Xin hãy nhớ 'quyền được lãng quên'

Xin hãy nhớ 'quyền được lãng quên'

30/06/2021 23:48 |





(LSVN) - Trên thực tiễn hiện nay, mã hóa thông tin (data pseudonymization) và lưu trữ chúng với các biện pháp bảo mật nhất định là hướng đi của hầu hết các công ty xử lý, kiểm soát dữ liệu hiện nay. Do đó, tại các quốc gia đang phát triển đối diện với các công ty toàn cầu về xử lý và kiểm soát dữ liệu, hướng dẫn thực thi “quyền được lãng quên” trên mạng Internet như thế nào sẽ là điều cần phải cân nhắc trên cơ sở tính hiệu quả, tính khả thi, và khả năng kiểm tra, giám sát tuân thủ.

https://lsvn.vn/xin-hay-nho-quyen-duoc-lang-quen1625096919.html


Giá trị của sự lãng quên và tác động từ Google
 
Ký ức định hình sự hiểu biết của chúng ta về thế giới và giúp chúng ta dự đoán những gì sắp diễn ra trong tương lai. Ký ức giống như từng mảnh ghép nhỏ, cùng nhau tạo nên một bức tranh cuộc sống tuyệt vời. Nhớ và quên là hai quá trình tư duy đặc biệt quan trọng trong đời sống con người. Chúng ta có xu hướng xóa bỏ, lãng quên những ký ức đau buồn và trân trọng, ghi nhớ những ký ức hạnh phúc. 
 
Từ xưa đến nay, lãng quên là một giá trị cơ bản, tồn tại trong bản chất của nhân loại. Nếu không thể lãng quên, đặc biệt là các ký ức buồn thương, con người sẽ sống trong sự dày vò, và vô hình chung, điều này đã dựng lên một bức tường không có lối thoát cho cá nhân đó hướng đến tương lai mới. Triết gia người Đức Friedrich Nietzsche (1844 – 1990) đã cho rằng: “Nếu không biết cách quên, ta sẽ không biết được niềm hạnh phúc, không có tâm trạng vui vẻ, sự kỳ vọng, lòng tự hào và cũng không biết hiện tại là gì”. 
 
Tại Việt Nam, cách đây vài năm, một nữ MC đã khởi kiện một tờ báo vì chưa xác minh thông tin đã đưa những bài viết về một clip sex trôi nổi của Hàn Quốc, nhưng lại đặt ra nghi vấn có liên quan đến nữ MC và đưa hình ảnh của người này vào bài viết gây liên tưởng, hiểu lầm cho độc giả. Nữ MC đã giành phần thắng với yêu cầu báo cải chính, xin lỗi theo quy định tại Điều 9 Luật Báo chí và bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm theo quy định tại Điều 611 Bộ luật Dân sự. Song, những ảnh hưởng của thông tin này đối với nữ MC vẫn tồn tại trên mạng Internet và các nền tảng lưu trữ dữ liệu trên mạng. 
 
Chắc chắn nữ MC rất muốn quên sự việc đưa tin nhầm lẫn tai hại trên, vì nó ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống riêng tư, nhưng hơn cả, nữ MC còn mong muốn cộng đồng hãy lãng quên thông tin sai lầm trên, hay bất cứ ai cũng không thể nào truy cập vào những thông tin đó khi gõ tên cô lên các công cụ tìm kiếm, và các nền tảng lưu trữ dữ liệu trên hãy xóa bỏ những thông tin đăng tải không phù hợp như vậy!.
 
Xem xét một câu chuyện khác tại Anh, một doanh nhân người Anh đã có những động thái pháp lý yêu cầu Google xóa bỏ kết quả tìm kiếm những bài viết liên quan đến hành động phạm tội trong quá khứ của ông vào cuối thập niên 1990, vì ông đã từng bị kết tội âm mưu làm sai lệch kết quả kế toán. Ông muốn công cụ tìm kiếm Google xóa bỏ tất cả kết quả đề cập đến vụ án của mình. Trước Tòa án, ông lập luận rằng nhiều người khi trẻ hoặc trong quá khứ đều phạm phải những sai lầm và nếu những sai lầm này liên tục thu hút sự chú ý của người khác thì chúng sẽ tạo ra tác động tiêu cực, bản án trong quá khứ của ông đã được chấp hành xong, mục đích xây dựng pháp luật để cho phép những người phạm phải sai lầm trong quá khứ được tái hòa nhập và sống một cuộc đời bình thường, chứ không phải tiếp tục bị tổn thương bởi hành vi sai lầm đã được trả giá trong quá khứ.

