ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG KHÁI NIỆM QUYỀN LỢI CÓ THỂ ĐƯỢC BẢO HIỂM ĐỐI VỚI BẢO HIỂM TÀI SẢN TRONG LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM VIỆT NAM
ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG KHÁI NIỆM QUYỀN
LỢI CÓ THỂ ĐƯỢC BẢO HIỂM ĐỐI VỚI BẢO HIỂM TÀI SẢN TRONG LUẬT KINH DOANH BẢO
HIỂM VIỆT NAM
Bạch Thị Nhã Nam
Giảng viên Khoa Luật, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học
Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Nguyên tắc quyền lợi có
thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản là nguyên tắc cốt lõi để các bên thực
hiện việc giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản. Trong quan hệ bảo hiểm tài sản,
người mua bảo hiểm chuyển giao tổn thất sang doanh nghiệp bảo hiểm nếu có rủi
ro xảy ra đối với tài sản bảo hiểm. Như cậy, muốn doanh nghiệp bảo hiểm gánh
chịu tổn thất tài chính thay mình, người mua bảo hiểm phải chứng minh họ có
quyền lợi vật chất đối với tài sản bảo hiểm.
Tuy nhiên, nguyên
tắc này hiện được quy định chưa cụ thể và còn nhiều bất cập trong văn bản pháp
luật, không phù hợp với thực tiễn đời sống kinh doanh bảo hiểm. Trên cơ sở phân
tích bất cập, và nghiên cứu pháp luật bảo hiểm các nước, tác giả đề xuất xây
dựng khái niệm quyền lợi có thể được bảo hiểm trong Luật kinh doanh bảo hiểm
Việt Nam.
Abstract: The principle of insurable interest
in property insurance is the core principle for the parties to enter into a
property insurance contract. In the property insurance relationship, the
insurance buyer transfers the loss to the insurer if there is any risk to the
insured property. If insurance buyer wants the insurer to suffer a financial
loss on his behalf, the insurer must prove that he has a material interest in
the insured property. However, this principle is currently not specified and
has many shortcomings in the legal documents, not in line with the real life
insurance business. On the basis of legal analysis, and study of insurance laws
in countries, the author proposes the concept of insurable interest in the Law
on insurance business in Vietnam.
Từ khóa: Quyền
lợi có thể được bảo hiểm, bảo hiểm tài sản, luật kinh doanh bảo hiểm…
1. Nguyên
tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản theo luật định
Nguyên
tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm được quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm Việt Nam[1]
:“Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử
dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng
được bảo hiểm”.
Như vậy, quyền lợi
có thể được bảo hiểm là lợi ích hoặc quyền lợi liên quan đến, gắn liền với, hay
phụ thuộc vào sự an toàn hay không an toàn của đối tượng bảo hiểm. Người nào có
quyền lợi có thể được bảo hiểm ở một đối tượng bảo hiểm nào đó có nghĩa là
quyền lợi của người đó sẽ được đảm bảo nếu đối tượng đó được an toàn, và ngược
lại, quyền lợi của người đó sẽ bị phương hại nếu đối tượng bảo hiểm đó gặp rủi
ro, hay tổn thất.
Đối với bảo hiểm tài
sản, theo quy định trên thì quyền lợi có thể được bảo hiểm của một người hoặc
tổ chức đối với tài sản được xem là đối tượng được bảo hiểm bao gồm quyền sở hữu tài sản, hoặc quyền chiếm hữu,
hoặc quyền sử dụng, quyền tài sản của người hoặc tổ chức đó đối với tài sản
được bảo hiểm. Nói một cách khác, bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được
bảo hiểm nghĩa là tồn tại một số quan hệ được pháp luật công nhận giữa bên mua
bảo hiểm với đối tượng bảo hiểm. Đó có thể là người chủ sở hữu của tài sản được
bảo hiểm, người chịu trách nhiệm quản lý tài sản hoặc người nhận cầm cố tài sản
được bảo hiểm…
Quyền lợi có thể
được bảo hiểm có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có
quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với tài sản thì mới được ký kết hợp đồng bảo
hiểm. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm
đối với tài sản được bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm được kí kết sẽ trở nên vô
hiệu theo quy định tại khoản 1 điều 22 Luật kinh doanh bảo hiểm[2],
hoặc hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt khi bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có
thể được bảo hiểm theo quy định tại khoản 1, điều 23 Luật kinh doanh bảo hiểm[3].
