SỬ DỤNG BẢN ÁN VÀ ÁN LỆ TRONG GIẢNG DẠY PHÁP LUẬT TẠI VIỆT NAM

 

HOẠT ĐỘNG PHÂN TÍCH BẢN ÁN VÀ ÁN LỆ TRONG GIẢNG DẠY PHÁP LUẬT TẠI VIỆT NAM

 

ThS.Bạch Thị Nhã Nam*, ThS. Nguyễn Thị Long**

 

* Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Email: nambtn@uel.edu.vn

**Giảng viên Khoa Pháp Luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội, Email: Longnt@hlu.edu.vn

 

Tóm tắt:  Tại các quốc gia theo hệ thống pháp luật thông luật, việc nghiên cứu án lệ là một yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên và những người làm công tác pháp luật. Hoạt động này không bắt buộc tại Việt Nam tuy nhiên sự xuất hiện của Nghị quyết số 03/2015/ NQ- HĐTPTANDTC và Nghị quyết số 04/2019/NQ – HĐTPTANDTC  đã khẳng định vị trí, tầm quan trọng của việc nghiên cứu án lệ trong giai đoạn hiện nay. Nhằm bắt kịp xu thế hội nhập và nhu cầu của thị trường lao động, trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo nhiều cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam đã thiết kế các môn học, đề cương môn học, hệ thống học liệu gắn liên với việc phân tích, vận dụng nội dung án lệ vào nội dung giảng dạy. Bài viết này việc tìm hiểu thực trạng sử dụng bản án, án lệ trong việc giảng dạy luật, đồng thời còn chỉ ra các bước phân tích bản án, án lệ trong việc giảng dạy luật, qua đó bài viết chỉ ra các khó khăn và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy luật qua án tại Việt Nam.

Từ khoá: bản án, án lệ, giảng dạy, pháp luật

 

1.   Đánh giá thực tiễn sử dụng bản án và án lệ tại một số cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam

Ở các quốc gia phát triển, việc sử dụng bản án trong công tác đào tạo luật và nghiên cứu
khoa học pháp lý đã có truyền thống từ lâu. Ở các nước theo truyền thống thông luật, do bản chất của hệ thống pháp luật coi trọng nguồn án lệ, do đó phương pháp giảng dạy qua án (case
method) được xem là một phương pháp giảng dạy luật phổ biến ở các quốc gia này. Christopher Columbus Langdell (Trưởng khoa Luật, Đại học Harvard 1870 – 1895)[1] giới thiệu và phát triển phương pháp giảng dạy luật qua án tại Trường Luật Harvard vào năm 1870 và đã góp phần thay đổi đáng kể việc giáo dục pháp luật ở Hoa Kỳ.[2]

Theo quan điểm của Langdell, pháp luật là một ngành khoa học, và khoa học phải được nghiên cứu trong các nguồn của nó (pháp luật).[3] Theo truyền thống của thông luật, các phán quyết của tòa án chứa đựng các học thuyết pháp lý, nguyên tắc pháp lý. Phương pháp giảng dạy luật qua án đòi hỏi người giảng dạy lựa chọn một số trường hợp phán quyết có thể được sử dụng để minh họa các học thuyết pháp lý cơ bản, Langdell hệ thống hóa các vụ án đã có, [4] từ cơ sở phân tích vụ án, ông hướng tới việc làm rõ những học thuyết pháp lý, nguyên tắc pháp lý được vận dụng để giải quyết vấn đề pháp lý trong vụ án.

Hầu hết các trường luật ở Mỹ (như Chicago, Columbia, Harvard, Stanford, Yale...) đều áp dụng phương pháp giảng dạy qua án trong dạy luật.[5] Phương pháp giảng dạy qua án buộc sinh viên phải đọc, phân tích và là sáng tỏ vụ án, sinh viên cũng được yêu cầu đưa ra bình luận về phán quyết của tòa về vụ án đó. [6]  Cách thức thực hiện phương pháp là sinh viên được yêu cầu đọc các vụ án trước khi đến lớp, khi đến lớp thì giảng viên thực hiện việc hỏi – đáp đới với sinh viên theo phương pháp Socrates.[7]  

Việc sử dụng bản án trong công tác đào tạo luật ở các nước theo truyền thống thông luật (common law system) có mức độ cao hơn các quốc gia theo truyền thống luật dân sự (civil law system).[8] Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây tại các quốc gia theo dân luật như Đức, Italia, Pháp…phương pháp dạy luật qua án cũng được chú trọng trong các cơ sở đào tạo luật và các tranh luận nổ ra về nguồn gốc của phương pháp dạy luật qua án gắn liền với truyền thống pháp luật châu Âu lục địa, bắt đầu với Luật La Mã, cụ thể nguồn gốc của phương pháp được tìm thấy từ triết học Hy Lạp gắn liền với phương pháp luận Socrate và phép biện chứng của Aristoteles.[9]

Ở Việt Nam, vì nhiều lý do khác nhau mà suốt mấy chục năm qua, kể từ 1979 khi cơ sở đào tạo luật đầu tiên được thành lập, [10] việc sử dụng bản án trong công tác đào tạo luật rất ít được quan tâm,[11] đặc biệt là trong những thập niên cuối của thế kỷ XX. Suốt các thập kỷ qua, các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam hầu như chỉ tập trung vào giảng dạy lý luận pháp luật có phần khô cứng, các nội dung pháp luật thực định, cụ thể giảng viên thường chú trọng phân tích, giảng giải cho sinh viên hiểu các điều luật thành văn, và thiếu phân tích giảng dạy các vụ việc thực tế, các bản án được đưa vào nội dung giảng dạy nếu có đưa ra thì thường chỉ là một vài tình tiết nhỏ thiếu tính hệ thống.[12]

Trong xu hướng cải cách tư pháp trong Nghị quyết 49-NQ/TW (năm 2005) của
Bộ Chính trị trong việc “…thực hiện việc công khai hóa các bản án, trừ những bản án hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc liên quan đến thuần phong mỹ tục.[13], và những ảnh hưởng tích cực từ việc Tòa án nhân dân thực hiện việc phát triển án lệ, công bố án lệ trong những năm gần đây (từ năm 2016), tình hình sử dụng bản án trong công tác giảng dạy luật và nghiên cứu khoa
học đã có những tín hiệu lạc quan tại các cơ sở đào tạo luật. Trước hết, là sự thay đổi phương pháp giảng dạy tại các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam từ việc chú trọng nội dung pháp luật thực định đến việc lồng ghép và phân tích bản án, án lệ, tình huống thực tiễn để làm sáng tỏ luật nội dung. Tiếp đến là các cơ sở đào tạo luật tích cực tiếp nhận quan niệm về giáo dục pháp luật gắn liền với thực tiễn xét xử án, thực tiễn áp dụng pháp luật, và chú trọng tăng cường đào tạo các kỹ năng cơ bản để người học nhanh chóng tóm tắt vụ án, phân tích các vấn đề pháp lý, bình luận và so sánh với các phán quyết khác trong cùng vấn đề pháp lý.

