ĐẠO ĐỨC KHOA HỌC
ĐẠO ĐỨC KHOA HỌC
NGUYỄN TUẤN
Đạo đức khoa học là một vấn đề quan trọng và cơ bản trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học (NCKH), thu hút sự quan tâm, chú ý không chỉ của giới khoa học mà của toàn xã hội. Tuy nhiên, các chuẩn mực đạo đức khoa học cụ thể là gì thì không dễ có câu trả lời.
Theo tác giả, các tiêu chuẩn đạo đức khoa học được tóm lược qua 6 nguyên tắc: Thành thật tri thức, cẩn thận, tự do tri thức, cởi mở – công khai, ghi nhận công trạng thích hợp, trách nhiệm trước công chúng.
Mỗi ngành, nghề trong xã hội, nhất là những nghề có liên quan đến sự an sinh của con người hay có ảnh hưởng đến một quần thể lớn, đều có những chuẩn mực về đạo đức hành nghề. Chẳng hạn như nghề y có các tiêu chuẩn về y đức mà bất cứ sinh viên y khoa nào mới ra trường đều phải “nằm lòng”, hay trong giới luật sư có những quy ước đạo đức cho việc hành nghề. Mới đây, trước những “lem nhem” của một số thầy cô giáo, có người kêu gọi nên phát triển những tiêu chuẩn đạo đức cho nghề sư phạm. Hoạt động khoa học (HĐKH) nói chung và NCKH nói riêng có ảnh hưởng lớn đến xã hội và con người, cho nên các chuẩn mực đạo đức đóng một vai trò rất cơ bản đối với các nhà khoa học.
Chuẩn mực đạo đức không phải là luật pháp, mà là những quy ước hay điều lệ về hành xử được các thành viên trong ngành nghề chuyên môn chấp nhận như là những kim chỉ nam cho việc hành nghề. Các quy ước này cho phép, nghiêm cấm, hay đề ra thủ tục về cách hành xử cho các tình huống khác nhau. Trong HĐKH, hai chữ “hành xử” ở đây bao gồm các lĩnh vực chuyên biệt như thí nghiệm, xét nghiệm, giảng dạy và huấn luyện, phân tích dữ liệu, quản lý dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, xuất bản ấn phẩm, trình bày công trình nghiên cứu trước công chúng và quản lý tài chính.
Vậy các chuẩn mực đạo đức khoa học cụ thể là gì? Khó có câu trả lời cho câu hỏi này, bởi vì HĐKH cực kỳ đa dạng, do đó các chuẩn mực đạo đức thường tùy thuộc vào từng lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn, các tiêu chuẩn đạo đức cho ngành khoa học nông nghiệp khác với các bộ môn khoa học liên quan đến động vật như y sinh học. Tuy nhiên, theo tôi, có thể tóm lược các tiêu chuẩn đạo đức khoa học qua 6 nguyên tắc cơ bản sau đây:
Nguyên tắc thứ nhất là thành thật tri thức (intellectual honesty). Sứ mệnh của khoa học là khai hóa, quảng bá và phát triển tri thức. Tri thức khoa học dựa vào sự thật, mà sự thật đó phải được quan sát hay thu thập bằng những phương pháp khách quan. Khoa học dựa vào những sự thật có thể nhìn thấy, có thể nghe thấy, có thể sờ được, chứ không dựa vào kinh nghiệm cá nhân hay suy luận theo cảm tính. Do đó, khoa học đặt sự thật khách quan trên hết và trước hết. Không có sự khách quan và không có sự thành thật thì khoa học không có ý nghĩa gì cả. Nhà khoa học phải khách quan và thành thật. Nguyên tắc thành thật tri thức được xem là một cột trụ cơ bản nhất trong các nguyên tắc về đạo đức khoa học. Theo đó, nhà khoa học phải tuyệt đối thành thật với những gì mình quan sát hay nhận xét. Nói cách khác, nhà khoa học không nên gian lận trong nghiên cứu, không giả tạo dữ liệu, không thay đổi dữ liệu, và không lừa gạt đồng nghiệp.
