Giải pháp nhận diện rủi ro từ khách hàng trong hoạt động rửa tiền tại các ngân hàng thương mại ở Việt Nam
GIẢI PHÁP NHẬN DIỆN RỦI RO TỪ KHÁCH HÀNG TRONG HOẠT
ĐỘNG RỬA TIỀN TẠI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM
Bạch Thị Nhã Nam
Giảng viên Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc
gia Thành phố Hồ Chí Minh
Email: nambtn@uel.edu.vn
Tạp chí Kiểm sát số 17/2021
Tóm tắt:
Tại Việt Nam, hoạt động rửa
tiền thông qua hoạt động của ngân hàng thương mại thuộc vào nhóm có
nguy cơ rửa tiền ở mức cao. Do đó, việc tăng cường các giải pháp
ngăn ngừa hoạt động rửa tiền thông qua ngân hàng thương mại là việc làm cấp
bách giúp đảm bảo môi trường tài chính lành mạnh, an toàn cho khách hàng, Ngân
hàng thương mại và thúc đẩy hoạt động quản lý thị trường tín dụng tại Việt Nam
cũng như góp phần phòng chống tội phạm rửa tiền. Bài viết đưa ra giải pháp nhận
diện rủi ro từ khách hàng trong việc rửa tiền trong quá trình khách hàng thiết
lập giao dịch với ngân hàng thương mại và khuyến nghị cho các ngân hàng thương mại
xây dựng bộ tiêu chí nhận diện, đánh giá rủi ro phù hợp.
Từ khóa: rửa tiền, tội phạm, phòng chống…
1.
Khái niệm rửa tiền và quá
trình xây dựng quy định pháp luật phòng chống rửa tiền tại Việt Nam
Khái niệm rửa
tiền xuất hiện và được sử dụng lần đầu tiên trong
vụ bê bối chính trị Watergate năm 1973,
thuật ngữ rửa tiền được định nghĩa như sau: “Rửa tiền là hoạt động
đưa tiền bẩn hoặc tiền bất hợp pháp
vào một vòng các giao dịch, nhằm mục đích
sau cùng của chuỗi hoạt động giao dịch thì tiền thu được là hợp pháp hay tiền sạch”.
Nói cách khác, nguồn gốc của những khoản tiền kiếm được một cách bất hợp pháp được làm lu mờ
đi thông qua một chuỗi sự chuyển đổi hoặc giao dịch sao cho những khoản tiền đó
là những khoản thu hợp pháp.[1]
Theo từ điển Black's Law Dictionary
của Bryan A. Garner, rửa tiền là là hành vi chuyển tiền có được một cách bất
hợp pháp thông qua những người hoặc tài khoản hợp pháp để không thể truy xuất
được nguồn gốc của nó.[2]
Các giao dịch để biến tiền bẩn thành tiền sạch được Bryan A. Garner cụ
thể hóa bằng chủ thể và phương thức thực hiện các giao dịch. Cụ thể, quy trình
hợp thức hóa tiền bất hợp pháp được tiến hành
qua những cá nhân và
tài khoản hợp pháp. Trong định nghĩa của Bryan A. Garner, yếu tố hợp pháp không chỉ là đích
đến cuối cùng của quá trình rửa tiền, mà chủ thể và kỹ thuật rửa tiền là những
đối tượng được pháp luật công nhận.