Trong những năm gần đây, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã tiến hành công bố bản án có hiệu lực, xây dựng trang web công bố án lệ để tất cả người dân trong nước có thể tiếp cận. Đối với toàn xã hội, việc công bố các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, các nghiên cứu và bình luận phán quyết là việc làm hữu ích cho những người hành nghề luật, các luật sư, luật gia, thẩm phán, kiểm sát viên, cán bộ tòa án và viện kiểm sát, đồng thời điều này còn giúp cho người dân và doanh nghiệp hiểu biết thêm về pháp luật và có thể dự đoán trước kết quả giải quyết các vụ việc tương tự phát sinh.[14]

Việc đưa nội dung án lệ và bản án vào hoạt động giảng dạy về cơ bản đã có những ghi nhận hiệu quả nhất địnhtrên các phương diện về cải cách nội dung chương tình đào tạo, về kỹ thuật lồng ghép trong các môn học, và phương thức tiến hành hoạt động dạy và học.

Về chương trình đào tạo, nhìn chung, các cơ sở đào tạo luật có 3 xu hướng để đưa nội dung án lệ vào chương trình đào tạo cử nhân luật: i) Xây dựng một môn học riêng biệt về án lệ như phân tích và bình luận án lệ, hoặc trong các môn học về đào tạo kỹ năng như Kỹ năng thực hành luật, Kỹ năng phân tích các vụ án dân sự; ii) Lồng ghép nội dung án lệ vào các môn học pháp luật cụ thể như các môn học tố tụng, Luật Hôn nhân và gia đình, Pháp luật giao dịch bảo đảm, Luật Hợp đồng… iii) Giới thiệu án lệ trong các chuyên đề giảng dạy về nguốn của pháp luật, hoặc nội dung nguồn của pháp luật trong môn học Lý luận về Nhà nước và pháp luật…

Cụ thể, tại trường Đại học Luật Hà Nội đã xây dựng chương trình đào tạo có lồng ghép các bản án, quyết định của Toà án đặc biệt là một số án lệ trong một số môn học chuyên ngành lý luận chung cho đến các môn chuyên ngành như: Môn Lý luận nhà nước và pháp luật, môn Tố tụng Dân sự, môn Luật Dân sự 2, môn Kỹ năng tư vấn Pháp Luật Dân sự, môn Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Thương mại… áp dụng cho các chuyên ngành đào tạo: ngành Luật, ngành Luật Chất lượng cao, ngành Luật Kinh tế, ngành Luật Thương mại quốc tế, Ngành Ngôn ngữ anh (song bằng) và cho các hệ đào tạo VB1,VB2 chính quy; VB1, VB2 hệ vừa học vừa làm; hệ liên thông[15]

Tại trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, việc lồng ghép bản án, án lệ vào chương trình đào tạo luật thể hiện ở các môn học như: Kỹ năng thực hành luật, Kỹ năng phân tích các vụ án dân sự, giới thiệu án lệ với tư cách là nguồn của pháp luật trong các môn Lý luận Nhà nước và pháp luật, và trong tất cả các các môn học pháp luật nội dung để phân tích và làm sáng tỏ quy định.

Về kỹ thuật lồng ghép hoạt động phân tích bản án, quyết định của toà án, án lệ vào đề cương các môn học: Trước mỗi năm học, phòng ban phụ trách đảm bảo chất lượng đào tạo kết hợp với các khoa chuyên môn, bộ môn xây dựng ma trận đề cương trong đó xác định rõ mục tiêu nhận thức, thái độ, năng lực của sinh viên với mỗi môn học. Thực tiễn tại trường Đại học Luật Hà Nội trong những năm gần đây trong ma trận đề cương môn học của trường luôn yêu cầu các Bộ môn xây dựng phù hợp với ma trận của chương trình đào tạo từng ngành học, trong đó: Quy định bắt buộc đề cương một số môn học phải bổ sung mục “đóng vai, diễn án”. Ví dụ: Trong đề cương môn Luật Dân sự 1, 2 ngành Luật Kinh tế; môn Kỹ năng tư vấn pháp luật trong lĩnh vực dân sự, môn Thi hành án dân sự[16]… trong lịch trình chi tiết phải thể hiện được tiết học có vận dụng án lệ, bản án liên hệ với nội dung môn học.

Mục tiêu nhận thức của môn học được thiết kế thành ba bậc theo đó: Mục tiêu nhận thức bậc 1 là những hiểu biết cơ bản về khái niệm, đặc điểm, phân loại đối tượng nghiên cứu; Mục tiêu nhận thức bậc 2 là phân tích, so sánh…Mục tiêu nhận thức bậc 3 là đánh giá tính mới, tính hợp pháp, khả thi của các quy định pháp luật có liên quan và có khả năng vận dụng vào thực tiễn. Theo đó, ứng với yêu cầu của mỗi mục tiêu nhận thức việc phân tích, vận dụng án lệ là nội dung của hoạt động giảng dạy và học tập nhằm giúp người học đạt được mục tiêu nhận thức bậc 3.[17]

Nhìn chung, so với trước đây chương trình đào tạo theo hình thức tín chỉ ở hầu hết các cơ sở đào tạo luật hiện nay không còn nặng về lý thuyết, tăng thời gian đưa các tình huống pháp luật thực tế cũng như án lệ vào cho sinh viên thực hành, ví dụ như lồng ghép nội dung diễn án trong một số môn học, bổ sung mục tiêu nhận thức bậc 3 cho sinh viên trong từng vấn đề gắn với yêu cầu người học liên hệ, vận dụng kiến thức lý thuyết, quy định pháp luật với thực tiễn. Qua đó, người học không những được trang bị nền tảng kiến thức lý thuyết vững chắc mà còn tiếp cận được với thực tiễn áp dụng pháp luật rất sống động của Toà án. Một số môn kỹ năng được thiết kế một ca lý thuyết và hai ca thảo luận/ 1 tuần nhằm tăng thời lượng cho việc nghiên cứu bản án, quyết định của toà án và án lệ.