Thậm chí quy định
pháp luật của một số nước còn quy định nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm
là nguyên tắc luật định, chứ không phụ thuộc vào tự do ý chí của các bên trong
giao dịch bảo hiểm[4],
ngay cả khi doanh nghiệp bảo hiểm đồng ý chấp nhận bên mua bảo hiểm không có
quyền lợi có thể được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm, thì hợp đồng bảo hiểm
đó vẫn bị xem xét vô hiệu.
Nguyên tắc quyền lợi
có thể được bảo hiểm có tính lịch sử lâu đời và đã được thừa nhận trong pháp
luật của rất nhiều quốc gia ngay từ khi các đạo luật về bảo hiểm được ban hành,
ví dụ như Đạo luật về hợp đồng bảo hiểm của Úc 1984,[5]
hay là các đạo luật bảo hiểm của Anh (Đạo luật bảo hiểm hàng hải 1745, Đạo luật
bảo hiểm nhân thọ 1774 và 1845) [6].
Nguồn gốc của nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm nhằm ngăn chặn việc
trục lợi bảo hiểm và bảo vệ các lợi ích công cộng nhằm chống lại các trò chơi
cá cược của các cá nhân, tổ chức không có mối quan hệ gì gắn liền với tài sản,
ví dụ: tài sản của một cá nhân nào đó được đem ra cược rằng sẽ bị hư hỏng tại
một thời điểm trong tương lai, nếu việc hư hỏng xảy ra thì một bên trong vụ cá
cược sẽ nhận tiền thắng cược chứ không phải bản chất là tiền bồi thường như
trong hợp đồng bảo hiểm. Bên cạnh đó, nguyên tắc này sẽ khuyến khích bên mua
bảo hiểm có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho tài sản vì chỉ có người
có quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với tài sản được bảo hiểm mới chịu thiệt
hại về tài chính khi tài sản được bảo hiểm gặp rủi ro, hư hỏng hay bị tiêu hủy,
lợi ích của bên mua bảo hiểm gắn liền với sự an toàn của tài sản được bảo hiểm.
Và nguyên tắc quyền lợi được bảo hiểm sẽ giới hạn số tiền bồi thường của doanh
nghiệp bảo hiểm chi trả cho bên mua bảo hiểm trong chừng mực mức độ lợi ích vật
chất thiết thực của bên mua bảo hiểm đối với tài sản được bảo hiểm.
Đối với loại hình
hợp đồng bảo hiểm tài sản, áp dụng nguyên tắc bồi thường trên cơ sở tổn thất
tài chính xác định được khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, nên quyền lợi có thể được
bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản phải tồn tại vào thời điểm xảy ra tổn thất. Nếu
vào thời điểm xảy ra tổn thất, bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được
bảo hiểm đối với tài sản thì bên mua không gánh chịu bất kì tổn thất hay thiệt
hại nào do rủi ro đối với tài sản gây ra, nên không có bất kì cơ sở nào để
doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho bên mua. Do vậy, khi xảy ra tổn thất,
người được bảo hiểm đã phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm, mới được bồi
thường.
Có sự khác nhau giữa
pháp luật các quốc gia về tính chất thời điểm xuất hiện quyền lợi có thể được
bảo hiểm tùy thuộc vào loại hình bảo hiểm, ví dụ là bảo hiểm nhân thọ hay bảo
hiểm tài sản. Hầu hết pháp luật bảo hiểm các quốc gia yêu cầu đối với bảo hiểm
nhân thọ, quyền lợi có thể được bảo hiểm chỉ cần tồn tại vào thời điểm ký kết
hợp đồng bảo hiểm, và không xem xét vấn đề này vào thời điểm xảy ra sự kiện bảo
hiểm, ví dụ một người chồng có thể mua bảo hiểm cho người vợ và thậm chí có thể
tiếp tục duy trì hợp đồng bảo hiểm này sau khi ly hôn.[7]
Trong khi đó đối với bảo hiểm tài sản, việc quy định quyền lợi có thể được bảo
hiểm phải tồn tại vào thời điểm xảy ra tổn thất là bắt buộc, mà không chú trọng
việc xuất hiện quyền lợi có thể được bảo hiểm ở thời điểm giao kết hợp đồng. Vì
bảo hiểm tài sản áp dụng nguyên tắc bồi thường, bản chất của nguyên tắc bồi
thường là căn cứ trên thiệt hại thực tế do sự kiện bảo hiểm xảy ra, để bên mua
bảo hiểm có cơ sở yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bù đắp và bồi thường thiệt hại
đối với tài sản vào thời điểm xảy ra tổn thất.[8]
Tuy nhiên, pháp luật một số nước có thể yêu cầu quyền lợi có thể được bảo hiểm trong
bảo hiểm tài sản phải xuất hiện đồng thời tại thời điểm giao kết hợp đồng và cả
thời điểm xảy ra tổn thất, ví dụ như quy định trong đạo luật bảo hiểm 1974 của
Philippin[9].