Công ước Liên Hợp quốc về chống buôn
bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần 1988 (Công ước Viên 1988) là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên ghi nhận về hành vi
rửa tiền trên cơ sở gắn với hoạt
động tội phạm ma túy và các chất hướng thần, và hoạt động rửa tiền là tội phạm hình
sự. [3] Vào năm
2000, Liên hợp
quốc đã thông qua Công ước về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia
năm 2000 (sau đây gọi là Công ước Palermo 2000), trong đó có quy định những
hành vi bị coi là tội phạm rửa tiền:[4]8
Chuyển đổi hay chuyển giao tài sản, dù
biết rằng những tài sản này do phạm tội mà có, nhằm che đậy hoặc che giấu nguồn
gốc bất hợp pháp của tài sản hoặc nhằm giúp đỡ bất cứ người nào liên quan đến việc thực hiện một hành vi vi phạm nguồn lẩn tránh những hậu quả pháp lý do hành vi của
người đó gây ra; Che đậy hoặc che dấu bản chất thực sự, nguồn gốc, địa điểm,
việc chuyển nhượng, chuyển dịch hoặc quyền sở hữu hay những quyền đối với tài
sản do phạm tội mà có; Có được, chiếm hữu, sử dụng tiền,
tài sản mà tại thời điểm tiếp nhận
đã biết được rằng tiền, tài sản này có nguồn gốc từ tội phạm. Công ước Palermo đặt ra nhiệm vụ đối
với các quốc gia thành viên phải hình sự hóa những hành vi hợp pháp hóa tài sản do phạm tội mà có khi chúng được thực hiện một
cách cố ý bằng cách ban hành pháp luật hoặc những biện pháp cần thiết. So với Công
ước Viên 1988, Công ước Palermo mở rộng phạm vi đối với tài sản có nguồn gốc tội
phạm sang tất cả các tội phạm, không còn giới hạn ở tội phạm liên quan đến ma túy và các chất hướng thần. Mặc dù có sự
mở rộng phạm vi của tội phạm nguồn nhưng cả hai Công ước đều thể hiện được các
yếu tố để đánh giá một hành vi có phải là rửa
tiền hay không.
Nhận dạng hoạt động rửa tiền trong
các Công ước của Liên Hợp quốc là tiền đề để các quốc gia thành viên tiến hành
nội luật hóa các quy định của Công ước trong hệ thống pháp luật về phòng chống
rửa tiền, thiết lập các cơ chế phòng chống và xử lý hoạt động rửa tiền. Mặc dù có sự khác biệt về văn hóa, chính trị cũng như quan điểm
lập pháp, nhưng các là thành viên đều lấy các Công ước làm gốc trong quá trình
xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia.
Pháp luật tại Anh đã hình sự hóa tội
phạm rửa tiền, theo đó một người được xem là phạm tội rửa tiền nếu trực tiếp
tham gia hoặc liên quan đến việc thực hiện các hành vi: che giấu, ngụy tạo, chuyển
đổi, chuyển giao tài sản phạm tội, xóa bỏ tài sản phạm
tội khỏi lãnh thổ nước Anh và xứ Wales hoặc Scotland hoặc Bắc Ireland mà biết
hoặc nghi ngờ rằng việc mình đang làm đang tạo điều kiện cho việc mua, chiếm giữ, sử dụng, kiểm soát các tài sản có
nguồn gốc tội phạm hoặc nhân danh người khác.[5]
Và chỉ không bị coi là phạm tội nếu người này thực hiện hành vi theo ủy quyền thích hợp,[6]
thực hiện hành vi theo chức năng nhiệm vụ của đạo luật Proceeds of Crime 2002
và những quy định khác liên quan đến hành vi phạm tội hoặc thu lợi từ hành vi phạm
tội.[7]
Theo quy định của Bộ luật Hình sự
Đức,[8]
một người được bị kết tội rửa tiền và phải
chịu những hình phạt nếu che giấu nguồn gốc, cản trở hoặc gây khó khăn cho cho
việc xác định nguồn gốc, tịch thu hoặc thu giữ một vật có nguồn gốc tội phạm.
Tại
Việt Nam, tội rửa tiền được ghi nhận lần đầu trong Bộ luật
Hình sự 1999 dưới quy định tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có. Mặc dù có sự khác
biệt dưới góc độ ngôn ngữ, về bản chất, hành vi và mục đích được mô tả trong cấu thành tội phạm hoàn toàn trùng khớp với bản chất của
hoạt động rửa tiền. Khái niệm về rửa tiền chính thức được ghi nhận lần đầu tiên trong Nghị định Chính
phủ số 74/2005/NĐ-CP ngày 07/06/2005 về phòng, chống rửa tiền. Theo đó, rửa
tiền là hành vi của cá nhân, tổ chức tìm
cách hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có bằng cách tham gia trực tiếp,
gián tiếp vào một giao dịch liên quan đến tiền, tài sản đó; thu nhận, chiếm giữ, chuyển
dịch, chuyển đổi, chuyển nhượng,
vận chuyển, sử dụng, vận chuyển qua biên giới tiền, tài sản; đầu tư vào một dự án, công trình góp
vốn vào một doanh nghiệp hoặc tìm cách khác che đậy, ngụy trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất thật
sự hoặc vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản đó.