Nguyên tắc thứ hai là cẩn thận. Nhà khoa học phải phấn đấu hết mình để tránh các nhầm lẫn và sai sót trong tất cả các HĐKH. Họ có nghĩa vụ phải báo cáo đầy đủ, chi tiết những kết quả đạt được trong quá trình nghiên cứu để các nhà khoa học khác có thể thẩm định hay xác nhận (nếu cần thiết). Bất cứ một thay đổi về số liệu, dữ liệu thu thập được đều phải có chú thích rõ ràng (ví dụ, ghi rõ ngày tháng sửa, ai là người chịu trách nhiệm và tại sao thay đổi). Khi làm việc như thế, việc sử dụng các phương pháp phi chính thống hay phương pháp phân tích và cách diễn dịch có thể dẫn đến những tiến bộ khoa học. Tuy nhiên, nếu cách làm việc này chỉ nhằm vào mục đích đạt được kết luận mà nhà khoa học muốn có thì rất dễ dẫn tới vi phạm đạo đức khoa học.
Nguyên tắc thứ ba là tự do tri thức. Nói một cách ví von, khoa học không bao giờ dừng lại trong hành trình đi tìm sự thật, vì đây là một hành trình liên tục. Nhà khoa học cần được tạo điều kiện để theo đuổi những ý tưởng mới và phê phán những ý tưởng cũ. Họ cũng có quyền thực hiện những nghiên cứu mà họ cảm thấy thú vị và đem lại phúc lợi cho xã hội.
Nguyên tắc thứ tư là cởi mở và công khai. NCKH mang tính tương tác rất cao, do đó thường phụ thuộc lẫn nhau. Nhà khoa học có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu, kết quả và phương pháp nghiên cứu, lý thuyết, thiết bị… với đồng nghiệp, cho họ tiếp cận dữ liệu của mình, nếu cần thiết. Ngoài ra, NCKH là một cuộc tranh tài về ý tưởng và các khái niệm mới nhất không nằm trong mô thức (paradigm) hiện hành. Cuộc “tranh tài” này có thể dẫn đến những xung đột nghiêm trọng. Do đó, cởi mở và thành thật trong tranh luận là những yếu tố đạo đức đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy các tiến bộ khoa học. Quy trình bình duyệt công trình nghiên cứu là một bước quan trọng trong việc thực hiện các NCKH. Những thói ganh tị, thành kiến hay mâu thuẫn cá nhân có thể làm cho hệ thống này bị thất bại. Do đó, khi phê bình một nghiên cứu của đồng nghiệp, nhà khoa học nên tập trung vào tính hợp lý khoa học và logic của nghiên cứu, chứ không nên dựa vào những cảm nhận cá nhân.
Nguyên tắc thứ năm là ghi nhận công trạng thích hợp. Nhà khoa học phải ghi nhận những đóng góp của các nhà khoa học đi trước và tuyệt đối không lấy nghiên cứu của người khác làm thành tích của mình. Tri thức khoa học mang tính tích lũy và được xây dựng dựa vào những đóng góp của nhiều nhà khoa học trong quá khứ và hiện tại. Ghi nhận công trạng của họ là một quy ước về đạo đức khoa học, và hình thức ghi nhận có thể được thể hiện qua tài liệu tham khảo, lời cảm tạ, hay cho họ cơ hội đứng tên đồng tác giả. Sử dụng công trình hay ý tưởng của đồng nghiệp mà không ghi nhận là một vi phạm đạo đức khoa học. Ngày nay, một công trình NCKH, nhất là khoa học thực nghiệm, là thành quả của nhiều cá nhân. Do đó, ai có tư cách đứng tên tác giả đôi khi trở thành một vấn đề tế nhị. Theo quy ước chung, nhà khoa học có tư cách đứng tên tác giả nếu hội đủ tất cả 3 tiêu chuẩn: Một là đã có đóng góp quan trọng trong việc hình thành ý tưởng và phương pháp nghiên cứu, hay thu thập, phân tích và diễn dịch dữ kiện; hai là đã soạn thảo bài báo hay kiểm tra nội dung tri thức của bài báo một cách nghiêm túc; ba là phê chuẩn bản thảo sau cùng để gửi cho tạp chí.
