Nhận diện bản chất pháp lý của hoạt động chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn trong Luật Kinh doanh bảo hiểm

 

NHẬN DIỆN BẢN CHẤT PHÁP LÝ CỦA HOẠT ĐỘNG CHUYỂN QUYỀN YÊU CẦU BỒI HOÀN TRONG LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM

Tạp chí Tòa án nhân dân, Tòa án Nhân dân Tối cao, 2019, Số 19, tr. 17 - 25

Bạch Thị Nhã Nam

nambtn@uel.edu.vn

                         Giảng viên Khoa Luật, Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

 

Tóm tắt: Chế định chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm được quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau như Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 sửa đổi bổ sung 2010, Bộ luật Hàng hải 2015, và Bộ luật Dân sự (BLDS) các thời kỳ trước 1995, 2005…Mặc dù đã được luật hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên việc sử dụng thuật ngữ khác nhau để quy định về thế quyền yêu cầu bồi hoàn như “chuyển yêu cầu bồi hoàn”, “chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn”,chuyển yêu cầu hoàn trả”,“chuyển quyền đòi bồi thường” đã tạo nên sự không thống nhất khi cùng quy định về một vấn đề. Do đó, điều này phần nào đã gây nhầm lẫn cho các bên trong quan hệ bảo hiểm hiểu sai lệch về bản chất pháp lý đối với hoạt động chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn, đặc biệt là sự nhầm lẫn giữa hai chế định là chuyển giao quyền yêu cầu và thế quyền yêu cầu. Bài viết phân tích các cơ sở lập luận và học thuyết pháp lý về thế quyền yêu cầu nhằm giúp xác định lại bản chất pháp lý của hoạt động chuyển quyền đòi bồi hoàn trong bảo hiểm mang bản chất thế quyền yêu cầu.

 

Từ khóa: thế quyền, bồi hoàn, kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm…

 

            Abstract: Subrogation in insurance business activities has been stipulated in various legal documents such as Business Insurance Law 2000 - amended in 2010, Maritime Code 2015, and the Civil Codes in 1995, and in 2005…Although legalized in legal documents, however, the use of different terms relating the subrogation, such as "transfer of reimbursement request", "transfer of the right to refund", "transfer of compensation claim” have created inconsistency for the provision of the same issue. Therefore, this partly confuses the parties in insurance relations in determining the legal nature of the subrogation, especially the confusion between the two modes of transfer: transfer of the right to request and subrogation. The paper analyzes the rationale and legal doctrine of subrogation to redefine the legal nature of such activity in the insurance sector.

Keywords: subrogation, reimbursement, insurance business, insurance company…

 
 

1. Lược sử pháp luật Việt Nam quy định về chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn trong bảo hiểm

Chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn trong bảo hiểm lần đầu xuất hiện trong Bộ luật dân sự (BLDS) 1995 với tên gọi là chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn. Chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn được ghi nhận ở BLDS 1995, tại Mục 11 Hợp đồng bảo hiểm, Điều 581 Chuyển yêu cầu bồi hoàn:

Điều 581. Chuyển yêu cầu bồi hoàn

1- Trong trường hợp người thứ ba có lỗi mà gây thiệt hại cho bên được bảo hiểm và bên bảo hiểm đã trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm, thì bên bảo hiểm có quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã trả. Bên được bảo hiểm có nghĩa vụ phải cung cấp cho bên bảo hiểm mọi tin tức, tài liệu, bằng chứng cần thiết mà mình biết để bên bảo hiểm thực hiện quyền yêu cầu đối với người thứ ba.

2- Trong trường hợp bên được bảo hiểm đã nhận số tiền bồi thường thiệt hại do người thứ ba trả, nhưng vẫn ít hơn số tiền mà bên bảo hiểm phải trả, thì bên bảo hiểm chỉ phải trả phần chệnh lệch giữa số tiền bảo hiểm và số tiền mà người thứ ba đã trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác; nếu bên được bảo hiểm đã nhận tiền bảo hiểm nhưng ít hơn so với thiệt hại do người thứ ba gây ra, thì bên được bảo hiểm vẫn có quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường phần chênh lệch giữa số tiền bảo hiểm và tiền bồi thường thiệt hại. Bên bảo hiểm có quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã trả cho bên được bảo hiểm.”

 

Điều luật này được giữ nguyên nội dung khi sửa đổi bổ sung BLDS 2005 – cụ thể tại Điều 577 nhưng đã thay đổi tên của điều luật từ “chuyển yêu cầu bồi hoàn” sang “chuyển yêu cầu hoàn trả”. Đến BLDS 2015, các điều luật liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nói chung và chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn nói riêng đã bị bỏ, và vấn đề này chỉ được quy định trong luật chuyên ngành là Luật kinh doanh bảo hiểm (Luật KDBH), và Bộ luật Hàng hải 2015 đối với hợp đồng bảo hiểm hàng hải.