2. Phân tích
bất cập liên quan đến nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm
tài sản
Thứ nhất, khái niệm quyền lợi có thể được bảo hiểm trong luật kinh doanh bảo hiểm
Việt Nam hiện chưa được quy định khái quát, chỉ đơn thuần được liệt kê các loại
quyền, và chưa làm rõ quyền lợi nào áp dụng đối với bảo hiểm tài sản, bảo hiểm
nhân thọ, hay với loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
Dựa vào quy định chung đó tại khoản 9, Điều 3, có thể có thể hiểu quyền
lợi có thể được bảo hiểm trong loại hình bảo hiểm tài sản bao gồm “quyền sở hữu, quyền chiếm hữu,
quyền sử dụng, quyền tài sản”, các nội dung liệt kê khác như
“quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm” được
hiểu sẽ áp dụng cho loại hình bảo hiểm khác.
Theo người viết, việc quy định theo cách liệt kê như trên không làm rõ
được bản chất của khái niệm quyền lợi có thể được bảo hiểm. Đồng thời, việc quy
định liệt kê quyền sở hữu đối với tài sản, quyền chiếm hữu, hoặc quyền sử dụng…
đang làm hạn hẹp các trường hợp một người có thể mua bảo hiểm tài sản. Trên
thực tế, sự đa dạng các quan hệ xã hội phát sinh đã dẫn đến nhiều lúng túng
trong quá trình áp dụng pháp luật giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo
hiểm hiện nay. Ví dụ như một chủ nợ có bảo đảm đối với tài sản bảo đảm, có
quyền lợi được bảo hiểm đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của con nợ hay
không? Người mua hàng có thể có quyền lợi được bảo hiểm đối với hàng hóa được
mua đang trên đường vận chuyển và vẫn chưa được thanh toán hết cho người bán
hay không? Chủ đầu tư một công trình xây dựng liệu có quyền lợi được bảo hiểm
đối với công trình đang xây dựng nếu việc thanh toán cho nhà thầu được thực
hiện theo phương thức thanh toán trọn gói hay không?. Với việc quy định liệt kê
quyền lợi có thể được bảo hiểm theo kiểu phân loại như trên đã không thể bao
quát các trường hợp trên thực tế. Trong một chừng mực nào đó, đây còn là cách
phân loại hơn là nêu lên một định nghĩa.Vì vậy cần xây dựng khái niệm quyền lợi
có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản một cách khái quát dựa trên bản
chất, và làm rõ các yếu tố xác định quyền lợi được bảo hiểm.
Thứ hai, trong các nội dung được liệt kê tại khoản 9, Điều 3, Luật kinh doanh
bảo hiểm, ngoài quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng được quy định hợp
lý, thì việc quy định bên mua bảo hiểm có “quyền tài sản” đối với tài sản là
điều bất hợp lý.
Một cách cụ thể, việc quy định bên mua bảo hiểm có quyền sở hữu đối với
tài sản, quyền chiếm hữu, hoặc quyền sử dụng đối với tài sản tức là bên mua có
quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với tài sản, thể hiện sự hợp lý vì đây là
các quyền mà bên mua bảo hiểm thực hiện đối với tài sản, trong đó quyền sở hữu
là quyền cốt lõi và cơ bản nhất. Quyền sở hữu cho phép người có quyền khai thác
trọn vẹn năng lực tạo giá trị vật chất, kinh tế của tài sản[10],
vì vậy nên sự an toàn của tài sản sẽ gắn liền với lợi ích kinh tế mà người chủ
sở hữu có được từ tài sản. Nếu tài sản của người chủ sở hữu bị hư hỏng sẽ dẫn
đến tổn thất vật chất mà họ phải gánh chịu, chính vì điều này đã tạo nên quyền
lợi có thể được bảo hiểm của người chủ sở hữu tài sản với đối tượng tài sản đó.