So với tội phạm rửa tiền trong hai Công ước, khái niệm về rửa tiền trong quy định trên vẫn thể hiện mô típ là sự hợp pháp hóa tiền, tài sản có
nguồn gốc bất chính từ tội phạm nhưng đã liệt kê cụ thể các phương thức hợp
thức hóa. Tiền, tài sản có nguồn gốc tội phạm là đối tượng của các giao dịch, của các hoạt động
làm biến đổi về nguồn
gốc, vị trí, quyền sở hữu, là phương tiện đầu tư trong các dự án và doanh nghiệp. Tuy nhiên, khái niệm này chưa tạo ra sự thống nhất với quy
định pháp luật hình sự về tội rửa tiền trong
Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009. Nỗ lực phòng
chống rửa tiền được tiếp tục thúc đẩy và ghi nhận trong Luật phòng, chống rửa tiền 2012 được Quốc
hội ban hành ngày 18/06/2012. Luật này quy định khái niệm rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp
hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm: hành vi được quy định
trong Bộ luật hình sự; trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm
nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do
phạm tội mà có; chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài
sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.[9]
Bộ
luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự 2015) quy định
cá nhân sẽ chịu trách nhiệm hình sự nếu tham gia gián tiếp, trực tiếp vào các giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác để
che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do phạm tội mà có; sử dụng
tiền, tài sản do phạm tội mà
có để thực hiện các hoạt động kinh doanh hoặc các hoạt động khác; che giấu thông tin về nguồn
gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh thông tin đó.[10]
Nhìn
chung, pháp luật Việt Nam đã ghi nhận
khái niệm rửa tiền hài hòa với các quy định quốc tế và pháp luật các quốc gia
trên thế giới. Rửa tiền được mô tả bằng những hành vi cụ thể: che giấu, di chuyển, chuyển đổi, chuyển nhượng, sử dụng tiền,
tài sản có được do hành vi phạm tội nhằm che giấu nguồn gốc, bản chất bất hợp
pháp. Về
phạm vi xác định tội phạm nguồn của tội rửa tiền, Công ước Palermo
2000 và pháp luật Việt Nam
đều quy định tội phạm được xác định theo hướng rộng nhất, tội phạm nguồn là tội phạm
được quy định trong Bộ luật Hình sự và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành
đối tượng của tội rửa tiền.[11] Khi xem xét
cấu thành tội phạm trong Bộ luật Hình
sự Việt Nam thì đều là cấu thành
tội phạm hình thức, mặt khách quan không quy định
hậu quả và mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả, người thực hiện hành vi sẽ được coi là
tội phạm khi thực hiện hành vi mà ngay cả khi hậu quả chưa xảy ra.
Ngày 30/04/2019, Chính phủ đã ban
hành Quyết định số 474/QĐ-TTg Ban hành kế hoạch hành động, giải quyết rủi ro
rửa tiền tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 – 2020, đồng thời phê duyệt Báo cáo
tóm tắt đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017. Báo cáo đã ghi nhận mức độ đánh giá rủi ro quốc gia của Việt Nam về rửa tiền ở mức trung
bình thấp, tuy nhiên, rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố trong lĩnh vực ngân
hàng được đánh giá ở mức cao. Điều này đặt Chính phủ đứng trước thách thức phải
ban hành kế hoạch hành động quốc gia phù hợp để đối phó với rủi ro từ hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng
bố, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt
Nam. Do đó, sự
bổ sung đổi mới trong quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền hệ thống các NHTM cần được xem xét thận trọng và toàn
diện.
2.