Trong Luật KDBH, chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn được xem là một quyền của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), cụ thể tại điểm e, khoản 1, Điều 17 (Điều 17.1.e)[1] Yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm do người thứ ba gây ra đối với tài sản và trách nhiệm dân sự”. Theo đó, chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn chỉ được áp dụng trong hai loại hình là bảo hiểm tài sản, và bảo hiểm trách nhiệm dân sự, Luật KDBH còn làm rõ không áp dụng chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn trong loại hình bảo hiểm con người, tại Điều 37:

 Điều 37. Không được yêu cầu người thứ ba bồi hoàn

Trong trường hợp người được bảo hiểm chết, bị thương tật hoặc đau ốm do hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp của người thứ ba gây ra, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm mà không có quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã trả cho người thụ hưởng. Người thứ ba phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm theo quy định của pháp luật.”

Những nội dung cụ thể của thực hiện việc thế quyền đối với các bên trong quan hệ bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản được quy định cụ thể tại Điều 49:

 “Điều 49. Trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn

1. Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm.

2. Trong trường hợp người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm, không bảo lưu hoặc từ bỏ quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền khấu trừ số tiền bồi thường tuỳ theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm.

3. Doanh nghiệp bảo hiểm không được yêu cầu cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người được bảo hiểm bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã trả cho người được bảo hiểm, trừ trường hợp những người này cố ý gây ra tổn thất.”

Trong Bộ luật Hàng hải 2015, chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn được đặt tên là “Chuyển quyền đòi bồi thường”, quy định cụ thể tại Mục 6. Chuyển quyền đòi bồi thường trong Chương XVIII. Hợp đồng bảo hiểm hàng hải, với ba điều: Điều 326, Điều 327, Điều 328. Cụ thể, thế nào là chuyển quyền đòi bồi thường được quy định giải thích tại Điều 326:

“Điều 326. Chuyển quyền đòi bồi thường

Khi đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm, người bảo hiểm được quyền truy đòi người có lỗi gây ra tổn thất đó (sau đây gọi là người thứ ba) trong phạm vi số tiền đã trả. Người bảo hiểm thực hiện quyền này theo quy định đối với người được bảo hiểm.”

 

Tóm lại, theo các nội dung được luật quy định, chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn trong bảo hiểm được hiểu là việc DNBH thay thế người được bảo hiểm để đòi/truy đòi người thứ ba gây thiệt hại bồi hoàn lại cho DNBH trong giới hạn bồi thường mà DNBH đã trả cho người được bảo hiểm.  Do đó, pháp luật bảo hiểm các nước còn gọi hoạt động này là “thế quyền yêu cầu bồi hoàn” – subrogation[2] vì bản chất của hoạt động chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn trong bảo hiểm là thế quyền yêu cầu. Đây là một quyền của DNBH và quyền thế quyền này chỉ phát sinh sau khi DNBH đã tiến hành trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm căn cứ vào sự kiện bảo hiểm đã xảy ra và các thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm giữa DNBH và người được bảo hiểm. Điều này đồng nghĩa với việc, sau khi nhận tiền bồi thường người được bảo hiểm phải có nghĩa vụ chuyển quyền yêu cầu đối với bên thứ ba gây thiệt hại sang cho DNBH, khi đó việc thực hiện chuyển giao quyền yêu cầu bồi hoàn là một nghĩa vụ bắt buộc thực hiện theo luật định đối với người được bảo hiểm.

Có ý kiến cho rằng chuyển yêu cầu bồi hoàn trong bảo hiểm giống với chuyển giao quyền yêu cầu trong quan hệ dân sự: “Quan hệ bảo hiểm tài sản thực chất là quan hệ dân sự, do vậy, bản chất chuyển giao quyền yêu cầu trong bảo hiểm tài sản cũng gần với bản chất của chuyển giao quyền yêu cầu trong quan hệ dân sự”.[3] Phần tiếp theo của bài viết nhằm làm rõ liệu chuyển giao quyền yêu cầu bồi hoàn trong bảo hiểm có giống với chuyển giao quyền yêu cầu trong quan hệ dân sự hay không?

 

2. Phân biệt chế định chuyển giao quyền yêu cầu và chế định thế quyền yêu cầu

Chế định chuyển giao quyền yêu cầu được duy trì trong các BLDS 1995, 2005, 2015 mặc dù có sửa đổi bổ sung. Điều này có nghĩa trong BLDS 1995 và 2005 tồn tại đồng thời quy định về chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển quyền đòi bồi hoàn (mang bản chất thế quyền yêu cầu), vậy khi BLDS 2015 chỉ còn quy định về chuyển giao quyền yêu cầu, liệu chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn trong bảo hiểm có giống với chuyển giao quyền yêu cầu trong quan hệ dân sự nói chung?