Nói một cách rộng ra, “lợi ích kinh tế” tài sản mang lại hay “tổn thất tài
chính” do rủi ro đối với tài sản gây ra, là các nội dung cơ bản thể hiện quyền
lợi có thể được bảo hiểm trong mối quan hệ giữa bên mua bảo hiểm và đối tượng
tài sản được bảo hiểm.
Trong khi đó, khi điều luật đề cập đến “quyền tài sản” tạo nên sự bất
hợp lý vì “quyền tài sản” được xem là một loại tài sản theo quy định của luật
tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ
có giá và các quyền tài sản”, khác với khái niệm “quyền đối với tài sản”
bao gồm quyền sở hữu và các vật quyền khác. Đây có thể là lỗi của các nhà làm
luật, vì vậy tác giả cho rằng cần phải thay đổi nội dung này để phù hợp với quy
định cơ bản của pháp luật.
Ngoài ra, việc ghi nhận các vật quyền khác, bao gồm cả các quyền khác đối với tài sản tạo ra
quyền lợi có thể được bảo hiểm sẽ bao quát các trường hợp trong thực tế kinh
doanh bảo hiểm. Nếu bên mua bảo hiểm có các quyền khai thác trực tiếp từ tài
sản để thu được những tiện ích do tài sản đem lại trên cơ sở quyền sở hữu,
quyền sử dụng, quyền hưởng dụng…thì rõ ràng rằng bên mua có quyền lợi có thể
được bảo hiểm đối với tài sản đó.Tuy nhiên, trên thực tế còn tồn tại nhiều tình
huống khi bên mua bảo hiểm có các quyền tác động khác vào giá trị kinh tế của
tài sản chứ không phải khai thác trực tiếp trên sự tồn tại vật lý của tài sản,
liệu có thể có quyền lợi được bảo hiểm đối với tài sản không? Các quyền tác
động khác vào giá trị kinh tế của tài sản được
hiểu là hình thành từ các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ bằng tài sản như cầm cố,
thế chấp…[11]. Khi đó, giả sử bên nhận
thế chấp tài sản liệu có thể mua bảo hiểm cho tài sản được không? Căn cứ trên
giá trị khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản, thì số tiền bảo hiểm không được
vượt quá giá trị khoản nợ. Nếu tài sản bị cháy, hư hỏng, thiệt hại thì chủ nợ
của tài sản bảo đảm có thể được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm
không? Trên thực tế, khi quyền sở hữu chưa được chuyển giao nhưng chủ nợ có bảo
đảm đã có nhu cầu mua bảo hiểm cho tài sản bảo đảm, để hạn chế rủi ro đối với
tài sản bảo đảm, cũng đồng thời hạn chế rủi ro đối với giao dịch bảo đảm này.
Thứ ba, luật kinh doanh bảo hiểm cần phải cập nhật tinh thần đổi mới của Bộ
luật dân sự 2015, không định nghĩa riêng biệt quyền chiếm hữu là một trong ba
thành tố của quyền sở hữu, mà có xu hướng dùng các nội dung quyền sử dụng để mô
tả quyền chiếm hữu, “thực hiện hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi
phối tài sản”.[12]
Trong khi đó, việc chiếm hữu tài sản được quy định tại Điều 179 khoản 1, là
việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản tồn tại khá phổ biến trong đời sống như
việc thuê, mượn tài sản người khác để sử dụng hoặc thậm chí chiếm đoạt tài sản
trong một vụ trộm, cướp.., người đó nắm giữ tài sản trong tư thế và với thái độ
của người có quyền đối với tài sản, và không cần phải xem xét vấn đề liệu người
đó thực sự có hay không có quyền đối với tài sản.[13]
Có nhiều tình huống được đặt ra trên thực tế khi bên mua bảo hiểm không
có quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản mà chỉ đơn thuần đang chiếm hữu tài
sản, liệu có quyền lợi được bảo hiểm đối với tài sản đó không, để tiến hành mua
bảo hiểm cho tài sản đó? Ví dụ một người mua ngay tình một tài sản bị ăn cắp có
quyền lợi được bảo hiểm đối với tài sản bị ăn cắp này không, và liệu có thể
tiến hành mua bảo hiểm chống hỏa hoạn cho đối tượng tài sản trên không?[14]
Một người được uỷ quyền tuyệt đối sử dụng chiếc du thuyền tùy mục đích bởi chủ
sở hữu hợp pháp của nó có thể tiến hành mua bảo hiểm cho chiếc du thuyền không?[15]
Nếu các giao dịch mua bảo hiểm trên được xác lập, cơ sở của việc xác định quyền
lợi có thể được bảo hiểm trong các tình huống này không phải là quyền sở hữu,
không phải là quyền chiếm hữu theo cách hiểu như trước khi Bộ luật dân sự 2015
được ban hành, mà đây là việc chiếm hữu tài sản. Với tư cách chiếm hữu tài sản,
người chiếm hữu tài sản hoàn toàn có quyền tiến hành khai thác hưởng lợi từ tài
sản, sử dụng tài sản.., và có các lợi ích nhất định gắn liền với sự tồn tại của
tài sản, sự an toàn của tài sản. Điều đó tạo ra quyền lợi có thể được bảo hiểm
với tư cách người chiếm hữu tài sản.