Hoạt động rửa
tiền qua ngân hàng thương mại và nghĩa vụ pháp lý phòng chống rửa tiền phòng
chống rửa tiền của ngân hàng thương mại
Ngân
hàng thương mại là một tổ chức tín dụng với
đặc thù hoạt động kinh doanh, ngân hàng thương mại là khu vực tập trung số
lượng lớn tiền mặt và các tài sản tài chính, do đó, đây là lĩnh vực thu hút sự
chú ý của các đối tượng rửa tiền. Tại Việt Nam, theo báo cáo tóm tắt đánh giá
rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 của NHNN (gọi tắt là Báo cáo), Ngân hàng thuộc vào
nhóm có nguy cơ rửa tiền ở mức cao.[12] Kết quả đánh giá rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân
hàng dựa trên các thống kê mức độ an toàn của hệ thống ngân hàng trong giao
dịch, tình hình hoạt động của tội phạm rửa tiền có liên quan đến ngân hàng. Theo đó, thống
kê của Cục phòng, chống rửa tiền (AMLD) về báo cáo giao dịch đáng ngờ, số lượng
giao dịch đáng ngờ qua các ngân hàng chiếm trên 90%, cao hơn so với các lĩnh
vực khác. AMLD cho biết, từ năm 2012 – 2017, có đến 7.285 báo cáo giao dịch đáng ngờ
thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực ngân hàng là hơn 6.000 báo cáo.[13]29
Dòng tiền đi qua các NHTM rất nhiều, cả đầu vào và đầu ra nên các đối tượng rửa
tiền đã tận dụng đặc điểm này để chuyển đổi từ tiền bẩn thành tiền sạch qua các
nghiệp vụ của ngân hàng.
Đối tượng của hoạt động rửa tiền qua
NHTM là tiền có nguồn gốc từ các tội phạm nguồn. Bộ luật Hình sự 2015 không
giới hạn phạm vi tội phạm nguồn của hoạt động rửa tiền, báo cáo đã liệt kê 17
tội phạm nguồn chính của hoạt động rửa tiền, có thể kể đến một số tội phạm như:
tội phạm về tham nhũng (tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản); tội đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, tội phạm tàng trữ, vận
chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, tội trốn thuế... Có thể thấy tội phạm nguồn của hoạt động rửa tiền qua NHTM được đề cập trong Báo cáo chủ yếu là
những tội phạm mà mục đích cuối cùng là hướng đến tiền, tài sản, khi bị truy tố
thì việc tịch thu tài sản liên quan đến tội phạm đó là biện pháp chế tài đương nhiên.
Luật
các Tổ chức
tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010 của Quốc hội, sửa đổi bổ sung bởi Luật số 17/2017/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2017
của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định trách nhiệm phòng chống
rửa tiền của tổ
chức tín dụng như sau: Không che giấu,
thực hiện các hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền khi đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp; Xây
dựng quy định nội bộ
về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; thực hiện
các biện pháp phòng chống
rửa tiền, tài trợ khủng bố; hợp tác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong điều tra rửa tiền, tài
trợ khủng bố.[14]
Theo đó, NHTM phải báo cáo đến cơ
quan nhà nước có thẩm quyền khi có bằng chứng xác định nguồn tiền là bất hợp
pháp, bằng chứng này có thể do NHTM thu thập được thông qua đánh giá các rủi ro
khách hàng, nhận biết các giao dịch đáng ngờ, giao dịch có giá trị lớn bất
thường, giao dịch phức tạp,… hoặc bằng chứng từ cơ quan có thẩm quyền. Mặc dù pháp luật có những quy định về các biện pháp phòng chống rửa tiền,
nhưng các NHTM vẫn phải tự thiết kế cho mình quy định nội bộ về phòng chống
rửa tiền dựa trên quy định của luật, khẩu vị rủi ro và các kế hoạch chiến lược đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh. Quy định
nội bộ về phòng chống rửa tiền phải đảm bảo đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định pháp luật38 và được gửi cho NHNN sau khi ban
hành.[15]
NHTM thực hiện trách nhiệm phòng
chống rửa tiền ở hai giai đoạn: trước khi thiết lập giao dịch và sau khi thiết lập giao dịch với khách hàng. Ở giai đoạn trước khi thiết
lập giao dịch. NHTM phải thực hiện các biện pháp nhận biết khách hàng, đánh giá rủi ro khách hàng, phân loại khách hàng theo các nhóm rủi ro dựa trên quy định pháp
luật và quy định nội bộ. NHTM thực hiện thông qua việc kiểm tra thông tin, đối chiếu
với các cơ sở dữ liệu để đánh giá rủi ro và quyết định có chấp nhận giao dịch
hay không. Sau khi thiết lập giao dịch, NHTM phải luôn theo dõi, cập nhật thông
tin khách hàng, đánh giá rủi ro rửa tiền của các giao dịch nhằm phát hiện các
giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ và báo cáo với NHNN khi cần thiết. Nhận biết
khách hàng, đánh giá các rủi ro giao dịch đối với mỗi đối tượng khách hàng khác
nhau sẽ được các NHTM áp dụng các biện pháp khác nhau. Việc không tuân thủ các quy định về trách nhiệm phòng chống rửa tiền sẽ ràng buộc cho các NHTM trách nhiệm pháp lý.