Nhầm tưởng phổ biến về chuyển giao quyền yêu cầu trong BLDS là thế quyền yêu cầu

Theo quy định của BLDS 2015, tại Điều 365[4], chuyển giao quyền yêu cầu là việc người có quyền yêu cầu một người khác thực hiện nghĩa vụ chuyển giao quyền yêu cầu đó cho một người thứ ba do hiệu lực của một thỏa thuận giữa người có quyền và người thứ ba đó: một loại hợp đồng mua bán, trao đổi và cho có đối tượng là một quyền yêu cầu.[5]

Bản chất của chuyển giao quyền yêu cầu là sự dịch chuyển quyền lợi pháp lý từ chủ thể chuyển giao sang chủ thể nhận chuyển giao và họ chính là người thứ ba thay thế cho người có quyền trước tham gia vào một quan hệ dân sự với tư cách là chủ thể hưởng quyền (một chủ thể độc lập, nhân danh chính mình), có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ. Do đó, khi đã chuyển giao quyền yêu cầu, người chuyển giao sẽ chấm dứt quan hệ đối với người có nghĩa vụ và không phải chịu trách nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của người có nghĩa vụ.  Bên cạnh đó, chuyển giao quyền yêu cầu là sự thay đổi về chủ thể hưởng quyền chứ không phải thay đổi về nội dung của quan hệ, do vậy, người có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ theo đúng nội dung đã được xác định lúc ban đầu và việc chuyển giao quyền yêu cầu cũng không cần có sự đồng ý của người có nghĩa vu. Chính sự thay đổi về chủ thể hưởng quyền nên người chuyển giao quyền yêu cầu cần phải thông báo cho người có nghĩa vụ biết về việc họ đã chuyển quyền yêu cầu. [6]

Pháp luật Việt Nam gọi người thứ ba nhận chuyển giao quyền yêu cầu là người thế quyền, cụ thể tại Điều 365.1, “Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền”, tác giả cho rằng điều này là không phù hợp. Bởi chế định “thế quyền” - subrogation là một cách thay đổi người có quyền yêu cầu tương đối đặc thù trong học thuyết pháp lý của một số nước, và trong chừng mực nào đó của pháp luật và thực tiễn của Việt Nam.

 

Các trường hợp pháp luật Việt Nam quy định về thế quyền yêu cầu

Chế định thế quyền yêu cầu nói chung trong pháp luật Việt Nam chưa được thiết lập một cách có hệ thống trong luật thực định, cũng như không có quy định phân biệt rõ ràng giữa chuyển giao quyền yêu cầu và thế quyền yêu cầu. Hiện tại, việc thế quyền yêu cầu chỉ được ghi nhận trong luật cho một vài trường hợp đặc thù. Một ví dụ điển hình về thế quyền yêu cầu trong BLDS là về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bảo lãnh tại Điều 340, BLDS 2015. Theo đó,  sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bên bảo lãnh sẽ có quyền yêu cầu bên được bão lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi đã bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. [7]

Có thể hiểu, thế quyền yêu cầu là việc một người (người thế quyền) thay một người có quyền yêu cầu, ở vị trí người có quyền yêu cầu, sau khi đã thực hiện nghĩa vụ thay cho người có nghĩa vụ.

Nhìn chung, thế quyền yêu cầu giống với trường hợp chuyển giao quyền yêu cầu ở chỗ người thế quyền trở thành người có quyền yêu cầu, và được yêu cầu người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, khác với chuyển giao quyền yêu cầu, người thế quyền trong trường hợp này chỉ thay thế người có quyền trong chừng mực phần giá trị của nghĩa vụ mà người này đã thực hiện, phần nghĩa vụ còn lại vẫn được bảo lưu cho người có quyền gốc. Hãy so sánh hai ví dụ sau đây:

Ví dụ 1: A nợ B 100 đồng, C thay A trả trước cho B 50 đồng với điều kiện B đồng ý để C thay thế B đòi nợ A trả 50 đồng đó, B giữ nguyên quyền yêu cầu A trả 50 đồng còn lại. Khi đó C thế quyền B đòi A trong giới hạn 50 đồng mà C đã trả thay. Đây là trường hợp thế quyền yêu cầu.

 

Ví dụ 2: A nợ B 100 đồng, giữa B và C có thỏa thuận theo đó B chuyển nhượng quyền đòi nợ đối với A cho C với giá 50 đồng. Khi đó, C trở thành người có quyền yêu cầu đối với toàn bộ số nợ mà B đã giao kết với A. Đây là trường hợp chuyển giao quyền yêu cầu.