Con người không ai tránh được một lần sai lầm trong đời. Chấp nhận cho người khác sửa sai là một chọn lựa mang tính nhân văn. Lãng quên một điều gì đã xảy ra trong quá khứ đôi khi không chỉ cần thời gian mà cần cả không gian. Không gian ở đây chính là sự vắng mặt của “điều xảy ra” ấy trong hiện tại. Có nghĩa là những gì ghi nhận, nhắc nhớ lại sự việc đó, cho dù là tư liệu, bút tích hay hình ảnh cá nhân - một bằng chứng rất cụ thể gợi nhớ đến quá khứ - phải hoàn toàn biến mất khỏi tầm mắt mọi người, trên mạng Internet và khỏi sự phán xét đúng/sai của dư luận xã hội. 

Không gian mạng là nơi chứa đựng tất cả những thông tin từ quá khứ đến hiện tại của nhân loại, tràn ngập thông tin từ tin giả đến thật. Và chỉ cần một cú nhấp chuột với một từ khóa nào đó trên các thanh công cụ tìm kiếm, phổ biến nhất là Google thì chúng ta cũng có thể tìm kiếm được đủ mọi loại thông tin: những video, hình ảnh, tin tức về nạn nhân bị xâm hại tình dục, bị cưỡng hôn trong thang máy, ca sĩ nổi tiếng bị lộ video nhạy cảm… Cùng với sức mạnh truyền thông của Internet, phút chốc, các cá nhân trên đã trở thành tiêu điểm của những từ khóa tìm kiếm, chủ điểm bình luận trên các mạng xã hội. Họ trở nên nổi tiếng, gặp tai tiếng bất đắc dĩ và quan trọng là cuộc sống riêng tư của họ không còn là riêng tư! Tại một thời điểm trong tương lai, cuộc sống của họ sẽ trở nên như thế nào nếu thông tin dữ liệu của họ trong quá khứ lại bị khơi gợi và tiếp tục trở thành những nội dung dư luận bàn tán? Những cách thức tác động này của thông tin trong quá khứ có thể gây trở ngại đáng kể trong việc tìm kiếm việc làm hợp pháp, kiếm tìm hạnh phúc tương lai sau những sự kiện trong quá khứ.

Quyền được lãng quên là gì?
 
“Quyền được lãng quên” (right to be forgotten) là một trong những quyền của cá nhân đối với các dữ liệu hay thông tin về bản thân mình, được đề cập nhiều trong khoảng hơn một thập niên gần đây khi pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân được thừa nhận và ban hành rộng rãi trong các khu vực pháp lý.
 
Quyền được lãng quên bao gồm hai quyền cụ thể: một là quyền xóa dữ liệu (right to erasure); hai là quyền hủy niêm yết hoặc là quyền hủy tham chiếu (right to de-list/right to de-refer)[1]. Theo báo cáo của tổ chức quyền thông tin Access Now, quyền được lãng quên là quyền trao cho chủ thể của thông tin (thông tin nhắc đến chủ thể, thông tin cá nhân chủ thể tự cung cấp…) quyền xóa bỏ, hoặc yêu cầu xóa bỏ toàn bộ thông tin liên quan đến mình khi họ rời bỏ một nền tảng hay một ứng dụng, hoặc bất kỳ thời điểm nào họ cho rằng các thông tin cá nhân đang bị xâm hại[2]. 
 