Theo
quy định tại Nghị định số 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/11/2019 quy định về xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, NHTM sẽ bị phạt tiền đối
với những hành vi như không cập nhật thông tin khách hàng, không xây dựng các
quy trình quản lý rủi ro các giao dịch, quy
định về phân loại khách hàng, không có quy định nội bộ hoặc quy
định nội bộ về AML không đầy đủ nội dung,…
3. Đề xuất giải pháp nhận diện rủi ro khách hàng
trong việc phòng chống rửa tiền của ngân hàng thương mại
Trong các quan hệ dân sự, các bên thực hiện giao dịch luôn tìm hiểu thông tin về bên
còn lại để xác minh chủ thể thực hiện giao dịch có đáp ứng đầy đủ các điều kiện, thẩm
quyền để ký kết giao dịch hay không. Một trong những giải pháp để ngăn
ngừa rửa tiên thông qua NHTM đó là việc phân loại và nhận diện rủi ro của khách
hàng trong việc rửa tiền khi NHTM thiết lập giao dịch với khách hàng, từ trước, trong và sau khi
kết thúc quan hệ với khách hàng. Do đó, trước khi tiến hành thiết lập giao
dịch hoặc mở tài khoản đối với khách hàng mới, NHTM phải tiến hành định danh
khách hàng – Know your customers (gọi tắt là KYC).[16]
KYC là cơ sở để xác định danh tính,
đo lường mức độ rủi ro và khả năng NHTM có thể chấp nhận rủi ro của khách hàng.
Các thông tin cơ bản mà NHTM phải yêu cầu khách hàng cung cấp bao gồm các thông
tin về nhân thân, cư trú đối với cá nhân, thông tin xác thực tư cách pháp lý
đối với khách hàng là tổ chức.[17]
Ngoài ra, cần phải thu thập thêm các
thông tin về thu nhập trong vòng ít nhất 03 tháng gần nhất, thông tin về nơi
làm việc của cá nhân, ngành nghề mang lại doanh thu chính, tổng doanh thu trong
hai năm gần nhất, thông tin của những người điều hành, thông tin người đại diện
theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền nếu có.[18] Sự thay đổi các thông tin KYC
dẫn đến sự biến đổi về rủi ro, các rủi ro khách hàng có thể gia tăng hoặc giảm
trong suốt quá trình thực hiện giao dịch với NHTM. Khi có sự thay đổi các thông
tin làm thay đổi mức độ rủi ro, NHTM sẽ kịp thời điều chỉnh các biện pháp xác minh, KYC phù hợp với từng đối tượng.
Việc KYC không chỉ dừng lại ở việc
xác định danh tính của người trực tiếp thực hiện giao dịch. Vì trên thực tế, có
nhiều giao dịch thực hiện với NHTM và khách hàng nhưng vì mục đích cuối cùng để
đảm bảo quyền lợi của người thứ ba: như quan hệ bảo lãnh ngân hàng, đồng chủ
tài khoản... Do đó, pháp luật đặt ra yêu cầu về thông tin của chủ sở hữu hưởng lợi.