 

Một ví dụ khác về thế quyền yêu cầu là trong lĩnh vực bảo hiểm. Theo quy định của Luật KDBH, chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn là trách nhiệm bắt buộc được quy định cụ thể tại khoản 1, Điều 49: “trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm”. 

Quan hệ giữa các chủ thể gồm DNBH, và người được bảo hiểm trong bảo hiểm là quan hệ được các bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, trách nhiệm bồi thường của DNBH phát sinh dựa trên hai yếu tố: (i) có sự kiện bảo hiểm xảy ra (ii) có tổn thất, thiệt hại do sự kiện đó mang lại. Do đó, khi có thiệt hại xảy ra, DNBH phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường như đã cam kết trong hợp đồng. Tuy nhiên nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra là do bên thứ ba gây ra thì điều này còn phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên gây ra thiệt hại đối với người đuợc bảo hiểm theo các căn cứ pháp lý về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng[8] hoặc ngoài hợp đồng[9] giữa bên thứ ba gây thiệt hại và người được bảo hiểm. Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại được hiểu là bổn phận, nghĩa vụ của bên gây thiệt hại phải bồi thường theo căn cứ “nghĩa vụ hợp đồng”[10], hay là “hành vi xâm phạm của người gây thiệt hại”[11] cho bên bị thiệt hại, ở đây là người được bảo hiểm trong quan hệ bảo hiểm.

Như vậy, sau khi thực hiện bồi thường số tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm, DNBH được thế quyền người được bảo hiểm yêu cầu người thứ ba gây thiệt hại cho người được bảo hiểm, chỉ trong giới hạn với số tiền bảo hiểm DNBH đã bồi thường. Khi đó, sau khi nhận số tiền bảo hiểm từ DNBH, và thực hiện chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn cho DNBH, người được bảo hiểm vẫn có quyền yêu cầu bên thứ ba bồi thường phần thiệt hại không được bảo hiểm do bên thứ ba gây ra. Điều này được hiểu là nghĩa vụ bồi thường của người thứ ba đối với người được bảo hiểm vẫn được giữ lại cho người được bảo hiểm, cụ thể đối với phần thiệt hại do bên thứ ba gây ra mà DNBH không có trách nhiệm chi trả.

 

Như vậy, việc chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn cho DNBH không làm chấm dứt mối quan hệ pháp lý giữa bên thứ ba gây thiệt hại và người được bảo hiểm. Quy định về chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn trong Luật KDBH mang bản chất của chế định thế quyền yêu cầu, tuy nhiên Luật KDBH sử dụng cụm từ “chuyển quyền yêu cầu”, và điều này vô tình đã gây nhầm lẫn trong việc phân tích và áp dụng luật.

 

3. Nhận diện bản chất pháp lý thế quyền yêu cầu bồi hoàn pháp luật bảo hiểm các nước và Luật KDBH Việt Nam

Trong pháp luật của các nước, thế quyền là một học thuyết có nguồn gốc từ dân luật.[12] Theo phân tích ngữ nghĩa của thuật ngữ trong tiếng La tinh, tiền tố “sub” có nghĩa là “under” – dưới, và “rogage” có nghĩa là “to ask” – yêu cầu, hàm ý về học thuyết công bằng.[13] Định nghĩa thuật ngữ thế quyền được nêu trong từ điển: “Thế quyền là một hành vi theo luật, hoặc mặc nhiên được pháp luật thừa nhận, trao quyền cho một người, trên cơ sở người ấy đã hoàn thành hoặc sẵn sàng hoàn thành một yêu cầu của một người khác, để nắm giữ và có quyền yêu cầu đối với một bên thứ ba, tương xứng với khoản bảo đảm hoàn thành yêu cầu của chính người ấy.”[14] Từ đồng nghĩa phổ biến với thuật ngữ “subrogation” là “substitution” – nghĩa là sự thay thế, hoặc là một sự chuyển nhượng được pháp luật thừa nhận.

Thế quyền diễn ra trong nhiều tình huống khác nhau, nhằm đảm bảo công bằng và lợi ích của bên thế quyền, ví dụ như vì lợi ích DNBH đã trả số tiền bồi thường cho bên được bảo hiểm; hoặc vì lợi ích của một chủ nợ đã thỏa mãn quyền cầm giữ tài sản của một chủ nợ nào trước đó; hoặc vì lợi ích của một người mua hàng, đã thanh toán mọi khoản nợ trên bất động sản mà anh ấy mua đối với một chủ nợ nào trước đó, hoặc vì lợi ích của một người bảo đảm đã thanh toán khoản nợ của bên vay nợ đối với bên cho vay... [15] Trên các cơ sở đó, họ trở thành bên thế quyền, ví dụ như thay cho bên được bảo hiểm, hay thay cho bên chủ nợ nào trước đó, và phát sinh các quyền thế quyền đối với bên thứ ba có nghĩa vụ trong chừng mực tương xứng với khoản chi trả họ đã thực hiện.