Về hoạt động giảng dạy của giảng viên

Tại trường Đại học Luật Hà Nội liên tục hoàn thiện “Bộ tiêu chuẩn đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội” trong đó có quy định rõ về: (i) Nội dung tiêu chuẩn và các tiêu chí của tiêu chuẩn; (ii) điểm đánh giá; (iii) hướng dẫn chi tiết thực hiện. Trong số các tiêu chí đó có những tiêu chí đảm bảo hoạt động giảng dạy của giảng viên phải tuân thủ chương trình đào tạo có lồng ghép hoạt động phân tích bản án, quyết định của Toà án, án lệ như: Giảng viên phải sử dụng giáo án, giáo án điện tử khi lên lớp và hoạt động này được giám sát, đánh giá. Tiêu chuẩn đánh giá giáo án của giảng viên là: bám sát đề cương môn học, rõ ràng, logic, thể hiện được nhiều quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề. Giáo án phải thể hiện được cả nội dung lý luận và thực tiễn. Tính thực tiễn có thể thể hiện ở các số liệu thống kê, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật hay cyngx có thể là những vụ án, việc xảy ra trên thực tiễn. Giáo án phải đưa ra tình huống, bản án, án lệ với thông tin được cập nhật kịp thời và chính xác (việc minh hoạ bằng các tình huống được thiết kế theo đặc thù của môn học).

Nhiều giảng viên trong quá trình giảng dạy đã đưa ra những tình huống cụ thể và phương pháp mới nhằm tăng cường sự tham gia chủ động, sáng tạo của sinh viên nâng cao hiệu quả giảng dạy. Việc sử dụng các tình huống thực tế, sử dụng án lệ với mục đích minh hoạ cho nội dung giảng dạy hoặc rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn cho sinh viên trong cả giờ lý thuyết và thảo luận. 

Đi liền với phương pháp giảng dạy của giảng viên là phương pháp học tập của sinh viên, trong các lịch trình chi tiết cụ thể và các đầu điểm đánh giá học phần như: Thiết kế hồ sơ vụ án trong các môn học về Kỹ năng yêu cầu sinh viên làm việc nhóm đề ra sản phẩm là bản luận cứ bảo vệ cho nguyên đơn, bị đơn…trong một số môn như môn Luật Dân sự 2 …Điều này đòi hỏi sinh viên phải tích cực nghiên cứu bản án, nghiên cứu tình huống thực tiễn và tích cực tham gia tranh luận, thảo luận trong giờ học.

Tóm lại, hoạt động đưa bản án, án lệ vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo luật tại Việt Nam là một trong những nhiệm vụ đang được quan tâm. Hoạt động này cũng phù hợp với triết lý giáo dục đang tồn tại phổ biển: Giáo dục cung cấp cho người học kỹ năng xử lý các vấn đề này sinh trong cuộc sống bằng phương pháp dạy và học bằng tình huống.[18]

 

2.   Kỹ năng và trình tự tiến hành hoạt động phân tích bản án, án lệ

            Để hiểu được nội dung bản án, nội dung án lệ và tiến tới việc nhận định những nguyên tắc pháp lý có giá trị được sử dụng, đặc biệt trong số những án lệ đã được công bố cần có những kỹ năng đọc án, phân tích và bình luận vấn đề pháp lý, nhận diện giải pháp pháp lý. Điều này đòi hỏi người học, người nghiên cứu cần tiến hành theo một trình tự nhất định mang tính kỹ thuật và gia tăng kinh nghiệm nghiên cứu cá nhân thông qua hoạt động nghiên cứu án và bình án. Dưới đây là đề xuất của nhóm tác giả về các bước tiến hành việc phân tích án lệ trong hoạt động giảng dạy mà chủ thể thực hiện là giảng viên và người học. Cụ thể:

Bước 1: Xác định được bố cục chung của án lệ.

Bước 2: Tóm tắt được nội dung vụ án

Bước 3: Xác định được tình tiết án lệ

Bước 4: Xác định được cơ sở pháp lý, các điều luật, các văn bản pháp lý có liên quan và phân tích được sự tương thích của quy định pháp luật được lựa chọn

Bước 5: Xác định được quy tắc án lệ - Hiệu quả của giải pháp được đề cập trong án lệ với thực tiễn xét xử và khoa học pháp lý

Bước 6: Xác định được những tồn tại bất cập của án lệ (nếu có)

Để minh hoạ cho các bước phân tích án lệ trong hoạt động giảng dạy pháp luật tác giả sử dụng việc phân tích án lệ số Án lệ số 25/2018/AL về không phải chịu phạt cọc vì lý do khách quan. Án lệ số 25/2018/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao[19].

Bước 1:  Xác định được bố cục chung của án lệ

Theo yêu quy định của Nghị quyết số 03/2015/ NQ-HĐTPTANDTC nay được thay thế bởi Nghị quyết số 04/2019/ NQ – HĐTPTANDTC thì mọi án lệ trong đó có án lệ số 25 đều được thiết kế gồm 9 phần: Tên “Án lệ số…”; Nguồn áp dụng; Khái quát nội dung án lệ; Quy định pháp luật liên quan đến án lệ; Từ khóa của án lệ; Nội dung vụ án; Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhận định; Quyết định và Nội dung án lệ. Đi vào chi tiết án lệ có rất nhiều nội dung và các nội dung này không có giá trị như nhau, trong đó có những nội dung chỉ mang tính tham khảo và có nội dung có tính ràng buộc như “Khái quát nội dung án lệ” và “Nội dung án lệ”. Để án lệ được áp dụng chính xác và hiệu quả thì việc phân tích và vận dụng án lệ là một kỹ năng rất quan trọng.