Chủ sở hữu hưởng lợi là những người sở hữu thực tế một tài khoản hoặc một giao
dịch: chủ tài khoản, đồng chủ tài khoản
hoặc người thực tế chi phối các giao dịch liên quan đến tài khoản hoặc chi phối
chủ tài khoản.[19] Chủ sở hữu hưởng lợi không
phải là người sở hữu tài khoản, nhưng chi phối các hoạt động của tài
khoản nhằm tạo ra những khoản lợi ích cho mình, thông thường trên thực tế việc
chi phối này được sự đồng ý của chủ tài khoản như trường hợp mở tài khoản đứng
tên người khác, cho mượn thẻ có liên kết với tài khoản…Chủ sở hữu hưởng lợi còn
xuất hiện trong các giao dịch giữa NHTM và pháp nhân, tổ chức. Họ là những người có quyền chi phối, kiểm soát thực tế pháp nhân, các nhân nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp 25%
vốn điều lệ trở lên của pháp nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân.[20]
Chủ sở hữu hưởng lợi là người có quyền chi phối một ủy thác đầu tư, thỏa thuận
ủy quyền.[21] Quy định này được bổ sung phù
hợp với sự thay đổi các cấu trúc giao dịch hiện nay, đa số được thực hiện dưới
hình thức ủy thác, ủy quyền. Thông tin để nhận biết chủ sở hữu hưởng lợi bao
gồm các thông tin để KYC quy định tại điều 4 Nghị định 116/2013/NĐ-CP.
Sau khi thực hiện KYC, NHTM sẽ tiến
hành phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro (CDD). Các yếu tố để CDD khách hàng bao
gồm: loại khách hàng, loại sản phẩm dịch vụ, vị trí địa lý nơi khách hàng cư
trú hoặc có trụ sở chính.[22]
Căn cứ đặc điểm khách hàng, NHTM có thể phân nhóm khách hàng
theo các tiêu chí rủi ro này hoặc có thể mở rộng thêm các tiêu chí khác phù hợp
với đặc điểm của tổ chức mình:
- Khách hàng có phải là cá nhân có
ảnh hưởng chính trị PEPs;
- Khách hàng có phải là một tổ chức
phi lợi nhuận;
- Khách hàng có phải là cá nhân, tổ
chức đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố
cao không;
- Khách hàng hoạt động trong các lĩnh
vực có nguy cơ rửa tiền cao, tài trợ khủng bố đã được xác định tại báo cáo đánh giá rủi
ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam.
- Khách hàng có phải là đối tượng
được chỉ định áp dụng các biện pháp đánh giá tăng cường theo quy định của pháp luật không.
- Khách hàng nằm trong danh sách
khách hàng có rủi ro cao của tổ chức báo cáo (theo tiêu chí nội bộ đơn vị quy
định).
- Khách hàng có phải là một doanh
nghiệp sử dụng nhiều tiền mặt không;
- Khách hàng có áp dụng các cấu trúc
doanh nghiệp phức tạp, khó xác định chủ sở hữu hưởng lợi không;
- Khách hàng có tiến hành kinh doanh
thông qua hoặc được giới thiệu bởi những người đóng vai trò kiểm soát
(gatekeeper) như kế toán, luật sư hoặc các chuyên gia khác không;
- Khách hàng có nguồn gốc tài sản
không rõ ràng hoặc khó xác minh nguồn gốc tài sản hoặc nguồn tiền không
- Khách hàng có phải là người/pháp
nhân đáng tin cậy không.