Học thuyết thế quyền không áp dụng đối với “những người lạ” hoặc “những người tự nguyện” chi trả khoản nợ của người khác, trong khi không có bất kỳ sự chuyển nhượng quyền, hay thỏa thuận nhượng quyền được thiết lập, hoặc không có bất kỳ nghĩa vụ pháp lý nào có liên quan để “người lạ” chi trả thay, hoặc không có bất kỳ cơ sở hợp pháp nào để thực hiện chi trả thay nhằm bảo vệ các quyền pháp lý hay tài sản của chính người đó.[16]  Thế quyền phát sinh trên hai cơ sở, hoặc là một quyền mặc nhiên được pháp luật thừa nhận (ví dụ bên bảo lãnh sẽ có quyền yêu cầu bên được bão lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi đã bảo lãnh), hoặc là quyền phát sinh trên cơ sở thỏa thuận nhượng quyền giữa các bên, (xem lại ví dụ 1 trang 5 của bài viết).

 

Đạo luật bảo hiểm Úc

Theo Luật bảo hiểm của Úc, cụm từ “subrogation”- thế quyền được sử dụng trong Luật hợp đồng bảo hiểm Úc (Insurance Contracts Act 1984) cụ thể tại Phần VIII, từ Điều 64 đến Điều 68 để nói về việc chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn. Thế quyền hiểu theo nghĩa đen là việc một người thay thế quyền của một người khác.[17] Thế quyền là quyền của doanh nghiệp bảo hiểm, thông qua việc lập ra hợp đồng bảo hiểm và đưa ra các điều khoản rõ ràng, DNBH có quyền thế quyền của người được bảo hiểm bằng cách đòi bên thứ ba gây ra tổn thất bồi thường ít nhất bằng phần được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm.[18]

Thế quyền trong đạo luật bảo hiểm của Úc, không được xem là một quyền pháp lý, mà là một nguyên tắc được vận dụng nhằm hướng đến công lý, và sự công bằng[19] cho các chủ thể trong quan hệ bảo hiểm, một cách cụ thể, giữa DNBH và người được bảo hiểm: i) Cho phép DNBH thực hiện, trên danh nghĩa của người được bảo hiểm, các quyền của người được bảo hiểm nhằm chống lại bên thứ ba gây thiệt hại; và ii) thế quyền là nguyên tắc mà DNBH có thể yêu cầu bồi hoản từ người được bảo hiểm, nếu người được bảo hiểm nhận được bất kỳ sự bồi thường kép nào. Một ví dụ về tình huống sau là trong một hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn, khi DNBH đã bồi thường cho người được bảo hiểm toàn bộ tổn thất của ngôi nhà trong vụ hỏa hoạn, và người được bảo hiểm sau đó được bồi thường thiệt hại từ người gây ra vụ cháy, trong trường hợp trên, DNBH thường được yêu cầu người được bảo hiểm bồi hoàn số tiền bảo hiểm DNBH đã chi trả.[20]

Thế quyền chỉ áp dụng trong loại hình bảo hiểm vật chất (bảo hiểm tài sản, hay bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với tài sản của bên thứ ba), áp dụng nguyên tắc bồi thường ngang giá,[21] và không áp dụng trong loại hình bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm tan nạn con người[22] (dựa trên nguyên tắc khoán khi xác định số tiền bảo hiểm chi trả.

Mục đích của thế quyền trong bảo hiểm là để ngăn chặn việc người được bảo hiểm sẽ nhận được nhiều hơn số tiền bồi thường đối với cùng một thiệt hại thực tế, vừa từ doanh nghiệp bảo hiểm, vừa từ bên thứ ba có trách nhiệm. Do đó, theo đạo luật bảo hiểm này, quyền thế quyền của doanh nghiệp bảo hiểm thể hiện ở hai khía cạnh:[23]

Một là, thế quyền là quyền của DNBH: được đòi bên thứ ba bồi thường cho những thiệt hại gây ra với người được bảo hiểm với mục đích nhằm giảm bớt tổn thất của chính DNBH. Quyền này có thể được thực hiện ngay cả khi phạm vi bồi thường nhỏ hơn so với tổng thiệt hại của người được bảo hiểm (tổn thất của người được bảo hiểm vượt quá giới hạn DNBH chi trả).[24] Khi thực hiện truy đòi bên thứ ba gây thiệt hại, DNBH thực hiện dưới danh nghĩa thế quyền của người được bảo hiểm với sự chấp thuận của người được bảo hiểm. Nếu người được bảo hiểm từ chối, DNBH có quyền nộp đơn lên Tòa án yêu cầu người được bảo hiểm đồng ý việc thế quyền của DNBH. DNBH có thể kiện đòi bồi thường từ bên thứ ba dưới chính tên của DNBH nếu được người được bảo hiểm chuyển nhượng toàn bộ quyền tố tụng cho DNBH chống lại bên thứ ba gây thiệt hại. Tùy thuộc vào điều khoản thỏa thuận, DNBH được phép giữ lại bất kỳ khoản bồi hoàn nào vượt quá số tiền bảo hiểm mà họ đã chi trả.[25]