Ví dụ như một cá nhân cung cấp thông tin sinh trắc học cho bên xử lý dữ liệu chỉ để đăng nhập vào một chương trình nhất định, nhưng bên xử lý lại giao dữ liệu để xử lý trí tuệ nhân tạo cho các mục tiêu nhận diện, tái tạo khuôn mặt người dùng, khi đó thông tin của cá nhân bị sử dụng sai mục đích so với sự đồng ý cho phép sử dụng ban đầu, cá nhân có thể yêu cầu bên xử lý dữ liệu thực hiện việc xóa dữ liệu. Hay hiện nay tình trạng thông tin liên lạc của người dùng được bán cho các bên tài chính hay telesale bởi bên cung cấp dịch vụ hay bên xử lý dữ liệu sử cho các mục tiêu tiếp thị trở nên khá phổ biến tại Việt Nam gây ra sự phiền toái quá mức cho người tiêu dùng. Xem xét trong dịch vụ ngân hàng và tín dụng, các ngân hàng hiện nắm giữ hàng loạt nhóm thông tin quan trọng của khách hàng, từ địa chỉ nhà, tình trạng uy tín tín dụng của cá nhân cho đến khoản tiền thực tế và mật khẩu cho rất nhiều loại giao dịch hằng ngày. Một yêu cầu dựa trên “quyền được lãng quên” có thể bắt buộc ngân hàng xóa bỏ hoàn toàn lượng thông tin này hay không khi khách hàng không tiếp tục đồng ý cho Ngân hàng giao dữ liệu cho bên thứ ba xử lý và lưu trữ dữ liệu của mình?.
 
Khi công nhận “quyền được lãng quên”, các bên xử lý hay kiểm soát dữ liệu cá nhân sẽ phải có lý do hợp pháp đối với việc họ thu thập thông tin cá nhân, phân loại mục tiêu nắm giữ thông tin, và thời hạn họ được lưu giữ loại thông tin, và các cá nhân có thể đưa ra các yêu cầu xóa bỏ dữ liệu của cá nhân trong các trường hợp thông tin được sử dụng sai mục đích, hoặc xâm phạm lợi ích hợp pháp của cá nhân.
 
Quay trở lại ví dụ cụ thể đối với các loại thông tin mà Ngân hàng hay tổ chức tín dụng ở khu vực EU, Đạo luật Bảo vệ dữ liệu EU quy định các loại thông tin được phép lưu giữ như: địa điểm rút tiền, địa điểm giao dịch thẻ, bảng cân đối tài khoản, lịch sử các giao dịch, ngân hàng sẽ buộc phải lưu trong một khoảng thời gian nhất định, bất kể khách hàng có đưa ra yêu cầu xóa bỏ thông tin[3]. Tính chất hợp lý đối với việc lưu giữ thông tin là ngân hàng phải chứng minh tính toàn vẹn và chính trực của các giao dịch thông qua ngân hàng với cơ quan thanh tra, kiểm tra, thực hiện các yêu cầu phòng chống rửa tiền hay phát hiện gian dối tài chính… Tuy nhiên, việc khách hàng sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm hàng hóa và dịch vụ, yêu thích và quan tâm đến các loại sản phẩm nào, của ai… là các dữ liệu “tiếp thị” đáng giá. Tương tự các thông tin khác mà cá nhân tự cung cấp cho ngân hàng như sở thích, thói quen… là nhóm thông tin mà ngân hàng chỉ có thể lưu giữ nếu có sự đồng thuận của khách hàng, và trong bất kể trường hợp gì, ngân hàng phải xóa bỏ các loại thông tin này nếu khách hàng viện dẫn quyền được lãng quên, xóa bỏ thông tin hoặc ngừng chia sẻ cho bên thứ ba.
 
Đối với yêu cầu hủy niêm yết, trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của việc lưu trữ dữ liệu ở các nền tảng trên mạng Internet, và sự tiện ích của các công cụ tìm kiếm thông tin, quyền hủy niêm yết các thông tin có liên quan đến mình khỏi danh sách tìm kiếm là một phần quan trọng của quyền được lãng quên. Quyền hủy niêm yết là việc yêu cầu trình duyệt tìm kiếm loại các trang thông tin về một cá nhân hoặc có chứa đựng thông tin cá nhân ra khỏi danh sách tìm kiếm của mình. Cụ thể cá nhân có thể đưa ra các yêu cầu Google hoặc Bing loại một trang thông tin có tên hoặc hình ảnh của cá nhân khỏi các kết quả tìm kiếm được. 
 