Đối với loại khách hàng, NHTM sẽ kiểm tra bằng cách đối chiếu các thông tin có sẵn với các dữ liệu được công bố bởi các cơ quan
tổ chức trong và ngoài nước, như danh sách các cá nhân, tổ chức bị chỉ định của
Hội đồng Bảo An Liên Hiệp quốc, danh sách các công dân bị chỉ định đặc biệt và
những người bị chặn của Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài, danh sách đen
của Bộ Công an, danh sách tổng hợp những người, nhóm và pháp nhân phải chịu các
lệnh trừng phạt tài chính của Liên minh Châu Âu,… Đối với những khách hàng đến
từ các quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam, cần thực hiện việc kiểm tra xem
các quốc gia, vùng lãnh thổ đó có nằm trong danh sách các quốc gia có rủi ro cao về rửa tiền, tài trợ khủng bố do FATF công
bố định kỳ, danh sách các quốc gia cấm vận của Hội đồng Bảo
An Liên Hiệp quốc,
các quốc gia hoặc vùng, lãnh thổ được, nhận định có nhiều hoạt động ma túy, tham nhũng, rửa tiền, hoặc NHTM tự thiết kế các tiêu chí CDD khách hàng riêng
tùy thuộc khẩu vị rủi ro.
Việc
CDD sẽ cho phép các NHTM phân loại được khách hàng theo mức độ rủi ro và thực
hiện đánh giá tăng
cường (EDD) đối với khách hàng có rủi ro cao. Trên
cơ sở đánh giá khả năng và tác động của rủi ro, NHTM sẽ xác định rủi ro của khách hàng,
giao dịch và đưa ra những hành động cần thiết. Ví dụ, đối với cá nhân có ảnh
hưởng chính trị PEPs, thực hiện tra cứu theo
danh sách do NHNNVN công bố và NHTM phải đăng ký bằng văn bản để NHNNVN
gửi bằng văn bản điện tử.[23] Đối với các giao dịch công nghệ
mới, yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin KYC, việc có gặp mặt trực tiếp hay không do NHTM quyết định, trong
trường hợp không gặp mặt thì cần bảo đảm có
các biện pháp xác định khách hàng.[24] Đối với hoạt động qua trung gian giới thiệu, NHTM phải đảm bảo bên trung gian
thực hiện các biện pháp thủ tục về KYC đúng quy định và phải cung cấp được
thông tin về bên được giới thiệu cho NHTM khi có yêu cầu.[25] NHTM có quyền từ chối mở tài
khoản và cung cấp các sản phẩm dịch vụ nếu khách hàng có rủi ro quá cao, hoặc
cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu sau khi định danh
khách hàng, phân loại rủi ro và đánh giá tăng cường, phát hiện khách hàng liên quan đến
các giao dịch đáng ngờ, hoặc có khả năng rửa tiền.
NHTM cần xây dựng riêng các tiêu
chuẩn để xác định, đánh giá rủi ro giao dịch và đưa ra các quyết định phù hợp trên cơ sở tham khảo các tài liệu về đánh giá rủi ro rửa tiền của NHNNVN. Theo hướng dẫn của Cục phòng chống rửa tiền, các NHTM cần xác định khả năng xảy ra rủi ro trên cơ sở kinh nghiệm
quản trị, xem xét từng yếu tố của rủi ro, báo
cáo đánh giá rủi ro rửa tiền ở cấp độ quốc gia, các khuyến nghị của FATF
để xây dựng thang đo đánh giá rủi ro. Từ đó NHTM sẽ đưa ra hai lựa chọn không
cho phép giao dịch thực hiện hoặc giảm rủi ro xuống mức chấp nhận được. Các
biện pháp giảm rủi ro xuống mức chấp nhận được tùy thuộc vào nghiệp vụ và khẩu
vị rủi ro của NHTM. Ngoài các dấu hiệu trên là những dấu hiệu cơ bản để xác định yếu tố
đáng ngờ của khách hàng, bên cạnh đó, các dấu hiệu nhận dạng giao dịch đáng ngờ đã được Luật
phòng chống rửa tiền liệt kê.[26] Điều
này giúp NHTM dễ dàng nhận biết các giao dịch đáng ngờ, ví dụ như có sự thay đổi đột biến trong
doanh số giao dịch trên tài khoản, tiền gửi vào và rút ra nhanh khỏi tài khoản, hoặc là, sự tập hợp của các dòng tiền có giá trị nhỏ từ nhiều
tài khoản về một tài khoản
hoặc ngược lại trong thời gian ngắn…
Tóm lại, việc
thực hiện nhận diện khách hàng, phân loại và đánh giá rủi ro của khách khi
khách hàng thiết lập giao dịch với NHTM đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn
ngừa và phòng chống rửa tiền qua NHTM. Việc kiểm soát thiết lập quan hệ với khách hàng
bắt đầu từ
trước, trong và sau khi kết thúc quan hệ với khách hàng. Do đó, trong
thời gian tới các NHTM cần nỗ lực để hoàn thiện các tiêu chuẩn để xác định, đánh giá
rủi ro giao dịch và đưa ra các quyết định phù hợp trên cơ sở tham khảo tài liệu hướng dẫn của của Cục phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
nhằm góp phần ngăn ngừa hoạt động rửa tiền diễn ra trong các NHTM tại Việt Nam.