Việc xác định được bố cục chung của án lệ sẽ giúp người học phác hoạ được sơ đồ án lệ qua đó nắm được bố cục và yêu cầu về hình thức của án lệ đã phù hợp với quy định của Nghị quyết số 03/2015/ NQ-HĐTPTANDTC nay được thay thế bởi Nghị quyết số 04/2019/NQ – HĐTPTANDTC  ngày 18 tháng 06 năm 2019. Bên cạnh đó, trong quá trình xác định bố cục chung của Án lệ trong đó có Án lệ số 25 người học có thể biết được khái quát nguồn gốc của Án lệ, định hình được nội dung, tình tiết án lệ…

Bước 2: Tóm tắt được nội dung vụ án

Theo đơn khởi kiện ngày 20/7/2009, nguyên đơn ông Phan Thanh L trình bày: Ngày 12/5/2009, bà Trương Hồng Ngọc H thỏa thuận bán cho ông L căn nhà số 1222C (số mới là 25/2) đường 43, phường T, quận H, Thành phố H, do bà H đứng tên mua đấu giá của Cơ quan Thi hành án dân sự Thành phố H theo quyết định giao tài sản số 786/QĐ-THA ngày 02/3/2009. Tuy nhiên, bà H chưa được cấp giấy chứng nhận quyến sở hữu nhà ở vì tại thời điểm đồng ý bán cho ông L cơ quan thi hành án đang giữa các giấy tờ nhà và chậm thực hiện thủ tục sang tên chủ sở hữu căn nhà trên cho bà H. Sau khi thỏa thuận, ông L đặt cọc cho bà H 2.000.000.000 đồng. Tại Điều 5 của hợp đồng đặt cọc, các bên thỏa thuận kể từ ngày ký hợp đồng, bà H phải hoàn tất các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với căn nhà nêu trên, sau đó sẽ ký hợp đồng mua bán có công chứng; nếu vi phạm thời hạn nêu trên, bà H phải chịu phạt số tiền tương đương với tiền cọc là 2.000.000.000 đồng. Đến hạn ngày 12/6/2009, bà H không thực hiện theo thỏa thuận, nên các bên không thể thực hiện theo hợp đồng. Ngày 01/7/2009, bà H gửi thư yêu cầu ông L gia hạn 60 ngày. Ngày 07/7/2009, ông L gửi thư trả lời không đồng ý cho bà H gia hạn và yêu cầu bà H trả lại tiền cọc cùng với tiền phạt cọc như đã thỏa thuận. Sau 05 tháng bà H vẫn không thực hiện đúng cam kết, ông L khởi kiện yêu cầu bà H phải hoàn trả tiền cọc và phạt cọc, tổng cộng 4.000.000.000 đồng.

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận yêu cầu phạt cọc của ông L. Tuy nhiên, chánh án TANDTC đã có đơn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm yêu cầu huỷ các bản án nói trên và xét xử lại vụ việc. Chánh án TANDTC yêu cầu việc chậm trễ của CQTHADS trong việc sang tên cho bà H cần phải được xem xét khi giải quyết tranh chấp. Theo đó, Toà án cho rằng việc bà H không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình là do nguyên nhân khách quan. Vì vậy và H được miễn trừ trách nhiệm phạt cọc trong hợp đồng đặt cọc.

Hoạt động tóm tắt nội dung bản án có thể được tiến hành dựa trên hiểu biết của người học về bố cục bản án và đảm bảo mô tả khái quát nhưng đầy đủ thông tin về vụ án: Chủ thể tranh chấp, đối tượng tranh chấp, nội dung tranh chấp, tiến trình tranh chấp, Toà án thụ lý và kết quả giải quyết tranh chấp.

Bước 3: Xác định được tình tiết án lệ và vấn đề của vụ việc

Sau khi hoàn tất nhiệm vụ khái quát nội dung bản án tại bước hai, người học đã nắm được toàn bộ thông tin tóm lược của án lệ, từ đó xác định tình tiết của án lệ và xác định nghiệm vụ trọng tâm án lệ cần giải quyết. Quay lại với án lệ số 25: Nội dung án lệ đề cập hợp đồng đặt cọc để bảo đảm giao kết hợp đồng mua bán nhà có thỏa thuận trong một thời hạn nhất định bên nhận đặt cọc phải hoàn tất các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, nếu vi phạm thì phải chịu phạt cọc. Hết thời hạn theo thỏa thuận, bên nhận đặt cọc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà do nguyên nhân từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Có thể thấy, tình tiết án lệ được xác định bởi các dấu hiệu:

(i)              Về chủ thể tranh chấp: Bên đặt cọc yêu cầu bên nhận đặt cọc nộp phạt cọc

(ii)            Về đối tượng của hợp đồng đặt cọc: Tiền mặt trị giá 2000.000.000 đồng

(iii)          Về lý do yêu cầu phạt cọc: Bên nhận đặt cọc không thực hiện được nghĩa vụ hoàn tất thủ tục, giấy tờ, điều kiện về năng lực chủ thể để giao kết hợp đồng mua bán nhà ở với bên đặt cọc theo đúng cam kết trong hợp đồng đặt cọc

(iv)          Về nguyên nhân không thực hiện được nghĩa vụ của bên nhận đặt cọc: Do sự chậm bàn giao giấy tờ sang tên của cơ quan thi hành án dân sự.

Trong quá trình khai thác án lệ giảng viên cần đề cập đến tư duy pháp lý mà Toà án đã vận dụng khi tiếp cận vụ tranh chấp trên, cụ thể: Toà án cần giải quyết hai nội dung: Một là, vấn đề hiệu lực của hợp đồng đặt cọc và hai là, vấn đề có xuất hiện phạt cọc không?

Bước 4: Xác định được cơ sở pháp lý, các điều luật, các văn bản pháp lý có liên quan và phân tích được sự tương thích của quy định pháp luật được lựa chọn

Đề giải quyết được hai câu hỏi trên, Toà án xác định các điều luật có liên quan bao gồm: quy định tại Điều 358 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 (tương ứng với Điều 328 BLDS năm 2015) quy định về đặt cọc.

Đối với nội dung thứ nhất, về hiệu lực của hợp đồng đặt cọc:

Dù không đề cập trực tiếp nhưng thông qua động thái ghi nhận quan hệ nghĩa vụ giữa bên đặt cọc (ông L)  và bên nhận đặt cọc (bà H) Toà án đã gián tiếp thừa nhận hiệu lực của hợp đồng đặt cọc. Nhiều tác giả đánh giá sự nhận định này của Toà án là chính xác dù tại thời điểm nhận đặt cọc bà H chưa phải là chủ sở hữu căn nhà bà cam kết bán cho ông L. Tuy nhiên, hiệu lực của hợp đồng đặt cọc là độc lập với hiệu lực của hợp đồng mua bán nhà ở. Khi giao kết hợp đồng đặt cọc các bên chỉ cần đảm bảo tuân thủ điều kiện để hợp đồng đặt cọc phát sinh hiệu lực: về năng lực chủ thể, về sự tự nguyện, về tính hợp pháp của nội dung và mục đích hợp đồng; hình thức hợp đồng.

Đối với nội dung thứ hai về điều kiện phạt cọc:

 Nhận định của Toà án nhận định không xảy ra sự kiện phạt cọc vì bên nhận đặt cọc không thể thực hiện đúng cam kết là do khách quan.

