cần phản ánh tới bên thứ ba (các hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các Sở Công Thương trên địa bàn hoặc Cục Quản lý cạnh tranh) để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Bộ luật Dân sự 2015

2.     Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 

3.     Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) 2010

4.     Luật Thương mại 2005

5.     Nghị định 39/2014/NĐ-CP về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính

6.     Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của CTTC.

7.     Đạo luật hạn chế lãi suất Nhật Bản 1954

8.     Đạo luật Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Úc 2001

9.     Đạo luật Bảo vệ người vay tiêu dùng năm 2009 của Úc

10.  Nguyễn Văn Cừ và Trần Thị Huệ, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Công an nhân dân, 2017.

11.  Asia Focus, Japan’s new consumer finance law, 2/2007, https://www.frbsf.org/banking/files/AsiaFocus-Feb07.pdf.

12.  Kazutoshi Sugimura, Masaru Itatani, Masaki Bessho, Scope of Maximum Interest Rate Regulation, 8/3/2017, https://www.boj.or.jp/en/research/wps_rev/lab/lab17e01.htm/

13.  Hồng Anh, Cơ hội tăng tốc cho vay tài chính tiêu dùng, Báo Nhân dân điện tử, 25/03/2021, https://nhandan.vn/nhan-dinh/co-hoi-tang-toc-cho-vay-tai-chinh-tieu-dung-639674/

14.  Maimbo, Samuel Munzele; Henriquez Gallegos, Claudia Alejandra,  “Interest Rate Caps around the World : Still Popular, but a Blunt Instrument”, Policy Research Working Paper; No. 7070. World Bank Group, Washington, DC, 2014.

15.  Geraint G.Howells, Thomas Wilhelmsson, “Handbook of Research on International Consumer Law”, 2nd ed, (2018), Nxb. Edward Elgar.

 

 



[1] Khoản 16 Điều 4 Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) 2010.

[2] Điều 9 Nghị định 39/2014/NĐ-CP về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính thì: Công ty tài chính được cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định 39/2014/NĐ- CP.

[3] Khoản 1 Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của CTTC.

[4] Hồng Anh, Cơ hội tăng tốc cho vay tài chính tiêu dùng, Báo Nhân dân điện tử, 25/03/2021, https://nhandan.vn/nhan-dinh/co-hoi-tang-toc-cho-vay-tai-chinh-tieu-dung-639674/, truy cập ngày 20/07/2021.

[5] Hồng Anh, Báo Nhân dân điện tử, Tlđd.

[6] Ngày 20 tháng 8 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2012/QĐ-TTg, trong đó, bổ sung dịch vụ vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng) vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

[7] Điều 406 Bộ luật Dân sự 2015 về Điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng thì “Điều kiện giao dịch chung là những điều khoản ổn định do một bên công bố để áp dụng chung cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng; nếu bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thì coi như chấp nhận các điều khoản này”.

[8] Khoản 2, Điều 7. Áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng: 2. Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, Tòa án áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định lãi, lãi suất.

[9] Tổng hợp từ các trang web của 5 CTTC: Home Credit, Fe Credit, HD Saison, Shinhan, Mirae Asset, cập nhật dựa vào thông tin công bố đến 07/2021.

[10] The bank, “So sánh lãi suất vay tiêu dùng cá nhân tại các ngân hàng”, https://thebank.vn/vay-tin-chap/hinh- thuc-vay/vay-tieu-dung-ca-nhan-2.html, truy cập ngày 20/07/2021.

[11] Lãi suất vay tiêu dùng có quá cao?, https://fecredit.com.vn/taichinh/lai-suat-vay-tieu-dung-co-qua-cao/

[12] Lãi vay tiêu dùng cao ngất ngưởng, https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/lai-vay-tieu-dung-cao-ngat- nguong-1063426.html, truy cập ngày 20/07/2021.

[13] Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 : "1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất."

[14] Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định:"Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”

[15]Maimbo, Samuel Munzele; Henriquez Gallegos, Claudia Alejandra,  “Interest Rate Caps around the World : Still Popular, but a Blunt Instrument”, Policy Research Working Paper; No. 7070. World Bank Group, Washington, DC, 2014. Bài nghiên cứu có thể tham khảo tại:

https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/20494.

[16] Geraint G.Howells, Thomas Wilhelmsson, “Handbook        of Research on International Consumer       Law”, 2nd ed, (2018), Nxb. Edward Elgar, bản sách có thể tham khảo tại: https://bitly.com.vn/pbdezg.

[17] Asia Focus, Japan’s new consumer finance law, 2/2007, https://www.frbsf.org/banking/files/AsiaFocus-Feb07.pdf, truy cập ngày 20/07/2021.

[18] Đạo luật Bảo vệ người vay tiêu dùng năm 2009 của Úc - National Consumer Credit Protection Act 2009, https://www.legislation.gov.au/Details/C2017C00196.

[19] Hỏi đáp về khoản vay tiêu dùng/ vay trả góp tại Home Credit, https://www.homecredit.vn/pdf/faq_contact.pdf, truy cập ngày 20/07/2021.

[20] Điều 300 Luật Thương mại 2005

[21] Khoản2 điều 418 Bộ luật Dân sự 2015

[22] Nguyễn Văn Cừ và Trần Thị Huệ, Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2015, Nxb. Công an nhân dân, 2017,  tr.643.

[23] Khoán 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005.

[24] Điều 301 Luật Thương mại năm 2005.

[25] Geraint G.Howells, Thomas Wilhelmsson, Tlđd.

[26] Xem Bản Điều khoản Điều kiện Cho vay của Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPB FC) công bố công khai tại website: https://fecredit.com.vn/wp-content/uploads/2021/01/TC-Loan-201124.pdf, truy cập ngày 20/07/2021.

[27] Tổng hợp từ các khung lãi suất, phí của 4 công ty tài chính: Fe Credit, HD Saison, Mirae Asset, Shinhan.

[28] Kazutoshi Sugimura, Masaru Itatani, Masaki Bessho, Scope of Maximum Interest Rate Regulation, 8/3/2017, https://www.boj.or.jp/en/research/wps_rev/lab/lab17e01.htm/. Toàn văn Đạo luật hạn chế lãi suất có thể tham khảo tại: http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail_main?re=&vm=02&id=2134, truy cập ngày 20/07/2021.

[29] Xem Bản Điều khoản Điều kiện Cho vay của Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPB FC) công bố công khai tại website: https://fecredit.com.vn/wp-content/uploads/2021/01/TC-Loan-201124.pdf, truy cập ngày 20/07/2021.

[30] Kim Lan, “Người đi vay bắt buộc phải mua bảo hiểm?”, https://tinnhanhchungkhoan.vn/nguoi-di-vay- khong-bat-buoc-phai-mua-bao-hiem-post255137.html, truy cập ngày 28/04/2021.

[31] Toàn văn Đạo luật Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Úc năm 2001:

https://www.legislation.gov.au/Details/C2018C00438.

[32] Toàn văn phán quyết ASIC v The Cash Store Pty Ltd (in liq) [2014] FCA 926 xem tại http://www6.austlii.edu.au/cgi-bin/viewdoc/au/cases/cth/FCA/2014/926.html, truy cập ngày 20/07/2021.


NGUON: Tạp chí Ngân hàng, Số 23, 2021/12

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

KHÁI NIỆM DỮ LIỆU CÁ NHÂN VÀ GÓC NHÌN TỪ GDPR

Quyền được lãng quên từ thực tiễn phán quyết trong phạm vi Liên minh Châu Âu

Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Nghị định mới, tấm khiên mới