Sau phán quyết Google Tây Ban Nha 2014, tính đến 02/2018, Google cho biết họ đã nhận được hơn 650.000 yêu cầu xóa một số trang web khỏi kết quả tìm kiếm (liên quan đến hơn 2,43 triệu đường dẫn) kể từ, và họ đã xóa khoảng 43% trong số đó[4]. Hiện nay trong chính sách toàn cầu của Google, Google cho phép người dùng có thể yêu cầu Google thực hiện xóa thông tin cá nhân khỏi Google nếu cá nhân không thể yêu cầu một trang web xóa tài liệu trong các trường hợp có rủi ro đáng kể đối với việc đánh cắp thông tin nhận dạng cá nhân, gian lận tài chính hoặc các thiệt hại cụ thể khác[5].  

Tuy nhiên, không phải khi nào quyền hủy niêm yết cũng được áp dụng, mà đây trong các trường hợp khác nhau, bên kiểm soát hay xử lý dữ liệu nhận được yêu cầu cần phải xem xét lợi ích của chính cá nhân – yêu cầu thực hiện quyền hủy niêm yết có lớn hơn lợi ích của cộng đồng trong việc tiếp cận thông tin hay không? Ví dụ, trong khu vực EU, theo hướng dẫn của EU[6], những yếu tố để cân nhắc lợi ích của cộng đồng và lợi ích của cá nhân khi thực hiện hủy niêm yết thông tin hay không bởi bên kiểm soát, xử lý dữ liệu bao gồm:

i. Cá nhân đó không phải là một nhân vật của công chúng (chính trị gia, nhân vật giải trí…);

ii. Các thông tin được ghi nhận không liên quan đến đời sống hay hoạt động nghề nghiệp của cá nhân yêu cầu, mà chỉ mang tính riêng tư, cá nhân;

iii. Thông tin đã được tòa có thẩm quyền xác định là phát ngôn thù hận, phỉ báng, bôi nhọ đối với cá nhân yêu cầu;

iv. Thông tin được trình bày như là thông tin chuẩn xác nhưng thật ra không đúng sự thật…
 
 “Quên” là quên thế nào?

Thế nào là “quên” trên nền tảng mạng Internet cũng là một vấn đề đang tiếp tục được các chuyên gia công nghệ bàn cãi, và các nhà lập pháp ở các quốc gia đang tìm cách tiếp cận phù hợp dựa trên sự phát triển của công nghệ. Hiện nay có ba cách tiếp cận chính đối với khái niệm “quên”[7].
 
Cách diễn giải chặt chẽ nhất cho rằng lãng quên ở đây đồng nghĩa với việc mọi dữ liệu và các bản sao dữ liệu cùng các dữ liệu khác có liên quan phải bị xóa bỏ triệt để, đến mức không thể có bất kỳ biện pháp phục hồi dữ liệu nào. Cách diễn giải này thường yêu cầu các cá nhân phải chứng minh sự xâm phạm đời sống riêng tư một cách rõ ràng nhất, hoặc thông tin liên quan đến cá nhân hoàn toàn sai với thực tế, hoàn toàn không phù hợp, nên cá nhân đòi hỏi xóa bỏ hoàn toàn thông tin. Mặc dù cách diễn giải này là đúng nghĩa đen nhất với ý nghĩa “xóa bỏ” hay “lãng quên”, nhưng xét về mặt công nghệ và xét đến khả năng liên kết các thông tin và định danh dữ liệu hiện nay, mức độ khả thi là rất thấp, và sẽ gây tốn kém chi phí pháp lý và các chi phí khác cho cá nhân đưa ra yêu cầu xóa bỏ.
 
Cách diễn giải thứ hai, cho phép việc mã hóa thông tin (data pseudonymization) và cho thông tin tiếp tục tồn tại, miễn là lượng thông tin này không được giải mã hoặc công bố cho các bên không có thẩm quyền (unauthorized parties). Điều này khả thi hơn về mặt kỹ thuật và dễ dàng hơn cho bên cung cấp dịch vụ hay bên xử lý dữ liệu, bên kiểm soát dữ liệu. Lưu ý các thông tin đó vẫn tiếp tục tồn tại, vẫn có thể bị giải mã, đó là rủi ro tiềm ẩn đối với chủ thể của thông tin cá nhân.
 