Để thực hiện được bước này, giảng viên cần hướng dẫn người học cần vận dụng kiến thức đạt được trong mục tiêu nhận thức bậc 1, 2 trong đề cương môn học Luật Dân sự 2 nội dung lý luận và nắm được quy định pháp luật về nghĩa vụ dân sự, trách nhiệm dân sự. Theo đó: Về nguyên tắc, cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự . Tuy nhiên, nếu bên đặt cọc hoặc bên nhận đặt cọc vi phạm nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì bên vi phạm có phải phạt cọc không, thì quy định tại Điều 328 BLDS năm 2015 và trước đây Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/3/2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC không có đề cập đến. Hợp đồng đặt cọc cũng là một giao dịch dân sự nói chung là căn cứ xác lập quan hệ nghĩa vụ theo hợp đồng giữa bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc.  Theo quy định tại Điều 351 BLDS năm 2015 (tương ứng Điều 302 BLDS năm 2005) về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ quy định: Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền. Như vậy, quy định tại Điều 351 BLDS năm 2015 chỉ quy định đối với trường hợp vi phạm nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng, mà không đề cập đến trường hợp vi phạm nghĩa vụ vì lý do khách quan.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 BLDS năm 2015: Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của BLDS. Tuy nhiên, trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự (điều 6, bLDS năm 2015)  Hay nói khác đi, áp dụng tương tự pháp luật là biện pháp khắc phục thiếu sót của luật thuộc diện ưu tiên thứ hai, sau áp dụng tập quán là biện pháp ưu tiên thứ nhất. Tiêu chí để xác định trường hợp tương tự có thể là tiêu chí chủ quan – tương tự về chủ thể – hoặc tiêu chí khách quan – tương tự về tính chất cơ bản của quan hệ pháp luật. Trong trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật, thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng. Các bản án, quyết định được lựa chọn theo quy định được thiết lập tại Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC được coi là cách áp dụng luật chính thức đối với toàn bộ hệ thống xét xử. Hình thành theo cách đó, án lệ có tính chất ràng buộc đối với Thẩm phán, thậm chí còn mạnh hơn án lệ trong luật của Anh[20]. Theo đó, khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, khẳng định: “Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau”. Chính vì vậy, Án lệ số 25/2018/AL ra đời là sự bổ sung khiếm khuyết cho pháp luật khi không quy định về trường hợp không phải chịu phạt cọc vì lý do khách quan. Sự ra đời của Án lệ số 25/2018/AL là cần thiết, giúp Thẩm phán, Hội thẩm,… nhất là những người chưa tích lũy được nhiều tri thức, kinh nghiệm có thể tham chiếu, dễ nhận diện trên thực tế đối với trường hợp bên đặt cọc hoặc bên nhận đặt cọc vi phạm nghĩa vụ vì lý do khách quan thì không phải chịu phạt cọc được chuẩn xác hơn.

Bước 5: Xác định được nội dung án lệ - Hiệu quả của giải pháp được đề cập trong án lệ với thực tiễn xét xử và khoa học pháp lý

Nội dung Án lệ số 25/2018/AL được trích từ đoạn 1, 3 và 4 phần nhận định của Tòa án trong Quyết định giám đốc thẩm số 79/2012/DS-GĐT ngày 23/02/2012 của Tòa Dân sự TANDTC.[21] Cụ thể như sau:

[1]…Tại Điều 5 của hợp đồng đặt cọc có nêu, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, bà H phải hoàn tất các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với căn nhà nêu trên, sau đó sẽ ký hợp đồng mua bán có công chứng; nếu vi phạm thời hạn nêu trên, bà H chịu phạt số tiền tương đương với tiền cọc là 2.000.000.000 đồng. Hết thời hạn trên, bà H không thực hiện đúng cam kết, nên ông L khởi kiện yêu cầu bà H trả lại tiền cọc 2.000.000.000 đồng và phạt cọc 2.000.000.000 đồng.

[3]…tại thời điểm ông L đặt cọc 2.000.000.000 đồng cho bà Trương Hồng Ngọc H, bà H đã nhận nhà nhưng chưa làm thủ tục sang tên do cơ quan thi hành án Dân sự Thành phố Hồ Chí Minh đang quản lý toàn bộ giấy tờ có liên quan đến căn nhà…

[4]…Nếu có căn cứ xác định cơ quan thi hành án dân sự chậm trễ trong việc chuyển tên quyền sở hữu cho bà H thì lỗi dẫn tới việc bà H không thể thực hiện đúng cam kết với ông L thuộc về khách quan, và bà H không phải chịu phạt tiền cọc…”

Nhìn chung, án lệ số 25 đã cơ bản giải quyết được hai câu hỏi:

Một là về hiệu lực của hợp đồng đặt cọc: Làm rõ sự độc lập về hiệu lực giữa hợp đồng đặt cọc và hợp đồng mua bán nhà ở.

Hai là về điều kiện phạt cọc: Nhận định của Toà án nhận định không xảy ra sự kiện phạt cọc vì bên nhận đặt cọc không thể thực hiện đúng cam kết là do khách quan.

Bước 6: Xác định được những tồn tại bất cập của án lệ (nếu có)

Trong bước này giảng viên thường hướng dẫn cho sinh viên vận dựng phương pháp phân tích, kết hợp với lý thuyết lựa chọn án lệ được đề cập trong các công trình nghiên cứu và quy định của Nghị quyết số 04/2019. Theo đó chỉ ra: Bên cạnh những thành tựu đạt được, án lệ số 25 cùng còn tồn tại nhiều nội dung chưa thực sự hợp lý:

Về nội dung của án lệ: Vì lý do khách quan nên bên nhận đặt cọc không thể thực hiện đúng hợp đồng và do đó bên nhận đăt cọc sẽ được miễn trừ trách nhiệm phạt cọc đối với bên đặt cọc. Theo quy định của BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 bên có nghĩa vụ nói chung trong đó có bên nhận dặt cọc được miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp không thể thực hiện được nghĩa vụ do: i) Do sự kiện bất khả kháng; ii) Bên có nghĩa vụ chứng minh được lỗi hoàn toàn thuộc về bên có quyền; iii) Các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Án kệ số 25 nhận định việc chậm trễ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là nguyên nhân khách quan và đât là lý do bên có nghĩa vụ được miễn trừ trách nhiệm được xem là thiếu cơ sở pháp lý và hướng dẫn áp dụng vì không thuộc một trong các trường hợp miễn trừ nào nêu trên. Việc bên nhận đặt cọc là bà H không thể thực hiện không phải là do lỗi của ông L, cũng không thuộc trường hợp các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định miễn trừ trách nhiệm. Nội dung án lệ số 25 cũng chưa phân tích được các tình tiết và chứng cứ chứng minh việc chậm trễ của cơ quan thi hành án là sự kiện bất khả kháng, théo hướng: (i) việc chậm trễn của cơ quan nảy xảy ra khách quan, (ii) ông L và bà H không thể lường trước được và (iii) bà H mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhưng vẫn không thể thực hiện được nghĩa vụ.