Ngoài ra,
Bộ luật dân sự năm 2015 còn ghi nhận thêm một loại quyền đối với tài sản: quyền
hưởng dụng. Đây là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi,
lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn
nhất định.[16]
Vậy người có quyền hưởng dụng đôi với tài sản có quyền lợi có thể được bảo hiểm
cho tài sản trong thời gian hưởng dụng được không? Theo quy định tại khoản 4
Điều 262 Bộ luật dân sự 2015, người hưởng dụng có nghĩa vụ: “Bảo dưỡng, sửa
chữa tài sản theo định kỳ để bảo đảm cho việc sử dụng bình thường; khôi phục
tình trạng của tài sản và khắc phục các hậu quả xấu đối với tài sản do việc
không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật hoặc theo
tập quán về bảo quản tài sản”. Như vậy, trong thời gian hưởng dụng, nếu có
hư hỏng thiệt hại xảy ra đối với tài sản, người hưởng dụng có nghĩa vụ phải sửa
chữa tài sản, bảo quản tài sản, vậy để ngăn ngừa rủi ro đối với tài sản và tổn
thất tài chính khi rủi ro xảy ra đối với tài sản, người có quyền hưởng dụng
liệu có thể mua bảo hiểm cho tài sản được không?
Phán quyết trong các vụ án liên quan đến bảo hiểm ở các nước thường
nhấn mạnh quyền lợi bảo hiểm tồn tại khi bên mua bảo hiểm đạt được lợi ích với
sự tồn tại liên tục của tài sản, và sẽ chịu tổn thất khi tài sản bị hư hại hoặc
bị phá hỏng.[17] Thậm chí ngay cả khi
không tồn tại quyền sở hữu hợp pháp, nhưng tồn tại thiệt hại của bên mua khi sự
kiện bảo hiểm xảy ra đối với tài sản vào thời điểm xảy ra tổn thất đã đủ cơ sở
thiết lập quyền lợi có thể được bảo hiểm.[18]
Như vậy, lợi ích kinh tế
do tài sản đem lại cho bên mua bảo hiểm hay tổn thất vật chất khi rủi ro xảy ra
đối với tài sản đối với bên mua bảo hiểm đã tạo nên một lợi ích chính đáng của
bên mua bảo hiểm, làm cơ sở thiết lập quyền lợi có thể được bảo hiểm.
Quay trở lại tình huống một người mua ngay tình một tài sản bị ăn cắp
có lợi ích kinh tế đối với sự an toàn và sự tồn tại của tài sản[19],
và lợi ích đó được xác định trên cơ sở giá mua tài sản, đủ tạo nên một giá trị
kinh tế lớn, quan trọng đối với bên mua bảo hiểm, và đó là một lợi ích hợp pháp
dù là người mua đã mua phải một tài sản bị ăn cắp. Do vậy, quyền lợi có thể
được bảo hiểm không cần phải được thiết lập với tư cách người sở hữu hợp pháp,
hay có tư cách chính đáng[20],
mà quyền lợi có thể được bảo hiểm đã được Tòa án giải thích mở rộng là những
lợi ích kinh tế quan trọng.