Cách diễn giải cuối cùng kém an toàn nhất, dữ liệu thậm chí không cần phải mã hóa, chỉ yêu cầu những thông tin này không xuất hiện trên các phương tiện công cộng, không thể trích xuất công khai và không thể tìm kiếm bằng các công cụ tìm kiếm phổ biến.
 
Trên thực tiễn hiện nay, mã hóa thông tin (data pseudonymization) và lưu trữ chúng với các biện pháp bảo mật nhất định là hướng đi của hầu hết các công ty xử lý, kiểm soát dữ liệu hiện nay. Do đó, tại các quốc gia đang phát triển đối diện với các công ty toàn cầu về xử lý và kiểm soát dữ liệu, hướng dẫn thực thi “quyền được lãng quên” trên mạng Internet như thế nào sẽ là điều cần phải cân nhắc trên cơ sở tính hiệu quả, tính khả thi, và khả năng kiểm tra, giám sát tuân thủ.
 
Hãy nhớ những điều cần nhớ và quên những điều cần phải quên

Cuộc sống chính là kết quả của những lựa chọn. Và mỗi chúng ta chính là tác giả của cuộc đời mình. Bản nhạc cuộc đời ấy, hay dở thế nào, là do chúng ta quyết định và sáng tác ra. 

Trong tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du viết rằng: ““Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh. Một mình, mình lại thương mình xót xa”. Sự day dứt, trăn trở về quá khứ luôn khiến con người ta thao thức, cứ buồn bã suy nghĩ, đau đớn nhớ lại những kỷ niệm không vui. 

Do đó, chúng ta hãy học cách lãng quên để thu nạp những giá trị tích cực cho chính bản thân, cho những người sống xung quanh, và cho nhân loại để “mỗi ngày ta chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười”.

[1] Bạch Thị Nhã Nam (2020), Quyền được lãng quên từ thực tiễn phán quyết trong phạm vi Liên minh Châu Âu, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Viện nghiên cứu lập pháp, 2020, Số 24(424), tr.38-47.

[2] Báo cáo của Access Now (2016), “Understanding the right to be forgotten globally”, công bố tại đường dẫn:

https://www.accessnow.org/cms/assets/storage/uploads/2017/09/RTBF_Sep_2016.pdf, truy cập ngày 01/06/2021

[3] https://www.bankinghub.eu/banking/finance-risk/gdpr-deep-dive-implement-right-forgotten, truy cập ngày 01/06/2021.

[4] https://www.npr.org/sections/thetwo-way/2018/02/28/589411543/google-received-650-000-right-to-be-forgotten-requests-since-2014, truy cập ngày 01/06/2021.

[5] Chính sách người dùng yêu cầu Google xóa dữ liệu cá nhân đăng tải tại: https://support.google.com/websearch/troubleshooter/3111061?hl=en, truy cập ngày 01/06/2021.

[6] Guidelines 5/2019 on the criteria of the Right to be Forgotten in the search engines cases under the GDPR, https://edpb.europa.eu/sites/default/files/files/file1/edpb_guidelines_201905_rtbfsearchengines_afterpublicconsultation_en.pdf, truy cập ngày 01/06/2021.

[7] Báo cáo của Ủy ban EU về an toàn mạng (2012),The right to be forgotten - between expectations and practice, https://www.enisa.europa.eu/publications/the-right-to-be-forgotten, truy cập ngày 01/06/2021.

BẠCH THỊ NHÃ NAM

Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP. HCM), NCS Đại học Griffith (Úc)



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

BÌNH LUẬN ÁN LỆ SỐ 22/2018/AL VỀ NGHĨA VỤ CUNG CẤP THÔNG TIN CỦA BÊN MUA BẢO HIỂM

Trách nhiệm cung cấp thông tin trong hợp đồng bảo hiểm giai đoạn tiền hợp đồng

KHÁI NIỆM DỮ LIỆU CÁ NHÂN VÀ GÓC NHÌN TỪ GDPR