Nguyên tắc thứ sáu là trách nhiệm trước công chúng. Phần lớn HĐKH là do tài trợ từ đóng góp của người dân; do đó, nhà khoa học phải có nghĩa vụ công bố những gì mình đạt được cho công chúng biết. Hình thức công bố có thể là những ấn phẩm khoa học hay những trao đổi trên các diễn đàn quần chúng. Tất cả các cơ sở vật chất sử dụng cho nghiên cứu, kể cả thiết bị, hóa chất, tài chính… là tài sản chung của xã hội; do đó, chúng cần được sử dụng sao cho đem lại lợi ích cao nhất cho xã hội. Các động vật và bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu được xem là “vốn xã hội” và cần phải được tuyệt đối tôn trọng.
Mục tiêu quan trọng của khoa học là nhằm mở rộng tri thức con người về các lĩnh vực như vật lý, sinh học, xã hội… Mở rộng ở đây có nghĩa là đi ra ngoài, đi xa hơn những gì đã được biết. Nhưng một tri thức mới hay một khám phá mới chỉ có thể đi vào phạm trù khoa học khi nó đã được thẩm định và lặp lại một cách độc lập. Quá trình này có thể thực thi bằng nhiều cách: Nhà khoa học thảo luận với cấp trên, với đồng nghiệp, trong các hội nghị quốc tế, hội nghị quốc gia, seminar, hay thậm chí bên bàn cà phê. Do đó, có thể xem HĐKH là một việc làm mang tính xã hội, chứ không phải là một nỗ lực đi tìm sự thật trong cô đơn, lặng lẽ. Vì mang tính xã hội, nên các chuẩn mực về đạo đức khoa học phải là một “thể chế” của bất cứ trung tâm khoa học nào, và phải được xem như là quy ước ứng xử và là một mục tiêu của khoa học.
Sinh viên và các nghiên cứu sinh từ các trường đại học là những người sẽ chiếm giữ các vị trí quan trọng trong xã hội như nhà lãnh đạo, nhà khoa học và GS tương lai, và việc cho họ biết về các tiêu chuẩn đạo đức khoa học là một biện pháp để đảm bảo sự ổn định của xã hội cho các thế hệ tiếp nối. Vì thế, trường đại học có nhiệm vụ truyền đạt các chuẩn mực về đạo đức khoa học, chứ không nên trông chờ vào các hội đoàn chuyên môn. Hệ thống chuẩn mực về đạo đức khoa học còn là một phương tiện để phòng chống các tiêu cực trong khoa học. Thật vậy, phần lớn những nhân vật gian lận trong khoa học thường không quan tâm đến các chuẩn mực khoa học. Hiện nay, trong bối cảnh nước ta đang có chiến dịch phòng chống tham nhũng, kể cả tham nhũng trong khoa học, vấn đề truyền đạt các chuẩn mực đạo đức khoa học trong các trường đại học thiết nghĩ còn cấp thiết hơn nữa.