Hai là, nghĩa vụ của người được bảo hiểm sau khi đã được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường, phải kê khai rõ ràng cho DNBH biết số tiền nhận từ bên thứ ba gây thiệt hại. Tuy nhiên, chỉ cần kê khai và hoàn trả số tiền tương đương với số tiền mà DNBH đã bồi thường nhằm giảm bớt tổn thất cho DNBH. Nếu người được bảo hiểm nhận số tiền bồi thường nhận từ bên thứ ba trước khi được DNBH chi trả sẽ được khấu trừ vào số tiền bảo hiểm từ DNBH.[26] Trường hợp này vì người thứ ba đã thực hiện bồi thường trước nên DNBH không thực hiện thế quyền.

 

Đạo luật bảo hiểm của Anh

Vấn đề thế quyền được quy định trong Bộ luật Bảo hiểm Hàng hải 1906 của Anh (Marine Insurance Act 1906):

Quyền thế quyền- Right of subrogation[27]

(1) Trong trường hợp DNBH  thanh toán toàn bộ tổn thất của đối tượng bảo hiểm hoặc trong trường hợp bất kỳ toàn bộ phần nào có thể phân chia được của đối tượng được bảo hiểm, DNBH sẽ có quyền nhận những lợi ích của người được bảo hiểm đối với những gì còn lại của đối tượng được bảo hiểm tương ứng với số tiền bảo hiểm đã trả, DNBH được thế quyền người được bảo hiểm đối với các quyền của người được bảo hiểm liên quan đến đối tượng được bảo hiểm và hưởng các khoản bồi thường từ bên gây thiệt hại kể từ thời điểm phát sinh tổn thất.

(2) Tùy thuộc vào các quy định đã nêu ở trên, trường hợp DNBH thanh toán một phần tổn thất, DNBH không có quyền sở hữu đối với toàn bộ đối tượng được bảo hiểm hoặc một phần còn lại của đối tượng được bảo hiểm, DNBH được thế quyền người được bảo hiểm đối với các quyền của người được bảo hiểm liên quan đến đối tượng được bảo hiểm và hưởng các khoản bồi thường từ bên gây thiệt hại kể từ thời điểm tổn thất xảy ra cho đến khi người được bảo hiểm đã được bên thứ ba gây thiệt hại, theo quy định của luật này, bồi thường cho tổn thất đó.”

Thế quyền trong bảo hiểm được định nghĩa là quyền của DNBH được khai thác các quyền của người được bảo hiểm đối với đối tượng được bảo hiểm và hưởng các khoản bồi thường của bên thứ ba gây thiệt hại đối với những tổn thất đã được DNBH bồi thường. Khi thực hiện các quyền và yêu cầu bồi thường thông qua thế quyền, DNBH chỉ được thực hiện dưới danh nghĩa của người được bảo hiểm.[28] Mục đích của thế quyền là nhằm ngăn chặn người được bảo hiểm nhận được nhiều hơn số tiền bồi thường hợp lý từ cả DNBH và bên thứ ba gây thiệt hại. Theo đạo luật bảo hiểm Anh, thế quyền được mở rộng từ nguyên tắc bồi thường của quan hệ bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm, do đó nếu DNBH không bồi thường thì không được thế quyền. Để thực hiện quyền của mình, doanh nghiệp bảo hiểm cần phải thực hiện hết trách nhiệm trong hợp đồng bảo hiểm cho người được bảo hiểm. Thế quyền là thành phần vốn có và tiềm ẩn của hợp đồng bồi thường, do đó nếu DNBH không bồi thường thì không được hưởng các quyền thế quyền. Ngoài ra, trường hợp tổn thất của người được bảo hiểm không gây ra bởi bên thứ ba thì thế quyền không phát sinh[29]. Quyền thế quyền phát sinh khi doanh nghiệp bảo hiểm trả cho tổn thất đến giới hạn được yêu cầu bởi hơp đồng bảo hiểm, thậm chí khi thiệt hại thực tế vượt quá số tiền đã trả.[30]

Không khác so với thế quyền trong đạo luật bảo hiểm của Úc, quyền thế quyền theo đạo luật bảo hiểm của Anh không phải là một quyền độc lập của DNBH thực hiện chống lại bên thứ ba gây thiệt hại. Điều này có nghĩa là DNBH và người được bảo hiểm được xem là cùng một bên bị gây ra thiệt hại[31] và khi thực hiện yêu cầu bồi thường đối với bên thứ ba gây thiệt hại, DNBH thực hiện dưới danh nghĩa của người được bảo hiểm và cần phải có sự đồng ý của người được bảo hiểm. Trong trường hợp người được bảo hiểm không đồng ý, doanh nghiệp bảo hiểm được phép kiện ra Tòa buộc người được bảo hiểm đồng ý.[32]

 

Tóm lại, bản chất pháp lý của hoạt động chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn từ người được bảo hiểm sang DNBH trong bảo hiểm mang bản chất của thế quyền yêu cầu theo đạo luật bảo hiểm của các nước.