3. Đề xuất các
yếu tố xây dựng khái niệm quyền lợi có thể được bảo hiểm trong luật kinh doanh
bảo hiểm Việt Nam
Trên cơ sở phân tích những bất cập trong quy định pháp luật kinh doanh
bảo hiểm Việt Nam và so sánh với pháp luật bảo hiểm các quốc gia, người viết
kiến nghị cần xem xét và xây dựng khái niệm “quyền lợi có thể được bảo hiểm” trong
luật kinh doanh bảo hiểm một cách khái quát nhất để phù hợp với thực tiễn kinh
doanh bảo hiểm, đồng thời quy định những nội dung cụ thể khác như thời điểm xác
định quyền lợi được bảo hiểm, tính hiệu lực của hợp đồng liên quan đến quyền
lợi có thể được bảo hiểm...
Tham khảo pháp luật một số quốc gia khác trên thế giới, như theo quy
định pháp luật bảo hiểm của Mỹ, “một người được xem là có quyền lợi có thể
được bảo hiểm đối với tài sản nếu như người đó nhận được một lợi ích kinh tế
từ việc tồn tại của tài sản, hoặc sẽ chịu tổn thất cho việc hư hại, phá
hủy của tài sản, cho dù người đó có quyền sở hữu hợp pháp hay không, có chiếm
hữu tài sản hoặc nắm giữ tài sản đó như một tài sản bảo đảm cho một khoản nợ
hay không”.[21]
Như vậy, việc bên mua bảo hiểm có quyền sở hữu, có chiếm hữu tài sản
hay một có tư cách nào đó của đối với tài sản được bảo hiểm không phải là yếu
tố quyết định đến việc thiết lập quyền lợi được bảo hiểm mặc dù nếu có quyền sở
hữu đối với tài sản thì đương nhiên có quyền lợi có thể được bảo hiểm, nếu là
người chiếm hữu đối với tài sản thì trong chừng mực nào đó sẽ có quyền lợi được
bảo hiểm đối với tài sản…Tuy nhiên, bản chất của việc xác định quyền lợi được
bảo hiểm theo luật định cần phải dựa trên cơ sở mối quan hệ vật chất giữa bên
mua bảo hiểm và tài sản được bảo hiểm hay lợi ích kinh tế mà người mua khai
thác từ sự tồn tại của tài sản được bảo hiểm, và sẽ chịu tổn thất cho việc hư
hại, phá hủy của tài sản, và lợi ích đó đủ lớn để tạo nên quyền lợi có thể được
bảo hiểm. Đây là các yếu tố quan trọng mà các nhà làm luật nên cân nhắc khi xây
dựng khái niệm quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản.
Pháp luật bảo hiểm của Singapo còn thể hiện sự thận trọng khi quy định
rằng, sự kiểm soát hay nắm giữ tài sản đơn thuần mà không có một tư cách sở hữu
hợp pháp, hay một lợi ích chính đáng giữa người đó và tài sản thì không thể
thỏa mãn quy định về quyền lợi được bảo hiểm.[22]
Quy định này đòi hỏi người mua bảo hiểm phải có một quyền nhất định theo luật
hoặc trên thực tế đối với tài sản bên cạnh quan hệ lợi ích vật chất giữa người
mua bảo hiểm và tài sản. Đây là điểm đáng cân nhắc nhằm phân tích rõ lợi ích
vật chất nếu có, liệu đủ giá trị để tạo nên quyền lợi có thể được bảo hiểm
chưa, liệu người đang nắm giữ tài sản có một tư cách hay quyền gì đối với tài
sản được bảo hiểm không?
Đối với vấn đề thời điểm xác định bên mua bảo hiểm có quyền lợi được
bảo hiểm, thời điểm xác định phải là thời điểm xảy ra tổn thất, hay là thời
điểm sự kiện bảo hiểm xảy ra chứ không phải thời điểm giao kết hợp đồng. Pháp
luật bảo hiểm của Úc còn làm rõ vào thời điểm giao kết hợp đồng nếu không tồn
tại quyền lợi được bảo hiểm, điều này sẽ không dẫn đến hợp đồng bảo hiểm vô
hiệu.[23]
Đối với Tòa án, để xem xét trong tình huống tranh chấp có tồn tại quyền
lợi được bảo hiểm hay không, thông thường tòa án phải xem xét theo trình tự: 1)
Xác định đối tượng được bảo hiểm theo ngôn ngữ hợp đồng, bối cảnh giao kết…, 2)
Bên mua bảo hiểm có lợi ích như thế nào đối với tài sản được bảo hiểm?, 3) Lợi
ích đó có đủ giá trị tạo nên quyền lợi được bảo hiểm hay không?[24].