Một số trường hợp vi phạm đạo đức khoa học
Eric Poehlman: Giả tạo số liệu
Poehlman là cựu GS y khoa, một chuyên gia về bệnh béo phì của Trường Đại học Vermont (Mỹ). Trước khi bị phát hiện giả tạo số liệu và đi tù, Poehlman là một trong những “ngôi sao” sáng chói trong lĩnh vực nghiên cứu bệnh béo phì, với hơn 200 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí y khoa quốc tế, được các đồng nghiệp cũng như các công ty dược mời thuyết giảng. Nhưng 10 bài báo khoa học và bài giảng trong các hội nghị từ năm 1992 đến 2002 lại là những tác phẩm khoa học dựa vào số liệu do ông giả tạo để phù hợp với lý thuyết của mình. Năm 1995, Poehlman trình bày dữ liệu mà ông báo cáo là thu thập từ một nghiên cứu đánh giá các đặc điểm về chuyển hóa năng lượng ở phụ nữ trong thời gian trước và sau mãn kinh. Các dữ liệu này được công bố trong một bài báo khoa học có tên là “Changes in Energy Balance and Body Composition at Menopause: A Controlled Longitudinal Study” trên Tạp chí Annals of Internal Medicine (một tạp chí y khoa hàng đầu trên thế giới). Trong bài báo đó, Poehlman báo cáo rằng, ông đã theo dõi sự chuyển hóa năng lượng trên 35 phụ nữ trong suốt 6 năm liền. Nhưng trong thực tế, Poehlman chỉ theo dõi một bệnh nhân duy nhất, phần còn lại là ông giả tạo số liệu. Ngoài ra, Poehlman còn giả tạo nhiều số liệu trong hơn 10 bài báo khoa học khác. Chẳng những thế, Poehlman còn ngụy tạo số liệu mà ông cho là “nghiên cứu sơ bộ” để thu hút tài trợ đến gần 3 triệu USD từ NIH (cơ quan tài trợ cho phần lớn nghiên cứu y khoa ở Mỹ).
Sau nhiều năm điều tra, Trường Đại học Vermont quyết định sa thải Poehlman và Nha liêm chính trong nghiên cứu (ORI) truy tố ông ra tòa. Ngày 28.6.2006, Poehlman bị tòa xử phạt một năm tù và phải hoàn trả cho Nhà nước 542.000 USD. Đây là trường hợp nghiêm trọng nhất và lần đầu tiên trong lịch sử khoa học Mỹ có một GS gian lận trong khoa học phải ngồi tù.
Jon Sudbo: Mô phỏng số liệu
Năm 2005, Tạp chí Lancet (một tạp chí y học danh tiếng nhất nhì thế giới) công bố một công trình nghiên cứu của bác sĩ Jon Sudbo, chuyên gia về ung thư thuộc Bệnh viện Radium và Đại học Oslo (Na Uy). Trong bài báo, bác sĩ Sudbo và 13 cộng sự viên báo cáo rằng, họ đã tiến hành một nghiên cứu đối chứng (case-control study) với 908 đối tượng và kết quả cho thấy, thuốc chống viêm NSAIDs (non-steroidal anti-inflammatory drugs) có hiệu quả làm giảm nguy cơ ung thư miệng. Phát hiện của bác sĩ Sudbo gây sự chú ý lớn của các chuyên gia trong lĩnh vực ung thư, bởi vì các loại thuốc NSAID được sử dụng rất rộng rãi để giảm đau, nhất là đau do thấp khớp, và tương đối rẻ. Nếu quả thật thuốc có hiệu quả chống ung thư thì đó là một tin vui cho bệnh nhân: Một thuốc mà đạt hai mục tiêu. Sau khi công bố bài báo, Sudbo trở thành nổi tiếng trong giới chuyên môn về “phát hiện” mà ít ai nghĩ đến. Nhưng nghiên cứu của Sudbo hoàn toàn giả tạo. Bác sĩ Sudbo giả tạo tất cả các số liệu và bệnh nhân. Khi điều tra lại các số liệu gốc (cũng giả tạo), người ta mới phát hiện trong số 908 đối tượng ma này, có đến 250 người có cùng ngày tháng năm sinh! Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, trong phân tích, Sudbo đã giả tạo rất tài tình, không để lộ một kẽ hở nào để người bình duyệt có thể đánh dấu hỏi. Tổng biên tập Tạp chí Lancet, Richard Horton, phải thú nhận là Sudbo quá thông minh và tinh xảo đến độ ông có thể qua mặt tất cả 13 cộng sự viên là tác giả của bài báo, lường gạt tất cả các chuyên gia trong ngành đã bình duyệt bài báo, lường gạt luôn cả một chuyên gia thống kê học cũng là người bình duyệt bài báo! Hành động ngụy khoa học của bác sĩ Sudbo chỉ được phát hiện khi một nhà dịch tễ học người Na Uy chú ý đến đoạn văn mà Sudbo cho biết nguồn bệnh nhân mà ông nghiên cứu là trích từ một ngân hàng dữ liệu về ung thư thuộc Bệnh viện Radium, vì trong thực tế ngân hàng dữ liệu này không hiện hữu!