Án lệ số 25 đưa ra thuật ngữ “nguyên nhân khác quan” là thuật ngữ không được định nghĩa trong luật, nội dung án lệ cũng không có phần giải thích rõ ràng dẫn đến nhiều khác hiểu khác nhau: Nguyên nhân khách quan có thể chỉ là lý do nằm ngoài ý chí của các bên nhưng các bên vẫn có thể khắc phục được hoặc nằm ngoài ý chí của các bên và các bên không có khả năng kiểm soát, chi phối. Trong bối cảnh thực hiện hợp đồng, nguyên nhân khách quan là bất kỳ sự kiện nào xảy ra dẫn đến việc các bên không thể thực hiện được hợp đồng vì không thể kiểm soát được mới là căn cứ để miễn trừ nghĩa vụ. Lập luận này mới đảm bảo sự công bằng và hợp lý.    

Theo đánh giá của giới phân tích Án lệ số 25 có khả năng áp dụng thấp vì án lệ không cung cấp đầy đủ các phân tích thực tế, các căn cứ pháp lý cũng như giiar thích rõ ràng về quy tắc áp dụng cho vụ án. Bên cạnh đó, đúng ở góc độ bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ, chủ thể này sẽ rất lo lắng khi bên mang nghĩa vụ sử dụng án lệ số 25 để thoái thác trách nhiệm của mình. Bởi tại thời điểm cam kết nghĩa vụ bên mang quyền không thể dự đoán hết được các tình huống có thể xảy ra. Lập luận của Toà án tại Án lệ số 25 chưa thực sự thuyết phục có thể khiến việc áp dụng án lệ vào hoạt động xét xử của Toà án khác sau này không thực sự thống nhất[22]. Bên cạnh đó, về hiệu lực của hợp đồng đặt cọc: Vấn đề cần mở rộng án lệ ở đây là nếu bên đặt cọc yêu cầu hủy bỏ hợp đồng đặt cọc đối với bên nhận đặt cọc thì sẽ xử lý trách nhiệm như thế nào.

 

3.   Nhận diện một vài khó khăn đối với giảng dạy luật qua bản án, án lệ tại Việt Nam và các kiến nghị

Một là, với hoạt động đào tạo theo hình thức tín chỉ giảng viên và sinh viên, người học không có nhiều thời lượng trên lớp đề trao đổi trong đó có thời lượng dành cho việc phân tích án lệ. Trong khi đó, đề nhận định được tình tiết án lệ, nội dung án lệ và nguyên tắc án lệ cần trải qua nhiều bước, sử dụng nhiều thời gian. Hiện nay, trong thiết kế đề cương các môn học, đa phần thời lượng cơ sở đào tạo yêu cầu người học liên hệ thực tiễn nằm trong mục tự nghiên cứu trước giờ lên lớp hoặc sau giờ lý thuyết, thảo luận, trong mục làm việc nhóm ngoài giờ.

Hai là, hệ thống án lệ của Việt Nam chưa đa dạng, phong phú, chưa tương tích với số lượng môn học và mục tiêu nhận thức của từng môn học trong chương trình đào tạo luật hiện nay. Theo Báo cáo của TANDTC hiện nay Việt Nam có 43 án lệ đã được công bố[23] và 17 dự thảo án lệ đang lấy ý kiến[24].  Trong khi đó, theo Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012  nếu pháp điển hoá các văn bản pháp luật của Việt Nam theo chủ đề thì có tới 45 chủ đề, chưa kể tới mỗi chủ đề có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Khoa học công nghệ phát triển, rất nhiều tranh chấp mới xuất hiện, nhiều vụ việc có tình tiết phức tạp tồn tại nhiều quan điểm giải quyết khác nhau như: vấn đề bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự trước đó vô hiệu, vấn đề về tiền ảo, dữ liệu cá nhân xuyên biên giới, kinh tế chia sẻ…chưa có quy định pháp luật thoả đáng để giải quyết. Vì vậy, với số lượng án lệ “khiêm tốn” việc sử dụng án lệ vào hoạt động giảng dạy của giảng viên cũng sẽ vì thế mà hạn chế sự đa dạng, phong phú, linh hoạt.

Ba là, chất lượng kỹ thuật của án lệ tại Việt Nam chưa cao: Về lý thuyết chất lượng kỹ thuật của giải pháp thể hiện trước hết trong việc lựa chọn điều luật và lựa chọn phương pháp phân tích luật. Áp dụng pháp luật để xét xử là quá trình hoạt động trí tuệ của thẩm phán; việc lựa chọn điều luật phù hợp cũng như lựa chọn phương pháp phân tích luật đúng đắn cho phép thu được giải pháp vừa hợp lý, vừa hợp với mục tiêu áp dụng pháp luật mà người làm luật mong muốn là đòi hỏi mà nhà chức trách, xã hội đặt ra đối với hoạt động trí tuệ ấy.[25] Tuy nhiên, khi đọc các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩmphán TANDTC, chúng tôi thấy rằng cơ sở để đưa ra các quan điểm pháp lý trong phần "xét thấy” của quyết định của các thẩm phán còn mang nặng tính liệt kê các quy định pháp luật; các lập luận ngắn gọn và có phần sơ sài, chưa đáp ứng được mong mỏi của các nhà nghiên cứu, thẩm phán xét xử các vụ án sau có tính chất tương đồng (điển hình là án lệ số 25/ 2018/ AL – HĐTPTANDTC đã được phân tích tại tiểu mục 2). Những lập luận của các thẩm phán cần phải được đưa cộng đồng pháp lý cũng như thực tiễn pháp lý để kiểm nghiệm và bổ sung. Cần phải nhìn nhận các quan điểm pháp lý tồn tại trong án lệ dưới góc độ "mở” và trong tương quan với điều kiện kinh tế - xã hội luôn vận động. Bên cạnh đó cũng cần có sự ổn định.  Thẩm phán ở các nước thuộc hệ thống thông luật vừa là người làm công việc thực tiễn pháp lý vừa là nhà khoa học pháp lý, vì vậy chính các thẩm phán là người tham gia vào các hoạt động khoa pháp lý rất tích cực.  Ví dụ: ở Anh: Thẩm phán thường được tuyển dụng từ những người đã có kinh nghiệm làm luật sư[26]. Ở Việt Nam hiện nay, vẫn chưa kết nối tốt được giữa hoạt động thực tiễn pháp lý và hoạt động khoa học pháp lý đối với thẩm phán. Luật học giống như một thị trường tự do với sự cạnh tranh giữa các lý thuyết đa dạng với hy vọng được các nhà lập pháp hoặc Toà án tối cao lựa chọn làm nguyên tắc pháp lý. Cho dù là hệ thống luật Châu Âu lục địa hay hệ thống luật pháp Anh-Mỹ để phán quyết của tòa án được xây dựng thành án lệ có giá trị, thì thông thường các phán quyết đó phải qua quá trình phê bình và kiểm chứng dựa trên nghiên cứu của không chỉ các Thẩm phán trong Tòa án mà còn cả giới luật gia và giới học thuật.[27]