Trên đây là những kiến nghị nhằm gợi ý cho các nhà làm luật xem xét khi
xây dựng khái niệm quyền lợi có thể được bảo hiểm, nhằm hoàn thiện Luật kinh
doanh bảo hiểm Việt Nam, hiện đang có nhiều bất cập và không phù hợp với thực
tiễn kinh doanh bảo hiểm cũng như các quy định mới ban hành trong Bộ luật dân
sự 2015. Việc sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm là cấp thiết
nhằm góp phần mở rộng hợp
lý thị trường bảo hiểm, và đảm bảo việc giao kết hợp đồng bảo hiểm trên cơ sở
thiện chí, trung thực của các bên, theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cung cấp
sản phẩm bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm theo
đúng quy định của pháp luật.
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1. Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 được thông qua ngày
09/12/2000 và được sửa đổi bổ sung 24/11/2010.
2. Đạo luật bảo hiểm của tiểu bang
California 2009
3. Đạo luật hợp đồng bảo hiểm Úc
1984
4.
Đạo luật bảo hiểm Philippin 1974
5.
PGS.TS
Nguyễn Ngọc Điện, Giáo trình luật dân sự tập 1, Nhà xuất bản Đại học quốc gia
Thành phố Hồ Chí Minh, 2017, tr.197.
6. Greg Pynt, Australian Insurance
Law: A first reference, 2nd Edition, LexisNexis Butterworths,
Australia, 2011
7. Emeric
Fischer, Peter Nash
Swisher, Jeffrey
Stempel, Principle of Insurance Law, Revised Fourth edition,
LexisNexis, 2012.
[1] Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 được thông
qua ngày 09/12/2000 và được sửa đổi bổ sung 24/11/2010.
[2] Điều 22. “1. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong các
trường hợp sau đây: a) Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo
hiểm;”
[3] Điều 23. “Ngoài các
trường hợp chấm dứt hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự, hợp đồng bảo
hiểm còn chấm dứt trong các trường hợp sau đây:1.Bên mua bảo hiểm không còn
quyền lợi có thể được bảo hiểm;”.
[4] Đạo luật bảo hiểm
của tiểu bang California 2009 quy định: “Every stipulation in a policy of
insurance for the payment of loss whether the person insured has or has not any
interest in the property insured, or that the policy shall be received as proof
of such interest, is void.”, truy cập
tại https://law.justia.com/codes/california/2009/ins/280-287.html,
vào 30/03/2018.
[5] Xem nguyên văn đạo
luật tại, http://www.bnlaw.com.au/content/Document/insurable_interest.pdf,
vào 30/03/2018.
[6] Greg Pynt,
Australian Insurance Law: A first reference, 2nd Edition, LexisNexis
Butterworths, Australia,2011, tr.48.
[7] Emeric Fischer, Peter Nash
Swisher, Jeffrey
Stempel, Principle of Insurance Law, Revised Fourth edition,
LexisNexis, 2012, tr.375. Quy định này khác biệt với quy định của pháp luật
Việt Nam, yêu cầu bên mua bảo hiêm phải có mối quan hệ vợ chồng với đối tượng
được mua bảo hiểm, khi mối quan hệ vợ chồng chấm dứt về mặt pháp lý thì không tồn
tại quyền lợi có thể được bảo hiểm
[8] Xem Greg, đã dẫn, tr.175.
[9] Ví dụ như đạo luật bảo hiểm 1974 của Philippin “Quyền lợi có thể được bảo hiểm phải tồn tại khi hợp đồng bảo
hiểm có hiệu lực và khi tổn thất xảy ra nhưng không phải tồn tại vào khoảng
giữa hai thời điểm trên” (Nguyên văn “Sec. 19. An interest in property
insured must exist when the insurance takes effect, and when the loss occurs,
but not exist in the meantime”), truy cập tại http://www.chanrobles.com/presidentialdecreeno612.htm#.WroEEPlEnIU,
ngày 30/03/2018.
[10] PGS.TS Nguyễn Ngọc
Điện, Giáo trình luật dân sự tập 1, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Thành phố Hồ
Chí Minh,2017, tr.197.