Đến nay, bác sĩ Sudbo đã thú nhận rằng ông ngụy tạo hoàn toàn các số liệu trong bài báo đó bằng máy tính. Sudbo không chú ý đến ngày tháng năm sinh vì nghĩ rằng không ai đòi hỏi xem số liệu gốc! Sudbo còn thú nhận rằng, hai bài báo ông công bố trước đó trên Tạp chí New England Journal of Medicine và Journal of Clinical Oncology cũng dựa vào số liệu do ông dựng lên.
Woo Suk Hwang: Ngụy tạo dữ liệu
Tháng 2.2004, một nhóm nhà khoa học Hàn Quốc đã công bố một NCKH được xem là tiên phong trong việc sử dụng tế bào mầm (stem cells) vào các mục tiêu điều trị lâm sàng. Nhóm khoa học do GS Hwang Woo Suk, một nhà nghiên cứu thú y danh tiếng ở Hàn Quốc đứng đầu, tuyên bố trên Tạp chí Science rằng, họ đã thành công sản sinh một số tuyến tế bào mầm (embryonic stem cell lines) bằng cách cấy các nhân (nucleus) rút ra các tế bào của người lớn vào trứng của một người khác. 4 tháng sau, GS Hwang tuyên bố thêm rằng nhóm của ông đã tiến hành chuyển nhân như thế cho 11 bệnh nhân khác. Thành công vượt bậc này được giới khoa học khắp thế giới ca ngợi như là một kỳ tích, là bước đầu quan trọng trong mục tiêu điều trị bệnh nhân bằng chính mô của bệnh nhân được tái sinh bằng kỹ thuật cấy tế bào mầm.
Tháng 8.2005, nhóm của GS Hwang làm thế giới ngạc nhiên nữa: Đã thành công trong việc nhân bản một con chó mà ông đặt tên là “Snuppy” (ghép từ chữ cái của Seoul National University và puppy). Công trình này được công bố trên Tạp chí Nature. Đây cũng là một thành công nổi bật, theo sau thành công của công trình tạo con cừu Dolly nổi tiếng vài năm trước đó ở Scotland, một công trình xứng đáng là niềm tự hào của khoa học á châu. Giới khoa học thế giới làm việc trong cùng lĩnh vực cũng nghiêng mình bái phục khả năng chuyên môn của ông, vì ông và cộng sự đã làm được một việc mà họ chưa làm được. Thế nhưng, ngay sau khi công bố trên Tạp chí Science, công trình nghiên cứu của GS Hwang đã bị nhiều nhà khoa học Hàn Quốc phê bình và chỉ trích gay gắt. Chỉ 2 tháng sau khi công trình của GS Hwang công bố, một số nhà khoa học Hàn Quốc phát biểu nặc danh trên các websites ở Hàn Quốc chỉ ra rằng, một số hình ảnh trong bài báo trên Science là ngụy tạo, chứ không phải là kết quả nghiên cứu. Họ còn suy luận rằng các ảnh này được “sản xuất” từ hai cụm tế bào mà thôi (chứ không phải 11 như bài báo viết). 3 tháng sau công bố bài báo trên Science, Tạp chí Nature chạy một bản tin ngắn cho biết hai nhà nghiên cứu và cũng là cộng sự viên của Hwang là hai trong số những người hiến trứng cho công trình nghiên cứu của GS Hwang. Họ còn nói thêm rằng, họ được trả khoảng 1.500 USD cho việc hiến trứng này. Nói cách khác, đây là một vi phạm y đức trong nghiên cứu rất nghiêm trọng, vì luật pháp không cho phép cộng sự viên hiến trứng cho nghiên cứu.