Bốn , án lệ thường là sản phẩm được lược bỏ bớt nội dung so với nội dung bản án để phù hợp với yêu cầu về kỹ thuật trình bày giải pháp pháp lý đối với vấn đề pháp lý đặt ra trong phán quyết, tuy nhiên người nghiên cứu, người học không đủ tình tiết để đánh giá nội dung án lệ. Phương pháp phân tích án lệ, sử dụng tình huống giúp người học nâng cao khả năng tư duy độc lập, sáng tạo. Tuy nhiên, mục đích này chỉ có thể đạt được khi giảng viên và sinh viên được cung cấp học liệu đầy đủ, trong số đó chính là ngưồn án lệ, bản án đầu tiên là hình mẫu mà án lệ được phác thảo, bút lục của bản án và quá trình tranh luận của thành viên HĐTP trước khi án lệ được thông qua. Tại Việt Nam hiện nay việc truy xuất nguồn án lệ chỉ dừng lại ở việc đề cập tên bản án mà án lệ được phác thảo dựa trên đó, thiếu vắng hồ sơ dẫn đến những đánh giá về chất lượng án lệ không thực sự được đảm bảo. Do vậy, trong thời gian tới, TANDTC, các cơ sở đào tạo luật cần tăng cường hoạt động xuất bản tài liệu, giáo trình, sách chuyên khảo liên quan đến án lệ, nguồn gốc án lệ, bình luận án lệ, giúp người học nắm bắt được quy trình các lập luận hình thành quy tắc án lệ được hình thành như thế nào, ý kiến nào của các thành viên hội đồng xét xử đưa ra nhưng không được đa số thành viên chấp thuận?

Kết luận: Thay đổi phương pháp giảng dạy của các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam theo khuynh hướng tăng cường sử dụng bản án, án lệ có thể làm thay đổi xu hướng tâm lý lựa chọn căn cứ pháp lý khi xét xử. Do vậy, cần có những giải pháp khả thi đảm bảo hoạt động lựa chọn án lệ, khuyến khích và tạo điều kiện cho hoạt động bình luận án đối với các nhà khoa học pháp lý, các luật sư và đặc biệt là các thẩm phán là một việc làm cần thiết và quan trọng để nâng cao chất lượng của nguồn luật án lệ và thông tin án lệ đến tất cả các chủ thể trong xã hội. Nâng cao hiểu biết về án lệ cũng là mở rộng phạm vi chủ thể đi tìm những giải pháp hay, những lập luận pháp lý từ đời sống đảm bảo không một chủ thể nào nằm ngoài sự điều chỉnh của các giá trị công bằng, và công lý.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Bùi Xuân Hải, Thực trạng và ý nghãi của việc sử dụng bản án trong công tác đào tạo luật ở Việt Nam, Tạp chí khoa học pháp lý số 4/2015.

2.     Charles Eliot, Record of the Commemoration Number Fifth to Eight 1886, on the Two Hundred and Fifteenth Anniversary of the Faculty of Harvard College (1st ed, 1887) 159.

3.     Đỗ Thanh Trung, Án lệ: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, xem tại:  https://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/120/154, truy cập ngày 10/1/2022.

4.     Moskovitz, Myron, Beyond the Case Method: It's Time to Teach with Problems, Journal of Legal Education 42 (1992).

5.     Nguyễn Ngọc Điện, Phương pháp phân tích luật viết, 2020, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

6.     Phan Nhật Thanh, Tổng quan phương pháp giảng dạy qua án trong chuyên ngành luật từ các nước trong hệ thống thông luật và dân luật, Tạp chí khoa học pháp lý số 4/2015.

7.     Phạm Duy Nghĩa, Phương pháp nghiên cứu luật học, Nxb CAND, 2014.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] Trong khi Christopher Columbus Langdell được ghi nhận là người khởi xướng hình thức giảng dạy luật qua án và thực hiện việc áp dụng phương pháp này trong giảng dạy có tính cách mạng tại Havard, có bằng chứng khác cho thấy phương pháp này đã được sử dụng trước khi Langdell được bổ nhiệm vào Trường Luật Harvard năm 1870. Martin Lloyd Levine nói rằng “trường hợp phương pháp đã được phát triển bởi Clerke, người điều hành trường luật của riêng mình, và bởi Pomeroy tại Đại học New York và tại Hastings” trong Martin Levine, Legal Education (1st ed, 1993) D XIV. Xem Barker David, American Case Method Influence on Legal Education, [2006] ALRS 4.

[2] Các cuộc thảo luận về lịch sử của giáo dục pháp luật ở quốc gia này, bao gồm sự phát triển của phương pháp giảng dạy luật qua án xem trong các bài viết McManis, The History of First Century American Legal Education: A Revisionist Perspective, 59 WASH. U.L.Q. 597, 598 (1981); Stein, The Path of Legal Educationfrom EdwardI to Langdell: A History of InsularReaction, 57 CHx.-KENT L. REV. 429, 448- 53 (1981)

[3] Charles Eliot, Record of the Commemoration Number Fifth to Eight 1886, on the Two Hundred and Fifteenth Anniversary of the Faculty of Harvard College (1st ed, 1887) 159.

[4] Quyền sách đầu tiên về phương pháp này của Langdell là “A Selection of Cases on the Law of Contracts” năm 1871.

[5] Moskovitz, Myron, Beyond the Case Method: It's Time to Teach with Problems, Journal of Legal Education 42 (1992).