[11] Dựa trên phân
tích của PGS. TS Nguyễn Ngọc Điện về các loại vật quyền theo học thuyết pháp lý
các nước Châu Âu gồm vật quyền chính và vật quyền phụ, tlđd, tr.176 – tr.177.
[12] PGS.TS Nguyễn Ngọc
Điện, tlđd, tr.210
[13] PGS.TS Nguyễn Ngọc
Điện, tlđd, tr.211
[14] Vụ án Castle Car v. United State fire Insurance Co. (1981). Đây là
một vụ án được Tòa tối cao của bang Virginia, Mỹ xét xử vào năm 1981 giữa bên
nguyên đơn là một công ty kinh doanh mua bán xe ô tô - Caste Car, và bị đơn là
hãng bảo hiểm. Quan điểm của Tòa là ủng hộ bên nguyên đơn, là bên mua tài sản bị
ăn cắp, không xem xét tư cách sở hữu có hợp pháp hay không, mà Tòa xem xét rằng
dù là tài sản bị ăn cắp nhưng bên nguyên đơn có quyền lợi có thể được bảo hiểm
vì lợi ích kinh tế gắn liền giữa nguyên đơn và chiếc xe ô tô, dựa trên giá mua
ô tô. Xem Emeric
Fischer, et al, tr.378.
[15] Vụ án The Moonacre (1992). Phán quyết của Tòa
trong vụ án này cho rằng dù ông Sharp (người được ủy quyền sử dụng du thuyền)
không có tư cách sở hữu hợp pháp, hay tư cách chính đáng nào đối với chiếc du
thuyền, tuy nhiên ông này có quyền lợi được bảo hiểm đối với chiếc du thuyền,
vì trên cơ sở ủy quyền đã thiết lập mối quan hệ pháp lý giữa ông Sharp và chiếc
du thuyển, cụ thể, ông Sharp được trao quyền sử dụng du thuyền tùy ý và kiểm
soát du thuyền trong trường hợp cần thiết, nếu như du thuyền bị cháy hoặc hư hại,
thì ông Sharp sẽ mất đi các lợi ích có thể thụ hưởng từ chiếc du thuyền.
[16] Điều 257, Bộ Luật
dân sự 2015
[17] Xem phán quyết vụ
Bartolo
Wood Turners Limited v. Middle Sea Insurance plc (2007), nguyên văn “an insurable interest exists when the
insured “may be said to benefit by the continued existence of the property or
life insured and will suffer a loss by reason of its damage or
destruction."; và phán quyết vụ Bolling
v.Dallis, xem Emeric
Fischer, et al, tr.379.
[18] Xem phán quyết vụ Bertu
Camilleri et v. Harold Bartoli et noe (2003), nguyên văn “it is not absolute
ownership which is required but the existence
of a relationship between the person insured and the thing which could be
adversely affected by the happening of the risk insured against."
[19] Đạo luật bảo hiểm tiểu bang Virginia, Mỹ
về khái niệm quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản, Code of
Virginia § 38.2-303 - Insurable interest required in property insurance “As
used in this section, "insurable interest" means any lawful and substantial economic interest in the safety or preservation of the subject ofinsurance
free from loss, destruction or pecuniary damage.”
[20]
Được dịch từ
nguyên gốc “equitable title”.
[21] Xem Emeric
Fischer, et al, tr.376. Nguyên văn “A person generally is said to
have an insurable interest in property if he derives an economic benefit from its existence, or would suffer any loss from
its destruction, whether or not he has any title to, possession of, or lien
upon this property”.
[22] “A moral certainty of loss or
physical possession of property short of a legal or equitable interest is thus
unlikely to be sufficient to constitute an insurable interest”, truy cập tại http://www.singaporelaw.sg/sglaw/laws-of-singapore/commercial-law/chapter-24, vào ngày 30/03/2018.
[23] “A contract of general insurance is not void by reason
only that the insured did not have, at the time when the contract was entered
into, an interest in the subject‑matter of the contract.”, truy cập tại
https://www.legislation.gov.au/Details/C2016C00820/Html/Text,
vào ngày 30/03/2018.
[24] Vụ Feasery v Sun Life Asurance Company of
Canada (2003), Xem Greg, tlđd, tr.175.
NGUỒN: TẠP CHÍ LUẬT HỌC
Nhận xét
Đăng nhận xét