Tiếp theo đó, một thành viên trong nhóm nghiên cứu của GS Hwang, TS Kim Sun Jong (hiện đang làm việc tại Đại học Pittsburgh) cho biết, trong lúc tham gia vào công trình nghiên cứu, GS Hwang đã chỉ thị cho ông phải làm sao dùng 2 hay 3 tuyến tế bào để sản xuất cho được 11 tuyến. Nói cách khác, đây là một ngụy tạo dữ kiện nghiên cứu.
Gerald Schatten: Vấn đề đứng tên tác giả
Giữa tháng 11.2005, GS Gerald Schatten thuộc Đại học Pittsburgh (Mỹ) và cũng là một cộng tác viên với nhóm của GS Hwang tuyên bố rằng, ông đã chấm dứt tất cả cộng tác với GS Hwang vì ông quan tâm đến vấn đề y đức trong nghiên cứu của GS Hwang. Qua tiết lộ của GS Schatten, người ta còn biết thêm một tình tiết bất bình thường khác: Đó là vấn đề tác giả. Bài báo có 25 tác giả đứng tên, trong đó có GS Schatten thuộc Đại học Pittsburgh . GS Schatten cho biết, chẳng hiểu vì lý do gì, trước khi công bố công trình nghiên cứu, ông được GS Hwang mời cùng đứng tên đồng tác giả chính (senior co-author) của bài báo, và GS Schatten đồng ý! Nhưng đến giữa tháng 12.2005, GS Schatten yêu cầu Science bỏ tên ông ra khỏi bài báo vì hai lý do: Một, ông cảm thấy không “thoải mái” với những dữ kiện trong bài báo; và hai, ông chỉ đóng vai trò phân tích số liệu và giúp đỡ trong việc soạn thảo bài báo.
Về phía GS Hwang, trước hàng loạt cáo buộc bất lợi như trên, thoạt đầu ông khẳng định rằng ông chẳng làm gì sai, và quyết tâm sẽ điều tra vấn đề cho đến nơi đến chốn. Nhưng đến cuối tháng 11, đầu tháng 12.2005 (tức gần 2 năm sau khi công bố bài báo trên Science) ông thú nhận là một số ảnh trong bài báo là bản sao chứ không phải chụp từ thí nghiệm; là nhóm của ông quả có sử dụng trứng do cộng sự viên hiến, và một số trứng khác là do mua từ bệnh viện; một số số liệu trong bảng thống kê trong bài báo là sai. Phát biểu trước báo chí Hàn Quốc, ông nói: “Tôi cảm thấy rất hối tiếc phải nói ra những điều xấu hổ và tồi tệ trước công chúng. Một lần nữa, tôi thành thật xin lỗi vì đã làm cho quốc gia và thế giới quan tâm”. ông từ chức GS Đại học Quốc gia Seoul, từ chức Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tế bào mầm. Ngày 18.12.2005, Tổng biên tập Science là Donald Kennedy nhận được thư của GS Hwang và GS Schatten đề nghị rút lại bài báo trên Science. Thế là công trình nghiên cứu đã đi đến một đoạn kết buồn, một xì-căng-đan lớn trong khoa học, một vết nhơ cho khoa học.
SOURCE: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC SỐ 586, THÁNG 3 NĂM 2008
Nhận xét
Đăng nhận xét