[6] Phan Nhật Thanh, Tổng quan phương pháp giảng dạy qua án trong chuyên ngành luật từ các nước trong hệ thống thông luật và dân luật, Tạp chí khoa học pháp lý số 4/2015.

[7] Phương pháp Socrate là một hình thức đối thoại tranh luận hợp tác giữa các cá nhân, dựa trên việc hỏi và trả lời các câu hỏi để kích thích tư duy phản biện và rút ra các ý tưởng cũng như các giả thiết cơ bản.Trong phương pháp Socrate, không có bài giảng của người dạy theo phương pháp giảng truyền thống và người học cũng không cần học thuộc lòng. Phương pháp Socrate đòi hỏi cuộc đối thoại chia sẻ giữa giáo viên và học sinh, trong đó cả hai đều có trách nhiệm thúc đẩy cuộc đối thoại thông qua việc đặt câu hỏi. Giáo viên, hoặc người lãnh đạo cuộc đối thoại, đưa ra những câu hỏi thăm dò nhằm nỗ lực phơi bày những giá trị và niềm tin cơ bản và hỗ trợ những suy nghĩ và tuyên bố của học sinh. Học sinh đặt câu hỏi cho cả giáo viên và lẫn nhau.

Xem thêm: https://www.law.uchicago.edu/socratic-method; https://tomprof.stanford.edu/posting/810, truy cập ngày 10/1/2022.

[8] Xem thêm Phan Nhật Thanh, “Tổng quan phương pháp giảng dạy qua án trong chuyên ngành luật từ các nước trong hệ thống thông luật và dân luật”, Tài liệu Hội thảo khoa học Sử dụng bản án trong công tác đào tạo luật và nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 1 năm 2015.

[9] Fernando M. Toller, Foundations for a Revival of the Case Method in Civil Law Education, 2010, Journal of Civil Law Studies, Vol.3.

[10] Cơ sở đào tạo luật đầu tiên được thành lập của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa được thành lập năm 1979 là Trường Đại học Pháp lý Hà Nội, sau này thành lập thêm Trường Đại học Luật Tp.Hồ Chí Minh ở phía Nam và nhiều khoa luật thuộc các đại học ở mọi vùng miền.

[11] Xem thêm, Phạm Duy Nghĩa, Phương pháp nghiên cứu luật học, Nxb CAND, 2014, tr. 7 - 8.

[12] Bùi Xuân Hải, Thực trạng và ý nghãi của việc sử dụng bản án trong công tác đào tạo luật ở Việt Nam, Tạp chí khoa học pháp lý số 4/2015.

[13] Nghị quyết số 49- NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tr 5.

[14] Bùi Xuân Hải, Tlđd.

[15] Xem chương trình đào tạo tương ứng của các ngành, các hệ đào tạo tại đuờng link trang chủ Trường Đại học Luật Hà Nội: https://hlu.edu.vn/News/GetAllNewsByCat?catid=2123, truy cập ngày 10/1/2022.

[16] Xem: Phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo và khảo thí trường Đại học luật Hà Nội, Đề cương môn học, link: http://dbcldt.hlu.edu.vn/SubNews/Details/17481, truy cập ngày 10/1/2022.

[17] Trường Đại học Luật Hà Nội, Đề cương Luật Dân sự 2, chuyên ngành đào tạo Luật Kinh tế, link: http://dbcldt.hlu.edu.vn/SubNews/Details/17481, truy cập ngày 10/1/2022.

[18] Vũ Thị Thuý, Trường Đại học Luật TP.HCM, Ứng dụng phương pháp giảng dạy tình huống trong đào tạo ngành Luật, Tạp chí Khoa học pháp lý, năm 2010. Link: https://luathinhsusite.wordpress.com/2016/09/02/ung-dung-phuong-phap-giang-day-tinh-huong-trong-dao-tao-nganh-luat/, truy cập ngày 10/1/2022.

[19] Thư viện pháp luật Việt Nam, Tin tức pháp luật, “Án lệ số 25/2018/ AL về không phải chịu phạt cọc vì lý do khách quan”, link: https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/an-le/21709/an-le-so-25-2018-al-ve-khong-phai-chiu-phat-coc-vi-ly-do-khach-quan, truy cập ngày 10/1/2022.

[20] Nguyễn Ngọc Điện, Phương pháp phân tích luật viết, 2020, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr. 197.

[21] ThS, Phan Thành Nhân, TAND tỉnh Đồng Tháp, Bình luận Án lệ số 25/2018 về không phải chịu phạt cọc vì lý do khách quan,Tạo chí Toàn án nhân dân điện tử,  link: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/binh-luan-trao-doi-gop-y/binh-luan-an-le-so-25-2018-al-ve-khong-phai-chiu-phat-coc-vi-ly-do-khach-quan, truy cập ngày 10/1/2022.

[22] Nguyễn Vũ Hoàng Long, Án lệ số 25/2018/ AL: Lo ngại về việc áp dụng, https://apolatlegal.com/vi/bai-viet/an-le-so-25-2018-al-lo-ngai-ve-viec-ap-dung.html, truy cập ngày 10/1/2022.

[23] Xem: Thư viện pháp luật Việt Nam, Tổng hợp toàn bộ án lệ của Việt Nam hiện hành, link: https://thuvienphapluat.vn/banan/tin-tuc/tong-hop-toan-bo-an-le-cua-viet-nam-hien-hanh-3367, truy cập ngày 10/1/2022.

[24] Xem trang web chính thức của Toà án nhân dân tối cao,

https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/anleduthao?selectedPage=3&docType=AnLeDuThao&mucHienThi=9019, truy cập ngày 10/1/2022.

[25] Nguyễn Ngọc Điện, Phương pháp phân tích luật viết, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2020, tr.183 – tr.198.

[26] Đỗ Thanh Trung, Án lệ: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, xem tại:  https://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/120/154, truy cập ngày 10/1/2022.

[27] Thái Vũ, Về chế định án lệ tại Việt Nam – định hướng phát triển hệ thống án lệ của Việt Nam, Tạp chí Toà án nhân dân điện tử, link: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/an-le/ve-che-dinh-an-le-tai-viet-nam-dinh-huong-phat-trien-he-thong-an-le-cua-viet-nam, truy cập ngày 10/1/2022.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

KHÁI NIỆM DỮ LIỆU CÁ NHÂN VÀ GÓC NHÌN TỪ GDPR

Quyền được lãng quên từ thực tiễn phán quyết trong phạm vi Liên minh Châu Âu

Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Nghị định mới, tấm khiên mới