Xem xét một tình huống cụ thể sau: DNBH đòi bên thứ ba bồi thường nhận được số tiền lớn hơn số tiền bảo hiểm đã chi trả cho người được bảo hiểm, vậy khoản chênh lệch giữa số tiền bảo hiểm và số tiền bồi thường từ bên thứ ba gây hại thuộc về ai, DNBH hay người được bảo hiểm? Cần xác định rõ các cơ sở pháp lý nào để xử lý khoản chênh lệch giữa số tiền bảo hiểm và số tiền bồi thường từ bên thứ ba nêu trên.Vì vậy, việc nhận diện rõ bản chất pháp lý của hoạt động thế quyền sẽ giúp giải quyết triệt để tranh chấp nói trên giữa DNBH và người được bảo hiểm.

Trong luật KDBH Việt Nam, việc chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn được quy định nhằm phản ánh các nội dung của hoạt động thế quyền như trong đạo luật bảo hiểm của các nước, một cách cụ thể, người thế quyền trong bảo hiểm chỉ thay thế người có quyền (người được bảo hiểm) trong chừng mực phần giá trị của nghĩa vụ mà DNBH đã thực hiện, phần nghĩa vụ còn lại từ bên thứ ba gây thiệt hại vẫn được bảo lưu cho người có quyền gốc, cụ thể là người được bảo hiểm.

Qua các phân tích trên, tác giả kiến nghị sửa đổi tên điều luật “chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn” thành “thế quyền yêu cầu bồi hoàn” trong Luật KDBH Việt Nam để phản ánh đúng bản chất pháp lý của hoạt động này. Thế quyền đòi bồi hoàn trong kinh doanh bảo hiểm mang bản chất của thế quyền yêu cầu. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuật ngữ “thế quyền yêu cầu bồi hoàn” thay cho “chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn”, sẽ tránh gây nhầm lẫn với chuyển giao quyền yêu cầu trong BLDS. Vì về bản chất pháp lý, hai chế định này là hoàn toàn khác nhau, việc không phân định rõ ràng trong luật thực định như hiện tại (BLDS và Luật KDBH) sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cho việc áp dụng thế quyền đòi bồi hoàn trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, cụ thể việc xem xét số tiền chênh lệch giữa số tiền bảo hiểm chi trả và số tiền bồi thường từ bên thứ ba thuộc về DNBH hay người được bảo hiểm, hay việc liệu DNBH có được phép từ chối chi trả số tiền bảo hiểm khi người được bảo hiểm từ chối, hay bảo lưu truy đòi bên thứ ba gây thiệt hại…

Tóm lại, việc nhận diện bản chất pháp lý của chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn trong bảo hiểm là thế quyền yêu cầu là một điều hết sức quan trọng, đóng vai trò tiền đề cho việc hoàn thiện chế định thế quyền yêu cầu bồi hoàn trong Luật KDBH nói riêng và chế định thế quyền yêu cầu trong BLDS nói chung.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.   Bộ luật dân sự 2015

2.   Bộ Luật hàng hải 2014

3.   Luật kinh doanh bảo hiểm 2000, sửa đổi bổ sung 2010

4.   Nguyễn Văn Định, 2008, Giáo trình Bảo hiểm, Nxb. Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội

5.   Nguyễn Ngọc Điện (Chủ biên), 2016, Giáo trình Luật dân sự - Tập 2: Nghĩa vụ, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

6.   Nguyễn Thị Thủy, 2012, Pháp luật bảo hiểm tài sản tại Việt Nam, NXB Thanh Niên.

7.   Greg Pynt, 2011, Australian Insurance Law: A first Reference, NXB LexisNexis.

8.   John Lowry, Philip Rawlings, Rob Merkin, 2011, Insurance law: Doctrines and principles, NXB Hart Publishing.

9.   Susan Hodges, 2009, Cases and materials on Marine Insurance law, NXB Routledge.



[1] Tác giả sử dụng cách viết Điều X.1.e để mô tả về điểm e, khoản 1, Điều X cho các trích dẫn tương tự về Điều luật khác trong bài viết.