[1] Trần Thị Hoài Thu, “Chủ đề Pháp luật về phòng, chống rửa tiền”, Đặc san tuyên truyền pháp luật, số
01/2014, tr.6.
[2] Money laundering is: “The act of transferring illegally obtained money
through legitimate people or accounts so that its original source cannot be
traced”.
[3] Xem Điểm
a khoản 1 điều 3 Công ước Liên Hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất
mà túy và chất hướng thần 1988.
[4] Khoản 1 điều 6 Công ước về phòng chống tội
phạm có tổ chức xuyên quốc gia 2000.
[5] Khoản 11 Điều 340, khoản 2 Điều 327, khoản 1 Điều 329 Proceeds of Crime Act 2002, và Khoản 1 Điều 328 Proceeds of Crime Act 2002.
[6] Điều 338 Proceeds of Crime Act 2002.
[7] Khoản 2 điều 327 Proceeds of Crime Act 2002.
[8] Section 261 German Criminal Code.
[9] Khoản 1 điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền
2012.
[10] Khoản 1 điều 324 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
[11] Khoản 1 điều 3 Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP ngày
24/05/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng
điều 342 Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền: “Tội phạm nguồn là tội phạm được quy
định trong Bộ luật Hình sự và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng
của tội rửa tiền...”
[12] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Báo
cáo tóm tắt Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố - 2012 –
2017, 2019, tr.25-26.
[13] Lê Thanh, Tuổi trẻ Online, “Tội phạm chọn
ngân hàng để biến “tiền bẩn” thành “tiền sạch””, https://tuoitre.vn/toi-pham-chon-ngan-hang-de-bien-tien-ban-thanh-tien-sach-
20190602081835365.htm,
truy cập 01/04/2021.
[14] Điều 11 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2017
[15] Điều 20 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012
[16] Điểm a khoản 1 điều 8 Luật Phòng, chống rửa
tiền 2012.
[17] Điểm a, Điểm b
khoản 1 điều 9 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012: Điểm a
khoản 1 điều 9 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012: Đối với khách hàng cá nhân là người Việt Nam: họ và
tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số điện thoại, số
chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; địa chỉ nơi đăng ký
thường trú và nơi ở hiện tại; Đối với
khách hàng cá nhân là người nước ngoài: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc
tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp, thị thực nhập cảnh;
địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở nước ngoài và địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở Việt Nam.; Đối với pháp nhân: tên giao dịch đầy đủ và viết tắt; địa chỉ đặt trụ sở
chính; số điện thoại, số fax; lĩnh vực hoạt động, kinh doanh; thông tin về
người thành lập, đại diện cho tổ chức bao gồm các thông tin nhận biết đối với
khách hàng là cá nhân.
[18] Khoản 1 điều 1 Thông tư 31/2014/TT-NHNN.
[19] Khoản 3 điều 1 Nghị định 87/2019/NĐ-CP.
[20] Khoản 3 điều 1 Nghị định 87/2019/NĐ-CP.
[21] Khoản 3 điều 1 Nghị định 87/2019/NĐ-CP.
[22] Khoản 1 điều 6 Nghị định 116/2013/NĐ-CP.
[23] Khoản 2 điều 1 Thông tư 31/2014/TT-NHNN.
[24] Điều 8 Nghị định 116/2013/NĐ-CP, khoản 5 điều
1 Nghị định 87/2019/NĐ-CP.
[25] Điều 17 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012.
Nhận xét
Đăng nhận xét