[2][2] Học thuyết pháp lý thế quyền có nguồn gốc trong dân luật, sẽ được phân tích kỹ ở các mục sau.

[3] Nguyễn Thị Thủy, 2012, “Pháp luật bảo hiểm tài sản tại Việt Nam”, NXB Thanh Niên, trang 105.

[4] Điều 365. Chuyển giao quyền yêu cầu

1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận, trừ trường hợp sau đây:

a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;

b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu.

2. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.

Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này.

[5] Nguyễn Ngọc Điện (Chủ biên), 2016,Giáo trình Luật dân sự - Tập 2: Nghĩa vụ, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trang 144, trang 148.

[6] Khoản 2, Điều 365, BLDS.

[7] Nguyễn Ngọc Điện, sđd, trang 148.

[8] Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ được BLDS 2015 quy định tại 4 điều luật từ Điều 360 đến Điều 363. Điều 360 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

[9] Theo quy định tại Điều 275 BLDS 2015, một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự là “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật” và tương ứng với căn cứ này là các quy định tại Chương XX, Phần thứ ba Bộ luật này về “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.

[10] Điều 360 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

[11] Điều 584.1 BLDS 2015: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Như vậy, căn cứ xác định trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng là “hành vi xâm phạm của người gây thiệt hại

[12] James M. Mullen, The Equitable Doctrine of Subrogation, 3 Md. L. Rev. 202 (1939), trang 1, http://digitalcommons.law.umaryland.edu/mlr/vol3/iss3/1, ngày truy cập 09/04/2019.

[13] James M. Mullen, tlđd, trang 1.

[14] Theo giải thích từ điển Century.

[15] Henry N. Sheldon, 1882, The law of subrogation, NXB. Boston, Soule and Bugbee, trang 2,3.

[16] Henry N. Sheldon, Phần 240.

[17] Leigh-Jones et al, 2003, MacGillivray on Insurance Law, NXB Sweet & Maxwell, tái bản lần 10, trang 568.

[18] Greg Pynt, 2011, Australian Insurance Law: A first Reference, NXB LexisNexis, tái bản lần 2, trang 390.

[19] Matthew Skinner and Justin Coss, 2006, Subrogation, tại https://www.allens.com.au/pubs/pdf/insur/pap7jun06.pdf   Xem trong CCH Australia Limited, 2004, Australian and New Zealand Insurance Reporter.

[20] Xem các phán quyết Castellain v Preston (1883) 11 QBD 380, British Traders Insurance Co v Monson (1964) 111 CLR 86

[21] Xem phán quyết vụ Solicitors and General Life Assurance Society v Lamb (1864) 2 De GJ & S 251

[22] Xem phán quyết vụ Thobald v Railway Passengers’ Assurance Co (1854) 10 Exch 45

[23] Greg Pynt, sđd, trang 391.

[24] Greg Pynt, sđd, trang 394.

[25] Greg Pynt, sđd, trang 395.

[26] Greg Pynt, sđd, trang 394,395, 403.

[27] Nguyên văn: “79. Right of subrogation

(1)Where the insurer pays for a total loss, either of the whole, or in the case of goods of any apportionable part, of the subject-matter insured, he thereupon becomes entitled to take over the interest of the assured in whatever may remain of the subject-matter so paid for, and he is thereby subrogated to all the rights and remedies of the assured in and in respect of that subject-matter as from the time of the casualty causing the loss.

(2)Subject to the foregoing provisions, where the insurer pays for a partial loss, he acquires no title to the subject-matter insured, or such part of it as may remain, but he is thereupon subrogated to all rights and remedies of the assured in and in respect of the subject-matter insured as from the time of the casualty causing the loss, in so far as the assured has been indemnified, according to this Act, by such payment for the loss.”

[28] Susan Hodges, 2009, “Cases and materials on Marine Insurance law”, NXB Routledge, trang 17.

[29] John Lowry, Philip Rawlings, Rob Merkin, 2011, “Insurance law: Doctrines and principles”, NXB Hart Publishing, tái bản lần 3, trang 354.

[30]  John Lowry, Philip Rawlings, Rob Merkin, sđd,trang 353.

[31] John Lowry, Philip Rawlings, Rob Merkin, sđd, trang 352.

[32] John Lowry, Philip Rawlings, Rob Merkin, sđd, trang 355.

 

 




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

BÌNH LUẬN ÁN LỆ SỐ 22/2018/AL VỀ NGHĨA VỤ CUNG CẤP THÔNG TIN CỦA BÊN MUA BẢO HIỂM

Trách nhiệm cung cấp thông tin trong hợp đồng bảo hiểm giai đoạn tiền hợp đồng

KHÁI NIỆM DỮ LIỆU CÁ NHÂN VÀ GÓC NHÌN TỪ GDPR